Ông Quách Văn Lịch là nhân viên xuất nhập khẩu tỉnh Minh Hải. Năm 1987, ông được phân lên công tác ở Tây Nguyên. Không may trong chuyến đi này ông bị tai nạn: Một cành cây rơi trúng đầu, ngay vết thương cũ. Ông Lịch bị hôn mê bất tỉnh, phải điều trị 2 tháng.
Trong thời gian này tại đèo An Khê (Gia Lai) xảy ra vụ tại nạn giao thông. Hầu hết hành khách trên xe tử nạn. Trong những người xấu số đó có người tên Nguyễn Văn Lịch quê ở Cà Mau. Vợ ông Quách Văn Lịch nghe tin chồng mình chết ở đèo An Khê liền tức tốc chạy lên nhận xác. Vì đường xa cách trở, khi gia đình lên tới nơi thì người dân tại đây đã chôn tập thể những hành khách xấu số trong vụ tai nạn đó. Bà quay về lập bàn thờ chồng dù không nhận được xác chồng.
Năm 1989, bà Lê Hồng Nga (người cùng xóm) tới gia đình ông Quách Văn Lịch đưa một tờ giấy biên nhận với nội dung: Ông Lịch mượn của bà 8 lượng vàng. Bà Nga nói số vàng này ông mượn trước khi đi làm ăn xa và có giấy hẹn trả rõ ràng.
Vợ ông Lịch bất ngờ và không thừa nhận việc mượn vàng nói trên vì số vàng như trên là rất lớn mà bà không hề hay biết gì. Bà khẳng định chữ ký trong giấy biên nhận không phải do chồng viết. Nhưng cả hai cấp tòa tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau) đã xử buộc vợ ông Lịch phải trả nợ thay chồng.
Cả hai phiên xử này dĩ nhiên không có mặt "người vay nợ" là ông Lịch. Lúc này, ông vẫn đang ở Tây Nguyên và không hề hay biết gì. Ông có viết thư về nhưng thất lạc, vợ con không nhận được.
Điều bất ngờ đã xảy ra, cuối năm 1989, trong lúc đội thi hành án kê biên căn nhà của vợ chồng ông thì ông Lịch... trở về. Trước tình tiết mới này, VKS tỉnh Minh Hải mời "nguyên đơn thắng kiện" và cũng là "người được thi hành án" - là bà Lê Hồng Nga - lên để làm rõ. Nhưng bà Nga đã bỏ trốn, cho tới nay chưa thấy xuất hiện lại.
Tháng 3/1993, VKSND Tối cao có công văn yêu cầu hoãn thi hành bản án nói trên. Hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều có những thiếu sót về tố tụng. Ở phiên xử sơ thẩm, dù phía VKS không tham dự phiên tòa nhưng không hiểu sao trong bản án lại viện dẫn quan điểm của VKS để đưa ra kết luận. Ở phiên phúc thẩm, đại diện VKS tỉnh "yêu cầu tỉnh làm rõ nhiều tình tiết" nhưng cuối cùng tòa tỉnh cũng tuyên y án sơ thẩm.
Quá trình xét xử vụ án được các cơ quan thông tin đại chúng tại Cà Mau đưa tin. Khi ông Lịch trở về, nhiều người thực sự tin và xem ông như một kẻ lừa đảo, mượn vàng rồi... bỏ trốn.
Theo Pháp Luật TP HCM, để "minh oan", ông đã liên tục làm đơn yêu cầu được xem xét giám đốc thẩm. Tháng 7/1993, VKSND Tối cao có công văn gửi VKSND tỉnh Minh Hải trả lời không kháng nghị giám đốc thẩm vì quá 3 năm không có đơn yêu cầu thi hành án, án đã hết hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng việc thi hành án là một việc khác, còn nỗi oan của ông là một việc hoàn toàn khác. Cụ thể, với việc tuyên án như vậy, ông đã trở thành "con nợ", bị ảnh hưởng đến uy tín, thân nhân... Do vậy, cần phải xem xét lại bản án và minh oan cho ông.
Nhiều người cho rằng, yêu cầu của ông Lịch là hợp lý. Suốt thời gian qua, không thấy cơ quan nào xem xét, giải quyết vấn đề này. Hiện nay gia đình ông Lịch đã khánh kiệt. Ông phải bán căn nhà ở trung tâm thị xã Cà Mau, ra sinh sống ở bìa rừng U Minh...