Người nhà bệnh nhân cho biết, trong lúc vào chuồng chăm sóc heo con, anh Nguyễn ở Gia Lai bất ngờ bị heo mẹ táp trúng vùng hạ bộ. Sau khi sơ cứu tại địa phương, do thấy vết thương quá nghiêm trọng, các bác sĩ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Bình Dân (TP HCM), các bác sĩ ghi nhận vùng bìu trái của người bệnh sưng to, bầm tím với vết rách khoảng 4 cm. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn trái của anh Nguyễn đã bị vỡ hoàn toàn.
Người bệnh lập tức được phẫu thuật cấp cứu để thám sát vùng bìu, các bác sĩ cố gắng bảo tồn phần tinh hoàn còn lại, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ như tụ máu, nhiễm trùng lan rộng vùng bìu về sau.
Thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân cho biết, tinh hoàn là nơi sản xuất tinh trùng, cũng là nơi sản sinh nội tiết tố testosterone để duy trì các đặc tính sinh dục của nam giới. Hai tinh hoàn nằm trong bìu và được cấu tạo bởi một bao thớ dày, không đàn hồi gọi là lớp trắng rất chắc chắn.
Nguyên nhân thường gặp gây vỡ tinh hoàn là do đả thương và các chấn thương thể thao, va chạm trực tiếp với lực mạnh vào vùng hạ bộ, tai nạn xe, té ngã, tai nạn trong sinh hoạt và động vật cắn (thường gặp nhất là chó). Hiếm gặp hơn, có trường hợp vỡ tinh hoàn do tự bóp chủ yếu phát hiện trên người bệnh tâm thần.
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nguy cơ vỡ tinh hoàn sau một chấn thương vùng bìu lên đến 50%. Tỷ lệ cắt bỏ tinh hoàn cũng tăng từ 7% lên đến hơn 50% nếu phẫu thuật muộn hơn 72 giờ sau chấn thương. Người bệnh sẽ hồi phục nhanh hơn nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong chấn thương tinh hoàn và vết thương vùng bìu.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo khi tham gia các hoạt động thể thao, trong lao động và các sinh hoạt thường ngày, nam giới cần biết tự bảo vệ vùng kín. Nếu không may gặp tai nạn chấn thương tinh hoàn, cần đến khám tại những bệnh viện chuyên về nam khoa để được chẩn đoán sớm và có hướng xử trí kịp thời.
Thiên Chương