>> Triết lý nhà Phật sâu sắc ở 'Tây du ký'
Thái Hà
(Cuốn sách của tôi)
Tây du ký là một bộ tiểu thuyết dài vĩ đại, không những có nội dung, tư tưởng tiến bộ, sâu sắc mà còn có hình thức nghệ thuật đẹp đẽ, hoàn chỉnh. Trong Tây du ký, Ngô Thừa Ân xây dựng khá nhiều hình tượng nhân vật nhưng nổi bật nhất là Tôn Ngộ Không.
Đọc hay xem xong Tây du ký, hình ảnh Tôn Ngộ Không, người anh hùng lý tưởng, giàu màu sắc thần kỳ vẫn lởn vởn trong tâm trí chúng ta. Nếu xem Tam quốc diễn nghĩa là nơi sánh mưu của Gia Cát Lượng thì Tây du ký quả là nơi trổ tài của Tôn Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không, nhân vật trung tâm, linh hồn của tác phẩm chính là một nhân vật điển hình không chỉ nổi bật ở những biểu hiện kỳ lạ về vòng đời, về hình tướng, năng lực mà còn biểu hiện rất nhiều đặc điểm kỳ lạ về tính cách.
Điểm dễ thấy nhất ở lão Tôn là ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy. Thực ra, trong bất cứ xã hội nào, khi kẻ thống trị luôn dựa vào quyền uy, bất chấp lẽ phải và đạo lý thì tất yếu sớm muộn cũng sản sinh ra những nhân vật mang đặc điểm tính cách này. Do đó, bản thân sự ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy không phải là lạ, mà chỗ lạ chính là ở những biểu hiện cụ thể về mức độ và tính chất của nó.
Tôn Ngộ Không từ quả trứng đá sinh ra đã biểu lộ mầm mống xuất chúng qua hình ảnh "mắt dọi hào quang, chiếu lên tân cung Đẩu". Vì muốn được trường sinh bất tử, Ngộ Không đã lênh đênh vượt biển, tầm sư học đạo 20 năm trời, được Bồ Đề tổ sư truyền cho diệu quyết trường sinh và phép tránh "ba tai hại", thông thạo cả 72 phép Địa sát biến hóa lẫn phép "cân đẩu vân".
Bẩm sinh đã có tính ngang tàng, lại thêm bản lĩnh thần thông quảng đại, nhờ công phu tu luyện như thế, nên trước khi bị phật tổ Như Lai đè dưới núi Ngũ Hành, Ngộ Không càng ngày càng kiêu căng ngạo mạn, không coi ai ra gì. Hết náo long cung lại địa phủ, hết náo địa phủ lại liên tiếp ba lần đại náo thiên cung.
Sau khi quy y đạo Phật, trở thành hòa thượng, Ngộ Không vẫn thường xuyên bộc lộ cái tính khí ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy ấy. Chỉ có điều, tư cách của lão sau này đã khác, không còn là "yêu tiên" ngông cuồng, phá phách, chỉ vì cá nhân mình nữa mà đã trở thành đại đồ đệ của Đường Tăng. Lão thực hiện nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là hộ vệ một trưởng lão "vô tích sự" nhưng lại được tất cả tiên, phật, thần thánh trên trời, dưới đất, âm phủ, long cung dốc lòng phò trợ sang Tây Trúc.
Tôn luôn luôn giữ thái độ ngạo nghễ của người anh hùng, không bao giờ cúi đầu xu nịnh. Mỗi lần gặp Ngọc Hoàng, Tôn chào to: "Chào lão quan, phiền ngài, phiền ngài!". Có lần Tôn vạch trần sự kiềm thúc bất minh của Thái Thượng Lão Quân để hai đứa đồng tử coi lò vàng, lò bạc lấy trộm bảo bối xuống hạ giới làm điều bậy bạ.
Ở hồi 51 khi qua núi Kim Đẩu, Tôn đấu phép với con Tỷ Quái, bị mất gậy bịt vàng, Tôn nghĩ: "Yêu tinh này có biết ta. Ta nhớ khi ở trận đánh, nó ngợi khen: 'Thực là tài giỏi của một người đã náo Thiên cung!'. Cứ xem như thế, quyết không phải quái vật ở phàm gian, tất nhiên là hung tinh ở trên trời, còn tơ tưởng phàm trần hạ giới". Thế là Tôn Ngộ Không tự mình bày mưu tính kế rồi vươn mình nhảy lên mây, thẳng tới ngoài cửa Nam Thiên Môn, tìm Ngọc Hoàng hỏi cho ra nhẽ.
Có thể nói, từ khi quy y đạo Phật, cái tính khí ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy của Ngộ Không chẳng những không bị triệt tiêu mà còn nâng cao bởi một tầm tư tưởng lớn mang nội dung xã hội sâu sắc. Và đặc điểm kỳ lạ trong tính cách của Ngộ Không lúc này đã bộc lộ ra ở chỗ: lão luôn đem phép ứng xử của anh hùng hảo hán "kiến nghĩa bất vi vô dũng" vào trong mọi hành vi của mình, bất kể nó có phù hợp hay không.
Qua đó mà bộc lộ mạnh mẽ lòng tự tôn, tinh thần khẳng khái, phẩm chất kiên trinh và lòng trung thành, tận tụy của bản thân. Nhìn Đường Tăng lúc nào cũng cung kính, sụp lạy thần thánh, Ngộ Không cảm thấy buồn cười và đã nói với sư phụ một cách tự hào rằng: "Lão Tôn từ nhỏ là một trang hảo hán, không biết lạy. Ngay cả gặp Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão Quân, con cũng chỉ vâng một tiếng là xong".
Sự thật đúng là như vậy. Ở bất kỳ mối quan hệ nào, Tôn Ngộ Không đều thể hiện thái độ, tư thế ngạo nghễ, ngang tàng rất đặc trưng. Với hạng yêu quái thì bất kể nguồn gốc là gì, thần thông quảng đại đến đâu, lão Tôn đều truy kích đến cùng, nếu bản thân không hàng phục nổi thì lão lại đi mời tiên phật thần thánh giúp sức. Với hạng "tiểu thần" như sơn thần, thổ địa, thành hoàng thì mỗi lúc cần thiết, lão chỉ cần niệm chú "úm" một tiếng là có thể lôi lên hàng tá, chậm trễ là dọa "giơ mắt cá chân ra" để cho ăn đòn.
Với thần thánh ở trên trời thì tuy có "lịch sự" hơn vì không còn kiểu quan hệ đối đầu như trước nhưng vẫn cư xử theo lối ngạo nghễ y hệt hồi nào đại náo thiên cung. Có lần Ngọc Hoàng sai thiên thần đi bắt yêu quái giúp Ngộ Không nhưng xong việc, lão chỉ "ngẩng đầu lên chào Ngọc Hoàng thật to, rồi quay sang các vị thần nói: Chào các vị, tôi đi đây". Thiên sư tỏ ý trách móc thì Ngọc Hoàng nói: "Chỉ cần được hắn vô sự, để trên trời được thanh bình là may rồi". Ngọc Hoàng ở ngôi chí tôn vô thượng mà còn 'ngán' Ngộ Không như thế, huống hồ là các vị thần thánh khác.
Đối với Đường Tăng, một mặt Ngộ Không luôn một lòng trung thành, tận tâm tận lực phò tá, kể cả khi ông ta "trở mặt vô tình", bạc bẽo ruồng bỏ mình. Mặt khác lại thường xuyên tỏ rõ thái độ bất bình trước lối suy xét, quyết định hồ đồ và thái độ nhu nhược quá đáng của ông ta. Lòng trung thành, tận tụy của Ngộ Không được biểu hiện sinh động ở nhiều tình huống khác nhau. Tác giả tỏ ra rất tinh tế khi thể hiện thái độ của Ngộ Không đối với sư phụ.
Với Đường Tăng, Ngộ Không vừa xác định được ranh giới quan hệ thầy - trò, vừa ý thức rất rõ sư phụ mình là "người trần mắt thịt". Vì vậy, trước những suy xét, quyết định chủ quan, hồ đồ của Đường Tăng, Ngộ Không thường là tức tối nhưng vẫn phải miễn cưỡng phục tùng và nhiều khi tỏ rõ thái độ châm biếm. Mỗi khi oán trách sư phụ, Ngộ Không thường dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, lễ độ, đánh đúng vào chỗ mạnh và cũng là chỗ yếu của Đường Tăng.
Cùng với những đặc điểm kỳ lạ về vòng đời, hình tướng, năng lực, những đặc điểm về tính cách của nhân vật đã nêu ở trên đã góp phần quan trọng đưa đến sự thành công của tác giả trong việc sáng tạo một nhân vật hoàn chỉnh, "vừa người vừa thần, vừa khỉ vừa quái" (diệc nhân diệc thần, diệc hầu diệc yêu). Những đặc điểm về tính cách ấy cho thấy rõ ràng ý nghĩa của hình tượng Tôn Ngộ Không rộng lớn hơn rất nhiều những khái niệm trừu tượng từng được dùng để lược quy nhân vật này. Ví như cho rằng, bốn nhân vật trong "tứ chúng" là hiện thân của bốn tính mà "tính" của Tôn Ngộ Không là tài năng; hay khẳng định Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung là thể hiện tinh thần đấu tranh dũng cảm, trí tuệ của nhân dân.
Tính cách đó vừa là kết quả, vừa là điều kiện của những tình huống mâu thuẫn, xung đột phức tạp và gay cấn được mô tả trong tác phẩm. Qua đó mà thể hiện sâu sắc tình cảm yêu - ghét, khen - chê đối với xã hội đương thời cũng như lý tưởng xã hội, thẩm mỹ tích cực của nhà văn. Nhờ vẻ đẹp ấy mà Tôn Ngộ Không xứng đáng là một điển hình nghệ thuật bất hủ trong văn học.
Vài nét về tác giả:
Bài đã đăng: Triết lý nhà Phật sâu sắc ở 'Tây du ký'; Triết lý trong 'Dòng sông ly biệt', Điều kỳ diệu của tình yêu, Sự hy sinh của tình yêu.