Người cần quên phải nhớ thuộc thể loại tình cảm, hài, trinh thám, hành động. Đây là dự án đầu tiên bộ đôi "nhà làm phim trăm tỷ" Charlie Nguyễn và Đức Thịnh bắt tay hợp tác. Phim kể về chuyện tình trớ trêu nhưng lãng mạn giữa cô phóng viên Loan (Hoàng Yến Chibi đóng) và chàng giang hồ tập sự Bình (Trần Ngọc Vàng đóng), gắn liền với vụ án bí ẩn tại một bệnh viện tâm thần.
Nghiện việc và liều lĩnh, Loan lật tẩy thành công nhiều vụ án trên mặt báo. Nhưng cô không ngờ đến một ngày, mục tiêu mình điều tra lại chính là cái chết mờ ám của bố mình - người đang sống trong trung tâm dành cho bệnh nhân tâm thần. Là tay chân của ông trùm giang hồ, Bình theo sát và tìm cách phá đám Loan, ngăn cản cô phá án. Nhưng vốn bản tính hiền lành, tốt bụng và vụng về, Bình không uy hiếp được Loan, ngược lại còn tự làm hỏng việc của mình. Trong một lần xô xát, Loan vô tình đánh trúng đầu Bình khiến anh mất trí nhớ. Lợi dụng chuyện này, Loan dùng Bình như một quân cờ để điều tra vụ án, gây ra nhiều tình huống dở khóc dở cười với cả hai.
Người cần quên phải nhớ khai thác một ý tưởng lạ so với thị trường phim Việt Nam. Điện ảnh Việt xưa nay chuộng phim tình cảm - hài, thời gian gần đây bắt đầu thịnh hành phim trinh thám - tội ác. Nhưng chưa nhiều phim kết hợp hai chất liệu này với nhau như Người cần quên phải nhớ. Bệnh nhân tâm thần và tội phạm biến thái vốn là những dạng vai khan hiếm trên màn ảnh Việt nay đóng vai trò không nhỏ trong câu chuyện của phim.
Cốt truyện của Người cần quên phải nhớ mang hơi hướng phá án kinh điển thập niên 1960 của Hollywood, nhưng được làm mới lại để bắt kịp thị hiếu điện ảnh đương đại. Bối cảnh và phục trang được thiết kế theo cảm hứng Đông Dương đầu thế kỷ 20 tạo nên sức thu hút về thị giác cùng một chút cảm giác kỳ ảo. Tuy nhiên, hơi thở đời sống vẫn thấm đẫm trong tổng thể câu chuyện thông qua mối quan hệ gia đình, bè bạn, không khí công sở, hàng quán vỉa hè, những địa điểm có thật...
Được chấp bút bởi biên kịch người Mỹ gốc Hoa George Ding nhưng Người cần quên phải nhớ không đánh mất tính thuần Việt. Điều này được bảo đảm bởi sự giám sát của đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn.
Cùng nổi tiếng với sở trường làm phim hài, nhưng Đức Thịnh và Charlie Nguyễn có thế mạnh về hai kiểu hài khác nhau. Charlie Nguyễn thích lối hài Tây hóa, nhẹ nhàng châm biếm đan xen tình cảm sâu sắc. Đức Thịnh chuộng phong cách hài dân dã và đậm tính giải trí hơn. Lần đầu bắt tay hợp tác, bộ đôi "nhà làm phim trăm tỷ" cùng phát huy lợi thế để tạo nên câu chuyện đậm tiếng cười mà vẫn cảm động.
Trong Người cần quên phải nhớ, tiếng cười trải dài trong 90 phút phim nhưng không bị lạm dụng, mà được tung ra đúng lúc, đúng chỗ; duyên dáng chứ không phô phang; đạt hiệu quả trong việc đưa đẩy câu chuyện. Bối cảnh bệnh viện tâm thần đóng vai trò quan trọng trong mạch phim. Hai đối tượng đặc trưng tại đây là bệnh nhân tâm thần và y bác sĩ được đặt trong mối quan hệ đối trọng. Theo logic tự nhiên, bác sĩ là người trị bệnh cho bệnh nhân. Nhưng trong Người cần quên phải nhớ, logic này có thể bị đảo ngược, dẫn đến câu hỏi then chốt ở cuối phim: "Rốt cuộc, ai mới là kẻ điên?".
Motif bộ đôi kẻ ngốc và người thông minh được khai thác chặt chẽ trong mối quan hệ của Bình và Loan. Ngu ngơ và vụng về, Bình gây ra nhiều sự cố ngoài ý muốn cho Loan nhưng cũng trợ giúp Loan đắc lực trong việc phá án. Ngược lại, Loan đành hanh và lạnh lùng nhưng bất chợt làm biến chuyển cuộc đời của Bình. So với Loan, Bình non nớt hơn hẳn như một cậu em trai. Nhưng có những chuyện, Bình suy nghĩ thấu đáo hơn. Chính anh là người giúp Loan đối diện với quá khứ đầy mâu thuẫn lẫn đau thương về bố, sưởi ấm trái tim của cô nàng chỉ biết công việc và công việc.
Về cơ bản, Người cần quên phải nhớ có diễn biến hợp lý, xây dựng không khí hồi hộp. Nhiều chi tiết được cài cắm thú vị, chẳng hạn như tình huống Bình lén tráo cặp kính mắt của ông chủ đại lý du lịch ở đầu phim. Cảnh phim không đơn thuần chỉ gây cười mà còn cho thấy tính cách lém lỉnh, nghịch ngợm của chàng giang hồ tập sự. Cũng nhờ chi tiết này, khán giả sẽ hiểu được tại sao Bình có đủ tiểu xảo giúp Loan trà trộn vào một khách sạn để theo dõi mục tiêu sau này.
Tuy nhiên, phim gây tiếc nuối trong cách khai thác đời tư của các nhân vật. Vai diễn Bình sẽ hấp dẫn hơn nếu bối cảnh xuất thân, bi kịch gia đình đưa đẩy anh tới con đường khao khát gia nhập xã hội đen được làm rõ. Tương tự, các tuyến vai phản diện, đặc biệt là "trùm cuối" thiếu đi sự dẫn dắt, cài cắm. Điều này làm cho kết phim có phần vội vã, gây chưng hửng.
Hòa cùng xu thế tìm kiếm gương mặt mới cho điện ảnh Việt, Người cần quên phải nhớ lựa chọn dàn diễn viên trẻ đảm nhận các vai chủ chốt, đồng thời mời các nghệ sĩ tên tuổi hỗ trợ với tuyến phụ nhưng không thể thiếu phía sau. Đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn khẳng định con mắt casting chuẩn mực khi sắp đặt từng diễn viên vào vai diễn vừa vặn với họ.
Lần đầu đóng chính điện ảnh, Trần Ngọc Vàng cho thấy tố chất của một ngôi sao điện ảnh mới. Anh diễn tròn vai và giàu cảm xúc từ cảnh hài tới cảnh tâm lý. Sự ngây ngô của nhân vật Bình lúc "gồng" làm giang hồ hay khi mất trí nhớ được Trần Ngọc Vàng xử lý tự nhiên, không bị gượng cứng, lố. 22 tuổi và mới đóng phim lần thứ hai, nhưng Trần Ngọc Vàng bảo đảm được bản lĩnh màn ảnh, không để lộ cảm giác bị "át vía" khi đối thoại với "vua phòng vé" Thái Hòa hay bất cứ diễn viên nào của phim.
Hoàng Yến Chibi tiếp tục cho thấy sự vững vàng trong nghề diễn. Chưa được thể hiện nhiều ở mảng hành động, giọng thoại còn sượng ở đôi chỗ, nhưng Yến diễn đẹp ở các cảnh nước mắt, nội tâm. Ngoài đời, Hoàng Yến Chibi hơn Trần Ngọc Vàng ba tuổi và nhiều năm kinh nghiệm nghệ thuật. Nhưng lên phim, họ đẹp đôi và diễn ăn ý, tạo được cảm giác yêu đương và cho thấy sự nương nhau, phối hợp với nhau trong diễn xuất thay vì lấn át nhau.
Sau những vai diễn không thành công, vlogger Huyme tiến bộ nhiều trong Người cần quên phải nhớ. Vào vai cậu bạn thân của Bình, người luôn theo sau chăm lo cho Bình từ đời sống vật chất đến tình cảm, Huyme trở thành "cây hài" chính của phim, mang đến nhiều mảng miếng hài đủ duyên.
Karen Nguyễn thể hiện khả năng nhập vai thông minh, tinh tế. Thoát mác "tiểu tam quốc dân" trong loạt MV đình đám của Hương Giang và Hòa Minzy, cô mang đến màu sắc mới qua vai diễn bí ẩn và nguy hiểm. Chỉ tiếc, đất diễn của nhân vật quá ít, chưa đủ cho Karen "dụng võ".
Vai diễn ông trùm của Xuân Phúc không xuất hiện nhiều nhưng được dùng hiệu quả. Ngay cả cảnh phim Xuân Phúc bán nude đu xà cũng có dụng ý, thay vì chỉ tạo cơ hội cho anh khoe cơ bắp. Hình ảnh này lý giải cho việc một mình nhân vật này tay không cũng đủ khiến hai nhân vật chính no đòn.
Tuy nhiên, ấn tượng nhất trong Người cần quên phải nhớ là NSƯT Đức Hải và diễn viên Thái Hòa. Đảm nhận vai bố của Loan, nghệ sĩ Đức Hải lên hình rất ít nhưng mỗi lần lộ diện đều để lại dư cảm đẹp. Anh vào vai người đàn ông trung niên điên dại một cách ám ảnh và xúc động. Thái Hòa thì vẫn xứng danh là ngôi sao hài của màn ảnh Việt với lối diễn tưng tửng, hóm hỉnh trong vai một bệnh nhân tâm thần.
Đậm tính giải trí nhưng tạo nên nhiều khoảnh khắc lắng đọng về tình thân và tình yêu, Người cần quên phải nhớ làm người xem cười thoải mái nhưng rời khỏi rạp vẫn có những điều để nhớ về phim. Xem trọn vẹn bộ phim, khán giả sẽ hiểu được ngụ ý của tựa đề Người cần quên phải nhớ - cụm từ gói gọn mối quan hệ trớ trêu giữa hai nhân vật chính. Phim ra rạp từ 24/12.
Phong Kiều