Vườn của Thanh Tịnh (41 tuổi, làm việc tự do) được bố trí trên mái tầng hai và sân thượng của ngôi nhà nằm tại quận 3, TP HCM. Anh theo đuổi cách trồng cây hữu cơ nên không sử dụng phân bón hóa học. 'Lúc chuẩn bị đón con đầu lòng, tôi làm vườn để có sản phẩm sạch cho mẹ và bé. Để bắt đầu, tôi đã dỡ mái tôn, đổ sàn giả để trồng rau và cà chua', anh nói về cơ duyên đến với trồng trọt của mình. 'Tính tới nay, tôi đã làm vườn được khoảng 5 năm. Giai đoạn đầu, điều khó khăn nhất là tôi không am hiểu về đất trồng và nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây nên trồng cây không đạt kỳ vọng. Sau đó là các vấn đề về rầy rệp, sâu gây hại. Ngoài ra, cây ăn trái ngắn ngày như cà, dưa còn gặp nấm bệnh', anh nói thêm. Để giải quyết những khó khăn này, anh chủ yếu tìm tòi thông tin qua mạng về đặc tính của các loại cây trồng và điều chỉnh. Anh thường trồng cà chua trái cây Nhật Bản (loại dùng để ăn sống như hoa quả). Anh cho biết: 'Tôi mê các loại cà trái cây của Nhật vì chúng ngọt và vỏ mỏng'. Vì đam mê trồng trọt, anh cũng hay mua giống mới về thử dù giá hạt bên Nhật rất đắt. 'Tất cả cây rau trong vườn kể cả hoa đều không dùng phân bón NPK nên sản lượng rất kém. Nhưng con đầu lòng của tôi - bé Sâu rất thích rau củ quả nhà trồng nên tôi không tiếc tiền đầu tư các sản phẩm vi sinh và phân bón hữu cơ. Nhìn chung, chi phí là điều mà người mê làm vườn không bao giờ tính tới đâu', anh cười nói. Để giữ sàn sạch và không bị rỉ nước, anh làm thùng Earthbox (thùng nhựa trồng rau thông minh) để thu gom nước dư thừa. Anh lắp hệ thống tưới tự động hoàn toàn để tiết kiệm công chăm sóc. Khoảng 3 năm đầu tiên, anh chủ yếu đọc tài liệu trên google về cách chăm cây. Hai năm trở lại đây, anh mới gia nhập các hội nhóm trồng cây. Anh nhận thấy việc trao đổi cùng cộng đồng giúp ích nhiều trong việc học hỏi kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là khi tham gia vào các hội dành cho nông dân chuyên nghiệp (trồng thương phẩm). 'Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải biết chọn lọc thông tin giữa một rừng thông tin tư vấn', anh nói. Nếu cây gặp rầy rệp, sâu bệnh, anh sử dụng các sản phẩm sinh học (không cần cách ly cây khi dùng) của những công ty uy tín để phun ngừa. Cách làm tương tự khi cây gặp nấm bệnh. Thành quả sau một lần thu hoạch của gia đình. Ông bố Sài Gòn dùng chủ yếu là phân trùn, phân viên hữu cơ nhập khẩu, phân đạm cá và các loại phân tự ủ từ rác thải nhà bếp, chuối, bã đậu, sữa hết hạn... cho cây. Anh thường dành thời gian chăm vườn vào buổi sáng và tối, mỗi lần khoảng một tiếng đồng hồ. Những ngày không phải làm việc, anh có thể dành cả ngày trên vườn và cho con lên chơi để bé được gần thiên nhiên. Hiện tại, anh có nhiều kinh nghiệm làm vườn nên không tốn công sức trộn đất, phơi đất, ủ đất sau mỗi vụ như lúc trước. Các tác nhân gây hại như rầy rệp, sâu bọ và nấm bệnh cũng được hạn chế sau thời gian dài sử dụng các sản phẩm vi sinh. Khi thu hoạch được nhiều cà chua, dưa lưới, anh thường đem tặng bạn bè, người thân. 'Một thời gian sau, tôi mới bắt đầu bán cây giống, hạt giống của một số loại cà để có thêm vốn tìm hiểu các loại giống mới', anh nói. Với mỗi vụ dưa lưới, anh đều trồng khoảng 10 cây. Vụ vừa rồi, anh thu được khoảng 17 kg dưa, với mỗi quả đạt từ 1,5 đến 2 kg. Ổi nhà trồng trong thùng cho trái nặng trĩu. Riêng cà chua được anh trồng quanh năm. Vì vậy, lúc nào gia đình cũng thu hoạch được cà chua chín. Hằng Trần Ảnh: NVCC