Thứ ba, 20/2/2024, 20:50 (GMT+7)

Người dân chen nhau giành tiền lộc ở làng Thụy Lôi

Hà NộiLễ hội rước vua, chúa giả ở làng Thụy Lôi được tổ chức hàng năm, thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách tham gia.

Lễ hội đền Sái ở thôn Thuỵ Lôi, xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội diễn ra từ 8h sáng đến 16h chiều ngày 20/2 (tức 11/1 tháng Giêng). Từ 8h sáng, nghi thức chuẩn bị cho lễ rước tại đình làng.

Buổi sáng, sau khi làm lễ xong, vua và chúa được rước từ đình về đền Sái. Đi theo mỗi kiệu có đội âm nhạc, dâng lễ, cầm cờ, thổi tù và rộn rã suốt cung đường.

Lễ hội này có nguồn gốc từ truyền thuyết về việc An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa. Theo câu chuyện, tiên nữ từ trời xuống đắp đất hộ, nhưng bị ma gà giả tiếng gáy sáng làm cho họ sợ và bỏ cuộc, quay về trời, khiến việc xây thành không thể hoàn thành dù đã cố gắng đắp mãi.

Tương truyền nhờ sự can thiệp của thần Huyền Thiên Trấn Vũ, ma gà trắng ẩn núp ở Thất Diệu Sơn mới bị diệt và vua Thục mới hoàn thành xây dựng thành Cổ Loa. Thần Trấn Vũ được thờ trên núi Sái, một phần của Thất Diệu Sơn. Các vua sau này thường đến đây để thờ cúng, nhưng việc đi lại tốn kém nên vua đã ban chiếu tổ chức lễ rước vua giả cho dân làng.

Mỗi năm người dân trong làng lại chọn ra những người cao tuổi xứng đáng để vào vai vua, chúa và 4 vị quan tứ trụ triều đình. Người đảm nhận chúa trong lễ hội là cụ Lê Vĩnh Lô, 75 tuổi, sinh sống tại khu 5, thôn Thụy Lôi, Thụy Lâm, Đông Anh. Đặc điểm của nhân vật này là khuôn mặt được hóa trang đỏ đậm, mang vẻ nghiêm nghị và luôn cầm trong tay thanh kiếm, tạo nên một hình ảnh uy nghiêm và quyền lực.

Mỗi kiệu có 12 thanh niên trai tráng khiêng và liên tục thay người để có thể đảm bảo nâng và điều khiển kiệu, cũng như để có thể hô vang hoặc chạy nhanh khi cần thiết.

Trong quá trình rước, các thanh niên dừng lại và tung kiệu, tạo sự rung lắc mạnh khiến chúa nghiêng ngả. Một tay của chúa luôn nắm chặt tay vịn để giữ thăng bằng, trong khi tay kia liên tục vung thanh gươm để khuấy động khí thế.

Bên cạnh vai vua và chúa, người dân Thụy Lôi còn rước kiệu võng 4 vị quan đại thần tượng trưng gồm quan Thị vệ, quan Tán lý, quan Đề lĩnh và quan Trấn thủ cùng các thê thiếp, con cháu của họ.

Khoảng 10 giờ, đoàn rước đến trước cổng đền, và đưa kiệu chúa vào bên trong đền. Trong khi đó, kiệu vua và các đại quan sẽ được đưa về chùa.

Nhiều năm qua, dân làng vẫn duy trì nghi lễ rước vua, chúa giả vào dịp năm mới. Khác với lễ hội khác, người đóng vai vua, chúa tại đền Sái là người thật, mặc áo long bào, không đeo mặt nạ hay được rước kiệu tượng trưng.

Nghi lễ chém ma gà trắng với chai tiết giả tượng trưng được thực hiện ở sân đền Thượng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

13h vua, chúa cùng các vị quan đi bộ ra đền Sái làm lễ tế, sau đó chuẩn bị cho lễ rước lần thứ hai trở lại đình.

Năm nay, cụ Trần Tiến Tĩnh, 72 tuổi, ở khu 6, Thụy Lôi, Đông Anh được phong Vua Thục An Dương Vương.

Trên đường trở về đình, vua tung cả xấp tiền lẻ để mọi người lấy lộc đầu năm.

Khi vua tung tiền xuống đường, hàng chục người thi nhau lao vào bắt.

Nhiều người quan niệm khi nhận được tiền lộc từ vua trong lễ hội, họ sẽ gặp nhiều may mắn, đồng thời mang lại sự thịnh vượng và thành công trong công việc kinh doanh, làm ăn trong năm mới.

Nhiều người vui mừng khi bắt được lộc may mắn đầu năm mới.

Tùng Đinh

Đánh giá phiên bản mới