Chủ nhật, 17/3/2024, 10:37 (GMT+7)

Người dân hò hét đánh cá, thổi cơm trên thuyền ở hội làng

Thanh HóaLễ hội văn hóa làng Quỳ Chử, với phần thi đua thuyền thổi lửa nấu cơm, diễn ra vào chiều 16/3, thu hút nhiều người tham dự.

Lễ hội Kỳ Phúc là lễ hội truyền thống lâu đời của làng Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa. Lễ hội thường diễn ra vào ngày mồng 6 đến mồng 8 tháng Hai âm lịch và được tổ chức hai năm một lần. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lễ hội này đã tạm ngừng tổ chức trong suốt 6 năm kể từ 2018.

Lễ chính bắt đầu từ sáng mồng 6 âm lịch với đoàn rước kiệu từ đền Mẫu về Đình Trung của ba thôn và đường 1a. Phần hội làng sau đó có nhiều trò chơi dân gian như: gánh nước, đua thuyền truyền thống, kéo co, bịt mắt bắt vịt, cờ tướng, bóng chuyền hơi... Trong đó, đua thuyền truyền thống Cơm thi, cá giải được nhiều người mong chờ nhất.

Có bốn đội thi gồm Trung Tiến, Tây Phúc, Đông Nam và Đường 1a. Mỗi đội gồm một cặp nam, nữ tham gia, trong đó phụ nữ mặc áo tứ thân, quấn khăn mỏ quạ. Còn đàn ông thì cầm cần câu, vác mái chèo, mặc áo nâu, và buộc khăn đầu khi đi theo sau.

Các đội chuẩn bị sẵn niêu cơm, kiềng ba chân, bát đũa, chảo, củi, phích nước... vừa chèo, vừa nấu trong tiếng trống, tiếng cổ vũ reo hò của người dân hai bên bờ sông.

Trò cơm thi cá giải không chỉ là sân chơi thể hiện tài năng chèo thuyền, kéo chài lưới của nam giới trên dòng sông, mà còn là dịp để phụ nữ thể hiện khả năng nội trợ, khéo léo và đảm đang. Đồng thời, cũng là cơ hội để thể hiện tình cảm vợ chồng yêu thương, gắn bó thuỷ chung, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài tính kế thừa truyền thống của ông bà, tổ tiên, trò Cơm thi cá giải còn rèn luyện cho lớp trẻ làng Quỳ Chử nếp sống sinh hoạt gia đình, biết cách lựa chọn trai tài, gái đảm từ trong thực tế.

Đối với phần thi đánh cá, mỗi đội cần thực hiện việc đánh bắt tại ao và không được chuẩn bị sẵn từ trước. Thời gian bắt cá được giới hạn trong vòng 30 phút quanh ao.

Thành viên đội Tây Phúc đã thành công trong việc đánh bắt cá trong vòng 10 phút đầu của phần thi.

Các đội thi đấu dưới sự hò reo, cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Từ khi bắt đầu tham gia đua thuyền vào năm 2012, Lường Thị Liên và Nguyễn Thanh Tú đã không ngừng đem đến những bất ngờ và ấn tượng mới mẻ. Tại lễ hội năm nay, hai cô đã chọn cho mình một bộ trang phục độc đáo, bằng cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên như nem chua Thanh Hóa, tỏi, ớt kết hợp với cây dương xỉ, lá tre và quất... biến tấu thành những chiếc váy áo, phụ kiện ấn tượng.

'Mỗi lần tham dự, chúng tôi luôn nỗ lực mang đến một diện mạo mới, nhằm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân và du khách từ khắp nơi. Bộ trang phục được lên ý tưởng và hoàn thiện trong vòng một tuần. Việc sử dụng các nguyên liệu này không chỉ tạo nên vẻ đẹp tự nhiên mà còn thể hiện sự tôn vinh món ăn truyền thống nem chua của vùng đất Thanh Hóa', cô Liên (bên trái) cho biết.

Sau khi hoàn thành đánh bắt cá, các đội sẽ được tiếp lửa để chuẩn bị cho việc nấu cơm cỗ.

Trên thuyền mỗi người một nhiệm vụ riêng, nhưng cần phải kết hợp hài hòa để thuyền đi nhanh và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong việc nấu nướng. Lửa phải cháy liên tục, nước phải sôi nhanh, và cơm phải chín nhanh chóng, tất cả đều đòi hỏi sự đồng thuận và cộng tác chặt chẽ giữa hai người trên thuyền. Các món ăn được nấu và trình bày trong vòng một tiếng.

Sau hai giờ thi đấu, mâm cỗ được sắp xếp cẩn thận, tỉ mỉ. Những món ăn truyền thống như canh chua, nem rán, trứng rán, rượu, và hoa quả trái cây tráng miệng... đã được bày biện một cách đẹp mắt và hấp dẫn.

17h, bốn mâm cỗ của các đội sẽ được ban giám khảo chấm điểm. Dù không tranh giải thưởng nhưng phần nhận xét kết quả vẫn khiến nhiều người chơi hồi hộp chờ đợi.

'Thời gian nấu cơm luôn là một thách thức lớn đối với tôi. Mỗi bước thực hiện, từ việc chuẩn bị nguyên liệu cho đến việc chế biến và trình bày món ăn, đều yêu cầu sự linh hoạt và chính xác cao độ, nhằm tạo ra một mâm cỗ hấp dẫn, ấn tượng trong thời gian ngắn.

Dù đã tham gia được 8 năm, tôi luôn không ngừng đổi mới với mỗi món ăn. Điều này không chỉ mang lại sự phong phú và mới lạ cho cuộc thi, mà còn là cơ hội để tôi liên tục thử nghiệm và hoàn thiện kỹ năng nấu nướng của mình', Lê Gái (khăn tím) chia sẻ.

Tùng Đinh

Đánh giá phiên bản mới