![]() |
Nhà văn Thuỳ Linh. |
Trái ngược với vẻ ngoài sôi nổi và có phần nam tính của mình, trong trang viết chị là người khác. Một Thuỳ Linh nhạy cảm, dễ vỡ luôn sống với tận cùng mọi cảm giác. Đừng rung cây mùa lá rụng với 17 truyện ngắn đã giúp bạn đọc mường tượng thật rõ nét gương mặt người đàn bà văn chương trong chị. Hơn một lần, Thuỳ Linh tự nhận cuộc đời mình khá trơn tru bằng lặng, không nhiều sự va đập với cuộc sống. Chị coi văn chương như một đền thờ thiêng liêng để trút vào đó mọi hỉ nộ ái ố, sự phi lý, niềm tin yêu hay thất vọng. "Đừng rung cây màu lá rụng", nhan đề của một truyện ngắn là tự sự sâu kín nhất, cất lên từ tâm hồn mong manh của Thùy Linh.
Người đàn bà tên Trang sau cuộc hôn nhân đổ vỡ mang trong mình "nỗi buồn man mác của kẻ thất bại"."Mười năm yêu đương và chung sống mới lấp được khoảng cách xa lạ để đến với nhau. Vậy mà khoảng trống ấy chẳng thấm gì so với sự xói lở sau một năm chia tay nhau". Rồi người ấy lại xuất hiện trước mắt cô như một ảo ảnh để cô phải thảng thốt và đi theo tiếng gọi của tiềm thức như một kẻ mộng du. Những lời nói đã đưa Trang vào kỷ niệm ngọt ngào lẫn cay dắng, và cũng chính những kỷ niệm ấy khiến cho trái tim cô bấn loạn. Mọi cố gắng của lý trí trở thành hoài công. Trang lại có những phút giây đắm đuối, hiến dâng trọn ven thể xác và tâm hồn cho mối tình xưa. Nhưng đó cũng chỉ là một khoảnh khắc dễ qua đi. Cô trở về với cuộc sống thực tại và lại góp gom những phút giây hạnh phúc cho riêng mình. Câu chuyện nhẹ buồn như một bài thơ, và khép lại cũng là dấu ấn về bài thơ Đừng rung cây mùa lá rụng của Olga Bergot. Trái tim yếu mềm nhưng vốn sẵn nhiều hoài cảm ấy dường như gánh chịu những khổ đau cho riêng mình và loay hoay đi kiếm tìm một sự đồng điệu.
Theo VnExpress, trong suốt 17 câu chuyện, Thuỳ Linh tái dựng lại cuộc sống ở nhiều thời điểm khác nhau. Sự phát hiện của chị không nằm ở những mâu thuẫn ồn ào và quyết liệt mà ngòi bút chị đi sâu vào khai thác những vết rạn trong tâm hồn con người. Quả như lời chị nói, người ta không thấy bóng dáng của những người chị căm ghét, không có lòng thù hận trong trang viết. Người đàn bà trong Cánh cửa không khép kín đã khép chặt nỗi đau trong lòng mình để giữ cho cô con gái hình ảnh đẹp về người cha chưa một lần được gặp mặt. Và cả người phụ nữ trong Cổ tích cho đàn ông thương cảnh hai cha con người hàng xóm thui thủi mà tới giúp, nhưng cũng từ những lần gặp gỡ ấy, niềm cảm thông đã là sợi dây nối vô hình để ghép những mảnh vỡ lại với nhau. Tình yêu đến với họ giản dị, đời thường từ chính những chăm sóc dịu dàng của người phụ nữ đối với cô con gái nhỏ.
Đừng rung cây mùa lá rụng là câu chuyện tình buồn của những người từng trải. Họ đã đến và gắn bó với nhau nhưng sự ra đi cũng thật nhẹ nhàng. Hay phải chăng chính cách viết của Thuỳ Linh làm cho các bi kịch cuộc sống trở nên nhẹ nhàng. Các nhân vật trong truyện dù phải đớn đau vẫn nâng niu những phút giây hạnh phúc cho dù đôi lúc "tôi" lên tiếng: "Dù thế nào, tôi cũng không thể tha thứ cho anh, người đã cho tôi cuộc sống thứ hai, mặc dù trong những khoảnh khắc yêu đương nồng nàn có thể giết chết cuộc đời thứ nhất của tôi". Nhưng rồi sau nhiều trăn trở, cái tôi ấy lại rúc sâu vào hoài niệm để nhận ra: "Anh đã để lại cho tôi tất cả. Cả cuộc đời buồn bã không anh, cả những ý nghĩ tốt đẹp nhất về tình yêu". Nhờ vào những niềm tin chân thành ấy mà người ta thấy cuộc sống đẹp hơn.
Khi đã ở độ tuổi ngoài 40, Thuỳ Linh tự nhận mình là người trưởng thành muộn. Chị cứ lang thang, rong ruổi để khám phá những xúc cảm trong tâm hồn mình, sự nhạy cảm và tinh tế trong tình yêu đã giúp chị giữ lại vẻ trẻ trung mới mẻ trong trang viết. Nhờ sự nhạy cảm ấy, người ta hiểu sự trưởng thành của chị một cách thuần thục hơn.