Người đàn ông trung niên thoăn thoắt xúc những xẻng sỏi trộn cát, lấp đầy những chiếc hố sâu trên đường. Khi mặt đường trước mắt đã bằng phẳng, ông ngơi tay xẻng, ngước nhìn bầu trời và cầu nguyện cho con trai.
Prakash Bilhore, con trai ông Dadarao Bilhore, qua đời khi mới 16 tuổi trong một tai nạn giao thông năm 2015 ở thành phố Mumbai. Prakash là một trong hàng nghìn người dân Ấn Độ tử vong mỗi năm trong những vụ tại nạn có nguyên nhân từ "ổ gà".
Prakash và một người anh họ gặp nạn khi đâm xe máy vào một "ổ gà" sâu, khiến cả hai bị bắn lên không trung. Prakash ngồi sau, không đội mũ bảo hiểm nên bị tổn thương não nghiêm trọng, trong khi người anh họ may mắn chỉ bị vết thương nhẹ nhờ đội mũ bảo hiểm. Vụ tai nạn của con trai ông Dadarao xảy ra vào thời điểm mùa mưa ở Mumbai. Mưa lớn đổ xuống vào mùa hè tạo ra những chiếc hố chết người trên những con đường ở thành phố.
Để khỏa lấp nỗi đau mất con, ông Dadarao Bilhore, một người bán hàng rong, quyết định làm điều gì đó cho những con đường, vốn lồi lõm, ở thành phố Mumbai. Chỉ bằng sỏi và cát nhặt nhạnh từ các công trình xây dựng, ông Dadarao đã "vá" được khoảng 600 "ổ gà" trên khắp thành phố tài chính của Ấn Độ trong vòng ba năm qua. Người đàn ông 48 tuổi làm việc này để tưởng nhớ người con trai yêu quý và hy vọng sẽ cứu sống nhiều cuộc đời.
"Cái chết bất ngờ của Prakash để lại một khoảng trống khổng lồ trong cuộc sống của chúng tôi. Tôi làm công việc 'vá đường' như một cách để nhớ đến thằng bé. Tôi cũng không muốn bất cứ ai khác mất đi người thân yêu giống như chúng tôi từng phải chịu đựng", AFP dẫn lời ông Dadarao tâm sự tại căn hộ khiêm tốn sống cùng vợ, con gái và gia đình mở rộng của ông.
"Ổ gà" còn được xem là "đặc sản" của Mumbai khi người dân ở đây còn thực hiện cả một chiến dịch nhằm đưa thành phố có tên trong Sách Kỷ lục Guinness vì có nhiều hố trên đường nhất.
10 người chết mỗi ngày
Số liệu chính phủ cho thấy "ổ gà" là nguyên nhân khiến 3.579 người khắp Ấn Độ thiệt mạng năm ngoái, trung bình mỗi ngày có 10 người chết. Người dân đổ lỗi cho chính phủ thờ ơ, đồng thời chỉ trích giới chức địa phương không bảo trì những con đường thường xuyên.
Các nhà hoạt động thì cho rằng nhà thầu được thuê để tu sửa đường sá đã không làm tốt nhiệm vụ vì muốn việc sửa chữa được tái diễn năm sau.
"Chính phủ cần chịu trách nhiệm và tạo ra hạ tầng tốt hơn", ông Dadarao hối thúc.
Câu chuyện "vá" đường của ông Dadarao trở thành nguồn cảm hứng và được chia sẻ rộng khắp. Từ sau đó, ông không còn phải lấp đường một mình mà có sự giúp đỡ của các tình nguyện viên. Ông cũng trở thành nhân vật trong rất nhiều bài báo ở Ấn Độ và nhận được một vài giải thưởng.
"Việc chúng tôi làm được công nhận mang đến cho tôi sức mạnh đương đầu với nỗi đau. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều cảm thấy con trai Prakash đang ở cạnh. Chừng nào còn sống và còn có thể đi lại được, tôi sẽ tống khứ tất cả ổ gà này đi", ông Dadarao nói.
Hà Phương