Bích Diệp
(Truyện ngắn của tôi)
Để có được thành quả này cô đã phải cố gắng nỗ lực biết bao, học ngày học đêm quên hết mọi thú vui chơi hấp dẫn bên ngoài. Nhưng nếu không có sự động viên tinh thần của cha, có lẽ cô sẽ không làm được điều kỳ diệu như vậy. Nhớ lại chuỗi ngày gian khổ, vất vả học hành và cả những thành kiến khắt khe của một gia đình "tứ đại đồng đường", cô ứa nước mắt.
Ngày cô sinh ra, trong gia đình bên nội không có ai chào đón cô vì bố cô là con trưởng trong họ, đứa con trai độc nhất của dòng họ Nguyễn. Vậy mà con đầu lòng của ông lại là nữ. Mọi người đều tỏ ra không vui vẻ, nhất là ông bà nội. Mẹ con cô gần như bị xa lánh, không được ai quan tâm.
Bà nội trước đây vốn không đồng ý cuộc hôn nhân của bố mẹ cô vì mẹ Hạnh là người thành phố. Bà lúc nào cũng mang sẵn định kiến: "Con dâu thành phố thì biết làm ăn gì. Lấy nó thì chỉ có hầu hạ nó thôi. Mà có khi một năm nó về quê được mấy bữa thăm bố mẹ chồng". Đến khi mẹ cô sinh con gái đầu lòng thì bà càng có cớ để nói mẹ nhiều hơn:
- Tao đã bảo rồi không nghe. Lấy con này thì chỉ suốt đời làm bố vợ. Nhà mình rồi mất giống, không có ai thờ tự mất thôi.
Mẹ cô làm dâu bao nhiêu năm là ngần ấy năm cay cực và cô đơn vì dù cố gắng thế nào, bà nội vẫn không ngó ngàng hay thương xót. Cũng không hiểu sao lời bà nói lại vận vào mẹ cô. Hai lần sau, mẹ Hạnh cũng đều sinh con gái. Bởi thế mâu thuẫn giữa bà nội và mẹ dường như không thể cứu vãn. Được cái bố Hạnh tuy sinh ra ở nông thôn nhưng lại đi học ở thành phố từ bé nên ông không nặng nề vấn đề sinh con trai hay con gái. Ông quyết tâm học để thoát nghèo, thoát đói và mở mang tầm mắt.
Thành phố những năm đó đã có chính sách mở cửa, làm bạn với bạn bè bốn phương nên người nước ngoài vào đầu tư làm ăn nhiều. Ông vừa học, vừa đi làm thêm cho một số công ty nước ngoài để trang trải chi phí học tập. Tiếp xúc với những người bạn khác màu da từ các phương trời khác đến, ông trải nghiệm được nhiều điều. Dường như những nhận thức và quan điểm mà ông được giáo dục từ bé ở một vùng quê nghèo khó lại quá khác xa so với thế giới.
Ở quê ông vẫn còn đầy những hủ tục kìm hãm sức lao động, sự sáng tạo và khả năng tiềm ẩn trong con người. Còn ở đây, ông nhận thấy văn hoá thế giới nhiều điều khác biệt, có nhiều nét đẹp và văn minh, vì thế ông quyết tâm gây dựng sự nghiệp tại thành phố sau khi ra trường mà không trở về quê nhà. Cũng chính tại đây, ông gặp mẹ Hạnh - một cô tiểu thư thành phố nhưng rất hiền thục và chăm chỉ.
Bố mẹ cô nên duyên cũng bởi họ hoà hợp về tư tưởng và quan điểm sống. Nhà ông bà ngoại Hạnh thì khá giả nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hoá truyền thống. Vì ông bà ngoại không có con trai, chỉ có duy nhất mẹ Hạnh nên bố mẹ Hạnh sau khi kết hôn về ở chung nhà với ông bà. Ông bà nội và họ hàng ở quê biết vậy rất giận bố Hạnh, gần như là từ con bởi vì mọi người nói bố Hạnh như vậy là ở rể, là "chó chui gầm chạn". Bố Hạnh chịu đựng tất cả mọi điều tiếng khi về quê. Tuy nhiên ông vẫn kiên quyết lập trường của mình.
- Hiện nay chúng con khó khăn. Bố mẹ ở nhà không có điều kiện nên chúng con tạm ở nhờ ông bà ngoại. Sau này con sẽ mua nhà, sẽ tạo lập cuộc sống riêng của gia đình. Bố mẹ không nên lo lắng gì. Dù ở đâu, thế nào con vẫn là con của bố mẹ.
Bố Hạnh chỉ nói với ông bà nội như vậy rồi âm thầm làm việc quên mình suốt bao nhiêu năm để gây dựng gia đình như bây giờ. Ngoài giờ làm việc, ông về nhà chia sẻ công việc với vợ, vào bếp khi vợ mệt, giặt giũ khi vợ ốm và cùng vợ chăm sóc những đứa con gái. Ông vẫn đọc thơ, kể chuyện cho chúng khi đi ngủ và thường mua sách cho chúng đọc. Chưa bao giờ Hạnh và các em bị bố ghét bỏ hay so sánh với những đứa con trai. Hạnh luôn thấy rất vui khi ở bên bố trò chuyện hay đi dạo cùng bố. Ông như người bạn tâm giao của Hạnh vậy.
Bài tập ở trường, những thắc mắc, những suy tư đều được bố chia sẻ. Bởi vậy Hạnh rất ham học và cuối năm cô luôn đạt được thành tích tốt. Tuy nhiên bà nội không bao giờ khen Hạnh cả. Bà luôn nói: "Con gái học hành gì cho nhiều. Khối đứa bằng này, cấp kia mà ế chồng đấy". Nhiều lúc Hạnh chạnh lòng vô cùng khi bà rất cưng con trai của cô Liên - em gái bố mà không đoái hoài gì đến ba chị em cô, cứ như họ không phải cháu bà vậy. Trước mặt mấy đứa cháu gái, bà nội vẫn nựng thằng bé:
- Cục cưng của bà. Mẹ Liên đẻ giỏi thật. Nhà mày là có phước lắm đấy. Mẹ mày ăn ở có đức nên mới sinh được thằng cu thế này. Chứ như mẹ con Hạnh thì làm sao sinh được thằng cu?
Hạnh giận tím mặt, muốn cãi lại bà nhưng lại kìm chế được. Cô chỉ nhỏ nhẹ:
- Sao bà lại nói vậy. Tụi cháu là con gái nhưng sẽ làm cho mẹ cháu vui vẻ, tự hào, hạnh phúc gấp mấy lần những thằng cu, bà ạ!
Bà nội nhìn Hạnh gườm gườm:
- Mày nói vậy thôi chứ làm được gì. Con gái là con người ta. Khi nào lớn lên lại như lũ vịt giời bay đi thôi, chả nhờ được chúng mày cái gì đâu.
- Cháu nhất định sẽ làm được cho bà xem.
Nỗi niềm đau khổ riêng từ bé khiến Hạnh buồn vô cùng. Có một thời gian, cô không chơi với bọn con trai, thu mình vào một góc lớp. Về nhà thì lầm lì và cũng không chịu nói chuyện. "Không biết sao người ta lại coi thường con gái thế chứ? Mình sẽ cho bọn con trai biết tay. Chỉ có một cách là học giỏi hơn bọn chúng và làm được nhiều việc hơn cả bọn chúng mới được", nghĩ thế Hạnh ngày đêm học, lên thư viện, đọc sách. Những ấn phẩm văn hoá nước ngoài đã mở ra một chân trời kiến thức mới cho cô.
Ở đó cô thấy có những phụ nữ như bà Condolizza Rice, phu nhân Tổng thống Mỹ Hillary Clinton hay nhiều đại sứ của Liên Hợp Quốc đều là nữ. Cô thán phục họ biết bao nhiêu và tự đặt trong mình biết bao câu hỏi: "Phải chăng thân phận của một người phụ nữ thực sự phụ thuộc vào người bạn đời của mình?", "Phải chăng không sinh ra được một cậu con trai là sẽ bị ghét bỏ, xa lánh", "Phải chăng nam giới đáng giá hơn nữ giới?", "Phải chăng bà không yêu quý mình chỉ vì mình là con gái, chỉ vì mẹ sinh ra toàn con gái, nhà ngoại mình cũng chỉ có con gái mấy đời?"...
Dường như điều này không đúng ở các nước châu Âu hay châu Mỹ nhưng lại rất đúng với nhiều nước phương Đông, trong đó có nơi cô đang sinh sống. Ngẫm nghĩ mãi cũng không hiểu và không tìm được câu trả lời khiến cô buồn bã suốt một thời gian. Nhận thấy sự thay đổi khác thường của con gái, bố Hạnh dành hẳn cả một buổi tối đưa con đi dạo và trò chuyện.
- Con đang có tâm sự gì phải không?
- Dạ.
- Có vấn đề gì con cứ nói cho cha nghe. Cha sẽ giúp con.
Hạnh trào nước mắt:
- Cha có buồn khi mẹ chỉ sinh ra toàn con gái không cha?
- Ồ! Thì ra con băn khoăn vấn đề đó à? Cha lại tưởng con đang có cảm tình với ai nên tâm tính thất thường chứ?
- Không phải. Con thấy hình như bà nội không quý chị em con vì chúng con là con gái cha à. Con tủi thân lắm!
- Con đừng để ý việc đó. Bà già rồi, lại ở quê nên vậy. Cha mẹ luôn yêu quý các con. Cha chưa bao giờ hối tiếc vì có con gái cả. Có phải ông bố nào cũng có cơ hội làm cha của ba cô gái xinh đẹp như các con của bố đâu.
- Cảm ơn bố. Con có việc này muốn hỏi ý bố.
- Con nói đi.
Hạnh ngập ngừng
- Con muốn học xong năm nay sẽ đi du học ở Mỹ bố ạ!
Bố Hạnh rất ngạc nhiên vì đứa con gái còn chưa đủ 17 tuổi của ông lại muốn đi học xa nhà như vậy.
- Đi du học ở Mỹ à?
- Vâng. Con đã có mơ ước này từ lâu rồi. Nước Mỹ giàu có, thịnh vượng nhất hành tinh và con thấy có nhiều người Việt mình thành danh ở đó.
- Con còn nhỏ vậy, xa nhà bố mẹ sẽ rất lo lắng. Vả lại học phí bên đó tốn kém lắm mà cha mẹ thì không chắc là lo đủ cho con.
- Bố yên tâm đi mà. Các bạn con cũng đi học ở bên Anh, bên Australia từ năm lớp 10 rồi kia. Chúng nó ở một mình được thì con cũng ở được. Ở nhà lâu nay con cũng tự lo cho mình và các em mà. Con sẽ cố gắng giành học bổng để không phải đóng học phí. Bố ủng hộ con nhé!
- Tất nhiên rồi. Bố sẽ ủng hộ con.
Sau buổi trò chuyện đó, hai cha con luôn sát cánh bên nhau, nhất là trong những giờ học ngoại ngữ. Được sự động viên, khích lệ và hỗ trợ của bố, Hạnh đã giành được một suất học bổng của trường University of Southern California - một trong những trường đại học danh tiếng ở Mỹ.
Ngày chia tay, cô chỉ nghẹn ngào ôm chặt bố và nói:
- Cảm ơn bố. Nhờ có bố, con mới thực hiện được giấc mơ này. Bố cứ tin ở con. Khi nào về, con sẽ làm được nhiều việc hơn nữa cho bố mẹ.
Bốn năm trôi qua, Hạnh trở thành một trong những học sinh Việt xuất sắc của University of Southern California. Ra trường, cô chưa về nước ngay mà đi làm tình nguyện viên tại một số nước châu Âu, châu Phi, một số tổ chức phi chính phủ về quyền bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử và bạo lực với phụ nữ. Sau vài năm cống hiến và làm việc miệt mài, cô được tổ chức của LHQ mời làm đại sứ ở Ấn Độ và một số nước phương Đông, nơi phụ nữ đang chìm trong đau khổ vì sự phân biệt giới.
Cô vẫn thường xuyên mua vé máy bay cho cha mẹ và các em đi chơi Mỹ, Anh, Australia. Cô còn gửi cho bà nội và cô bác họ hàng ở nhà rất nhiều quà. Giờ đây cả nhà ai cũng tự hào về cô. Bà nội treo nhiều ảnh của cô tại những chỗ trang trọng nhất trong nhà, thậm chí còn đem ảnh của cô và hai đứa em khoe khắp làng. Dù không ra nước ngoài học và làm việc như chị nhưng hai đứa em gái của cô cũng học rất giỏi và đều thành đạt. Một đứa làm ở Bộ ngoại giao, một đứa thì làm quản lý cho công ty kiểm toán nước ngoài.
Hôm nay, trong chuyến bay về thăm quê hương và cha mẹ, Hạnh không khỏi xúc động khi gặp lại cha và gia đình. Cô thì thầm với tôi - người bạn thân nhất: "Nếu không có cha những ngày đó âm thầm bồi đắp tâm hồn mình, khuyến khích, động viên mình và hỗ trợ từng bước đi của mình như vậy thì đâu có ngày hôm nay. Mình biết ơn cha nhiều lắm!".
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Bạn bè gọi tôi là một người đa sầu đa cảm, thích hội họa, văn học, âm nhạc, điện ảnh. Nghệ thuật với tôi như một người bạn thân thiết. Thời gian rảnh tôi thích thư giãn bằng việc đi bộ, nghe nhạc và đọc sách. Ngoài ra tôi rất thích nấu ăn, đi du lịch khắp nơi, shopping, dancing, chơi thể thao, tham gia các diễn đàn, giao lưu văn hóa, hoạt động xã hội, tiếp xúc với những người thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Điều mà tôi cảm nhận là tài sản lớn nhất trong cuộc sống là nụ cười sảng khoái, trong lành mà tôi luôn thường trực và chia sẻ với mọi người, là một bé trai đẹp như thiên thần do tôi sinh ra, hai người bạn tri kỷ tuyệt vời mà tôi có được - Trịnh Bích Diệp.
Truyện đã đăng: Người đàn bà điên.