Trần Lê Quỳnh
Cái nóng ấy với những người như tôi, cũng có điều tích cực là... dậy sớm mà không cần... đồng hồ báo thức. Mà điều này thật quan trọng với những người... bận rộn.
![]() |
Tác giả ca khúc "Chân tình", nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh. |
Công việc làm báo với tôi luôn thú vị nhưng tôi vẫn giữ cho mình "nghề tay trái" là viết ca khúc. Có một điều tôi rút ra từ người Anh là quan niệm rằng, điều quan trọng trong cuộc sống là những gì cuốn hút ta làm trong giờ thư rỗi. Đã có người nói không ở quốc gia nào có nhiều nhạc công nghiệp dư diễn tốt nhạc giao hưởng như ở Anh. Có lẽ nó gắn với khuynh hướng của người dân xứ đảo này, rằng công việc dừng lại trước cửa nhà mình. Và thú tiêu khiển nhiều khi lại là cách tốt nhất để bộc lộ bản thân mình.
Hè này, album quan trọng nhất trong quá trình sáng tác của tôi sẽ ra mắt ở Việt Nam. Ca sĩ Đức Tuấn, người giành hai giải Cống hiến 2009, lựa chọn 10 ca khúc của tôi cho đĩa nhạc mang tựa đề Trẻ mãi. Đây là hợp tuyển những ca khúc từng phát hành trước đây cùng một số bài mới, với phần hòa âm của nhạc sĩ Hồng Kiên.
Quá trình làm việc với Đức Tuấn và ê kíp cộng sự cũng cho chúng tôi thêm một kinh nghiệm mới, khi liên hệ với nhạc trưởng, nhạc sĩ hòa âm người Anh Paul Bateman. Ông từng làm việc với các danh ca, từ Bryn Terfel cho đến Sarah Brightman và Paul McCartney. Là người nổi tiếng và bận rộn, nhưng ông Paul rất lịch thiệp và nhiệt tình trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Kết quả sau đó, như nhiều bạn đã biết, nhạc trưởng Paul Bateman đã đến Việt Nam chỉ huy đêm nhạc gây tiếng vang Music of the Night của Đức Tuấn. Tôi biết cũng còn có những nhạc sĩ người Anh thân thiện và muốn hợp tác với những người làm nhạc trong nước như thế.
Sự thân thiện của người Anh là đặc điểm đáng yêu không quá khó để nhận ra. Người ta đã nói nhiều về việc đời sống người Anh nhấn mạnh sự riêng tư, với phương châm "nhà tôi là pháo đài của tôi". Theo cách hiểu này, người Anh niềm nở mà không suồng sã, để không ai có thể can thiệp đời sống riêng của nhau.
Nhưng mặt khác, người Anh không hề hờ hững lạnh nhạt, mà sẵn sàng nhiệt tình giúp bạn. Láng giềng nơi tôi ở là ví dụ. Ông cụ nhà bên, đã hơn 70, bỏ cả ngày giúp vợ tôi thông đường ống nước bị nghẹt, trong khi tôi đang ở xa tường thuật Olympics Bắc Kinh. Hay có một tối, đang ăn cơm, chúng tôi nghe tiếng gõ cửa. Cô bé nhà đối diện đang đứng ở ngoài, bảo: "Bố cháu nói chạy sang để nhắc chú là đèn trong xe ô tô của chú vẫn mở". Đúng như ông cụ láng giềng thường vỗ vai tôi căn dặn: "Chúng ta không xen vào việc của nhau, nhưng ta biết có thể tìm thấy nhau khi cần".
Sự hảo tâm của cá nhân nêu bật lên một đặc điểm khác của người Anh, sự khoan dung. Trong cuốn sách về sông Thames, tác giả Peter Ackroyd nhận xét dòng sông cũng là ẩn dụ về Anh quốc. Sông Thames "khiêm tốn và ôn hòa, êm đềm và có ích; mạnh mẽ mà không hung tợn. Nó không ấn tượng đến nỗi khoa trương. Lớn mà không đến mức khổng lồ". Ở góc độ nào đấy, người Anh là như vậy. Họ từ chối sự cực đoan. Sự điềm đạm, thực tiễn của người Anh bao hàm cả thái độ ủng hộ những thay đổi mới và đồng thời bảo vệ di sản của quá khứ.
Sự khoan dung ấy là tiền đề cho xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc tại Anh ngày hôm nay. Có hơn 300 ngôn ngữ được nói ở thủ đô London, dĩ nhiên trong đó có tiếng Việt. Công việc làm báo cho phép tôi tiếp xúc với nhiều người Anh gốc Việt và công dân từ Việt Nam đóng góp cho kinh tế và văn hóa của thành phố toàn cầu này. Mà không chỉ tại London, có những người Việt Nam đang làm ở những lĩnh vực khác nhau trên toàn Vương quốc Anh. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng có thể tin rằng những đóng góp của người Việt theo thời gian sẽ tăng không chỉ về số lượng mà còn sâu sắc hơn.
Vài nét về blogger:
Xin chào các bạn,
Tôi rất vui và vinh dự khi được mời tham gia trang blog của ngài Đại sứ Mark Kent (blogs.fco.gov.uk/roller/kent) - Trần Lê Quỳnh.