![]() |
Bệnh nhân Thanh trước và sau khi phẫu thuật. |
Những ngày tháng khổ sở
Ngày ấy, cả khu phố Yên Phụ (Hà Nội) yên tĩnh luôn “hot” với đề tài “trái đào” quá khổ của Thanh. Đi tới đâu, người ta cũng thấy những người phụ nữ túm năm tụm ba bàn luận về cái sự kỳ lạ đó.
Người quen nhìn thấy hoàn cảnh của Thanh thì chép miệng thương cảm. Họ bảo, Thanh mắc cái bệnh ấy từ ngày lấy chồng. Bởi, chẳng có lý do gì mà từ hồi lấy chồng hai bầu ngực của Thanh như “nắng hạn gặp mưa rào”. Cứ thế, nó phát triển như thổi bong bóng, bơm lốp xe.
Có kẻ đùa ác còn bảo, đúng là hợp “hơi giai”. Niềm tự hào vì sự phổng phao, ninh ních ấy của Thanh chẳng kéo dài được bao ngày. Vì cứ ngày sau, nó lại to hơn ngày trước, nhìn mắt thường còn thấy rõ. Thanh bắt đầu cảm thấy lo lắng.
TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh - Pôn cho biết, trường hợp tuyến vú quá lớn và phát triển quá nhanh như trường hợp của chị Thanh rất hiếm gặp (các trường hợp khác chỉ đạt kích cỡ này sau 7-8 năm).
Ở Việt Nam, chứng phì đại tuyến vú có tỷ lệ rất thấp, chỉ chiếm 1/20 so với thiểu sản tuyến vú (vú không phát triển). Bệnh hay gặp ở tuổi 18-20 hoặc sau khi sinh nở mà nguyên nhân là do rối loạn hocmone (thường có tính gia đình). Trọng lượng tuyến vú ở những trường hợp này thường chỉ 1,2-1,5 kg (ở người bình thường là khoảng 500-600 gam). Cách điều trị là phẫu thuật thu gọn có bảo tồn tuyến vú, để bệnh nhân vẫn nuôi con được bằng sữa mẹ. Vì vậy, phần vú quá dài sẽ không bị cắt rời hẳn. Mà các bác sĩ sẽ giữ lại phần tổ chức có quầng và núm vú và chuyển lên phía trên khi tạo hình lại ngực. |
Rồi cho đến một ngày, hai cái bầu ngực đó cứ dài ra mà không cách gì giữ nó lại được. Toàn bộ áo ngực của Thanh được “thửa” riêng, theo thiết kế đặc biệt đặt may trên phố Hàng Than. Nhưng cũng chẳng được mấy, cái áo to đùng đó cũng chẳng thể nhét vừa bầu ngực dài nặng như hai túi nước.
Thế là Thanh co rúm người, ở lỳ trong nhà. Ngồi ôm khư khư hai cái bầu ngoại cỡ mà chẳng thể làm được việc gì. Cái lưng ngày càng còng xuống vì sức nặng của hai “trái đào” vô duyên này. Hương, em Thanh kể: “Hồi đó chị Thanh còn mang bầu, nên việc đi lại rất khó khăn. Cái bụng thì to lùm lùm, còn ngực vắt vẻo như hai quả tạ hai bên. Cực nhọc vô cùng”. Trái đào của Thanh lúc đó đã dài tới ngang bụng.
Thanh thực sự hoang mang, ngẩn ngơ. Đến khi tắm, Thanh cũng chẳng dám soi gương. Những chiếc áo lùng nhùng làm Thanh khó chịu, cáu gắt. Mới 26 tuổi, cuộc đời người phụ nữ coi như mới khai hoa mà phải chịu cái thảm cảnh này cũng là một điều bất hạnh. Mỗi khi nằm ngủ, Thanh chẳng dám nằm ngửa chỉ sợ hai “trái đào” vô ý làm chị bị ngạt thở. Đêm nào, Thanh cũng chảy nước mắt nhìn “trái đào” dài một cách vô tổ chức.
Cái ngày Thanh sinh con cũng làm cho cả bệnh viện phụ sản vốn đã đông đúc, chật chột, ngột ngạt lại ồn ã thêm chuyện xôn xao “ngực dài nửa mét”. Sữa cũng chẳng có cho con bú. Sữa về sao được khi chạy đến một quãng đường xa tới nửa mét? Mà mỗi khi muốn nâng bầu cho con bú, cái tay Thanh như muốn gẫy rời ra.
Sau khi sinh con, hai bầu ngực càng ngày càng phát triển nhanh vô cùng. Thanh sợ hãi bàn với gia đình đi khám vì cô nghĩ chắc mình mắc bệnh ung thư. Bệnh viện chuyên về sản lắc đầu vì không thể phẫu thuật ca này. Có bệnh vái tứ phương, người ta mách đi điều trị hormone may ra khỏi, Thanh lại tìm chỗ điều trị. Nhưng vẫn chẳng thu ngắn lại được cái bầu vú lủng lẳng đó.
Tưởng bệnh của mình đã đến giai đoạn cuối, Thanh khóc hết nước mắt nhìn đứa con mới được 6 tháng tuổi. Cuối cùng, được người quen giới thiệu, Thanh tới BV Xanh-pôn...
Phyllod - Bệnh hiếm gặp
Tiến sĩ (TS) Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh - Pôn ngạc nhiên trước bệnh lý của bệnh nhân này. TS Sơn đùa: “Ngày xưa chuyện tếu thường đùa nhau rằng, có phụ nữ bị tử hình bắn một phát súng vào đúng tim. Vì không nhìn thấy tim nên họ lấy bầu ti làm chuẩn. Khi bắn, người phụ nữ bị thương ở chân. Cũng tưởng là chuyện đùa, không ngờ giờ lại chính tay mình phẫu thuật”. Người phụ nữ như chính trong câu chuyện tếu này lại đang đứng trước mặt TS Sơn và thử thách tay dao của vị bác sĩ phẫu thuật.
TS Sơn còn nhớ: “Hai bờ vai người phụ nữ như oằn xuống để chịu sức nặng của bầu ngực. Toàn bộ vạt da ngực bị kéo xuống, phần ngực đã được chuyển vị trí xuống dưới rốn”. Theo cân đo bằng phương pháp y học, TS Sơn kết luận: hai bầu ngực của chị Thanh nặng tới... 4kg.
TS Sơn bảo Thanh: “Chỉ còn cách phậu thuật, cắt bỏ những phần dư thừa, rồi chúng tôi sẽ tạo hình lại cho chị như hình dáng cũ”, Thanh gật đầu rất nhanh với mong muốn được giải thoát khỏi căn bệnh quái ác cũng như miệng lưỡi thế gian.
Các bác sĩ cho rằng, tác nhân gây phì đại tuyến vú ở người phụ nữ này là bệnh lupus ban đỏ hệ thống (một bệnh của hệ miễn dịch). Bình thường, kích thước tuyến vú chịu sự điều khiển của hormone giới tính. Khi miễn dịch bị rối loạn, thụ thể tiếp nhận hormone này có thể tăng độ nhạy cảm lên rất nhiều lần, khiến tuyến vú phát triển quá phát cho dù lượng hormone chỉ huy quá trình này vẫn bình thường.
Theo TS Sơn, bộ ngực nặng nề sẽ kéo trọng tâm cơ thể về phía trước, về lâu dài có thể gây cong vẹo và biến dạng cột sống, nhất là các đốt sống cổ, làm giảm lượng máu lên não, kéo theo những vấn đề nghiêm trọng khác. Do khi đi đứng, bệnh nhân phải khum vai để không làm lộ ngực nên lồng ngực cũng có thể biến dạng, trở nên hẹp hơn, gây chèn ép và giảm chức năng các cơ quan bên trong. Mặt khác, phần tiếp xúc giữa hai tuyến vú và các vùng da khác rất dễ bị viêm nhiễm, lở loét.
Giải thoát khỏi “trái đào”
Ngày 30/8/2006, sau 2 giờ đồng hồ Thanh được giải thoát khỏi hai “trái đào” nặng như tạ. Ngày đó, cũng là lần đầu tiên TS Sơn và các cộng sự đã áp dụng phẫu thuật tạo hình bằng kỹ thuật Thoreck, đây cũng là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam.
Chị Thanh được đã cắt đi phần vú nặng hơn 4 kg. Toàn bộ phần quầng và núm vú được ghép lên đúng vị trí và được khôi phục thẩm mỹ. Để tránh tái phát, các bác sĩ đã phải cắt trọn tuyến vú. Điều này khiến chị Thanh sẽ không còn khả năng nuôi con bằng sữa mẹ.
Kíp phẫu thuật phải lược bỏ một phần da của mặt trước mỗi bầu ngực, sau đó cuộn tròn bầu ngực đó vào bên trong (theo chiều từ dưới lên trên). Cả phần bầu ngực (phần bị lao xuống dưới thắt lưng) được giữ nguyên dịch chuyển lên đúng vị trí. Sau đó, các bác sĩ tiến hành khâu nối. Phần núm vú cũng được giữ nguyên, để đảm bảo chị Thanh vẫn có sữa khi mang thai đứa con thứ hai.
TS Sơn bảo, sau một năm khám lại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, không có biến chứng. Tuy nhiên, vì mới chỉ tiến hành phẫu thuật cho hình dáng như ban đầu nên về thẩm mỹ chưa thật đẹp vì toàn bộ phần vạt da ngực của bệnh nhân đã bị kéo dài biến dạng. Nếu muốn đẹp, phải thực hiện tiếp một lần phẫu thuật tạo hình nữa.
Sau ca mổ đó, Thanh nằm thiêm thiếp với dải gạc trắng quấn quanh ngực. Mặt Thanh tái xanh nhưng vẫn lộ một nét hân hoan, nhẹ nhõm.
Sự giải thoát này đối với Thanh đúng là một kỳ tích của y học nước nhà. Người nhẹ đi 4 kg, nhưng lòng Thanh thấy thanh thản tới vài ngàn cân. Thanh thản như người vừa chịu đủ án được phóng thích. Thanh bảo, giờ không còn ám ảnh đi tìm áo nịt ngực và tìm cho được những cái áo rộng tới hai người mặc nữa. "Sẽ được trở lại thành người bình thường. Được đi lại những nơi mình thích, mặc những cái áo mình thích”, Thanh nói.
Giờ, những điều mà một người phụ nữ bình thường ao ước giản dị, Thanh đã có...
Thêm trường hợp cắt bỏ 1,6 kg ngực
Chỉ trong vòng 2 tháng, bầu vú trái của T. đã phát triển nhanh chóng và lớn gấp 3 lần so với bầu vú bên phải. Cháu T. đã được các bác sỹ phẫu thuật tạo hình lại vú bên trái, cắt bỏ gần toàn bộ khối u tuyến vú và một phần da thừa. Vấn đề bảo tồn một phần tuyến vú cũng như phục hồi lại hình dáng vốn có bên vú bệnh của cháu được đặt ra. Theo TS Sơn, nếu không phẫu thuật, trường hợp cháu T., tuyến vú sẽ phát triển giống như trường hợp chị Thanh. Theo TS Sơn, bệnh này không mang tính di truyền, và sau mổ ít tái phát. TS Sơn cho biết, phần ngực bị phì đại của T. khi phẫu thuật có rất nhiều khối u hình dạng như những múi của một trái mít tố nữ. Các khối u xơ này bám chặt vào phần ngực và phát triển nhanh chóng. Toàn bộ phần bóc tách (khoảng 5 khối u xơ) với trọng lượng khoảng 1,6 kg. Kỹ thuật phẫu thuật được áp dụng trong trường hợp này là sử dụng kỹ thuật tạo hình thu gọn theo hình chữ “j”, các bác sĩ vừa cắt vừa dịch chuyển núm vú về phía trên mà trong suốt 2 giờ phẫu thuật mà vẫn nuôi sống được núm vú đó. Điều khó khăn nhất của ca tạo hình này chính là làm thế nào để tính toán được độ chính xác việc khâu nối bầu ngực. “Nếu chỉ lệch 1cm thôi, cũng sẽ làm bầu ngực biến dạng”, TS Sơn nói. Cũng theo BS Sơn, trường hợp bị bệnh Phyllod nhỏ tuổi nhất cho đến nay đã được phẫu thuật là một bé gái 14 tuổi (người Đức). |
(Theo Gia Đình)