Nhật Bản là một trong những quốc gia đóng góp nhiều phát minh vĩ đại cho nhân loại như máy ảnh kỹ thuật số, máy nghe nhạc, tàu cao tốc… Trong đó phát minh được nhiều người sử dụng nhất chính là mì ăn liền. Sản phẩm này đã cứu sống hàng triệu người trong các đợt thiên tai và thời kỳ suy thoái kinh tế tại Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới.
Tác giả của phát minh vĩ đại này là ông Momofuku Ando, người sáng lập tập đoàn Nissin Food. Ông sinh năm 1910 tại Đài Loan. Ban đầu ông có tên là Go Pek-Hok, sau khi bố mẹ qua đời, ông chuyển đến sống với ông bà tại Đài Bắc. Năm 1933, ông tới thành phố Osaka, Nhât Bản, để theo học tài chính tại Đại học Ritsumeikan. Thời gian đó, ông dùng số vốn ít ỏi được thừa kế từ bố mẹ để khởi nghiệp công ty may mặc. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, ông chính thức trở thành công dân Nhật và đổi tên là Momofuku Ando.
Ý tưởng về mì gói đến với ông Momofuka Ando vào ngày 15/8/1945 khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng minh và nạn đói diễn ra khắp đất nước bởi ảnh hưởng của chiến tranh. Chứng kiến cảnh đoàn người đói lả xếp hàng chờ đợi tại các cửa hàng để mua một bát mì, ông Ando nghĩ ngay đến việc sản xuất một món ăn liền, nấu nhanh, có thể cứu đất nước khỏi nạn đói khủng khiếp này.
Nhưng ông Ando chưa thể thực hiện được ngay ý tưởng mà phải đợi đến năm 1957 mới có thời gian và tích cóp đủ tiền. Ông Ando tập trung nghiên cứu món mì gói với những tiêu chí như: Có thể ăn ngay, ngon, nấu nhanh, kinh tế, an toàn cho sức khỏe và bảo quản được lâu. Ông nghĩ chỉ có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của người dân Nhật còn khó khăn trong giai đoạn hậu chiến.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, ông gặp khó khăn lớn khi chưa tìm được cách rút nước khỏi mì. Một ngày nọ, khi đang làm món mì xào cho vợ, ông nhận ra mì trộn mỡ không chỉ mất nước nhanh mà còn chín nhanh hơn khi được đun ở nhiệt độ cao.
Nắm được bí quyết trên, năm 1958, ông Ando cho ra đời sản phẩm mì ăn liền Chikin Ramen đầu tiên. Ban đầu Chikin Ramen được coi là loại thực phẩm xa xỉ với người lao động do chúng đắt hơn mì thường. Nhưng sự tiện lợi của loại mì này nhanh chóng được người dân Nhật yêu thích và trở thành món ăn phổ biến đối với những người bận rộn.
Năm 1964, ông Ando thành lập công ty chế biến mì ăn liền Instant Food và cải tiến công nghệ để giảm giá thành sản xuất. Mì ăn liền trở nên rẻ và phổ biến đến các tầng lớp lao động nghèo ở Nhật. Phát minh ra mì ăn liền, ông Ando đã hoàn thành ước mơ cứu giúp người lao động thoát khỏi tình trạng đói ăn xưa. Không dừng lại ở đó, ông còn muốn đem sản phẩm này ra thế giới, để nhiều người có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc hơn.
Ông bắt đầu tìm cách mở rộng thị trường sang các nước phương Tây. Do các quốc gia này không quen dùng đũa, ông nghĩ ra cách thay thế bằng dĩa nhựa. Năm 1966, trong chuyến du lịch đến Mỹ, ông Ando tiếp tục nảy ra ý tưởng mì ly khi thấy một số khách hàng sử dụng cốc cà phê để ăn mì gói.
Nhờ phát minh của ông, nhiều công ty thực phẩm trên thế giới sản xuất các loại mì ăn liền tương tự bằng cách áp dụng bí quyết chiên mì để rút nước. Instant Food do ông sáng lập hiện là một trong những công ty sản xuất thực phẩm ăn liền lớn nhất thế giới với hàng nghìn sản phẩm từ mì gói đến thức ăn nhanh.
Ông Ando mất năm 2007 nhưng những gì ông để lại có ý nghĩa lớn cho xã hội. Bảo tàng Mì mang tên Momofuka Ando được dựng lên tại Osaka để khách tham quan có thể tìm hiểu về lịch sử hình thành mì gói, các loại mì và cách chế biến.
Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA), mì gói được sử dụng rộng rãi trên 50 quốc gia. Năm 2008, tổng số gói mì tiêu thụ trên toàn thế giới là 9,4 tỷ và đến năm 2017, con số này đã đạt gần 100 tỷ gói mì. Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ mì gói lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Thảo Nguyên
Theo The Famous