Sự việc xảy ra tại khu vực hành chính của Khoa cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, ở TP Vinh, hôm 31/5. Theo video được camera an ninh ghi lại lúc 23h54 cùng ngày, khi đang đứng trao đổi với nữ nhân viên y tế tại quầy làm thủ tục, người đàn ông to tiếng, lấy tay chỉ vào tờ giấy đặt trên bàn.
Người này sau đó chồm qua bàn, đấm vào người nữ nhân viên. Bảo vệ cùng một người dân đứng gần đã can ngăn, kéo anh ta ra chỗ khác. Hiện chưa rõ lý do xảy ra mâu thuẫn cũng như tình trạng của nhân viên y tế.
Ngày 2/6, Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết đã yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An báo cáo cụ thể vụ việc để đưa ra hướng xử lý.
Video về vụ hành hung cũng được đăng trên Facebook Bộ Y tế, thu hút nhiều bình luận. Nhiều người bức xúc, cho rằng cần có biện pháp xử lý người hành hung đến nơi đến chốn, không thể chấp nhận việc chỉ xin lỗi là xong. "Nên có án điểm 24 tháng hay 36 tháng chứ cứ xin lỗi mãi không được", một người ý kiến. "Khoa cấp cứu toàn quốc nên làm như bệnh viện Chợ Rẫy, không cho người nhà vào khu vực điều trị", người khác nhận xét.
Người đàn ông đánh nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Video: Facebook Bộ Y tế
Các vụ y bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung xảy ra liên tiếp gần đây. Hồi tháng 3, một bác sĩ ở Gia Lai bị người nhà bệnh nhân hành hung, gây sang chấn tâm lý. Ngày 4/5, một nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định bị người nhà xô đẩy, đánh vào mặt. Người này sau đó đã bị khởi tố với cáo buộc Gây rối trật tự công cộng.
Hôm 25/4, các bác sĩ Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ) bị người nhà bệnh nhân xô đẩy, tấn công trong lúc cấp cứu cho bệnh nhi 12 tuổi bị sốc phản vệ. Sau đó, người bạo hành điều dưỡng bị phạt hành chính 30 triệu đồng.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, phần lớn các vụ bạo lực nhắm vào nhân viên y tế xảy ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện, với 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% điều dưỡng. Nguyên nhân thường xuất phát từ việc người bệnh muốn được khám nhanh, kỹ càng, song thực tế không phải lúc nào cũng đảm bảo được. Những căng thẳng cộng dồn từ phía người nhà, cán bộ y tế quá tải, hành vi bạo lực vì thế dễ bùng nổ.
Hướng Dương