![]() |
Anh Sáu Hà. |
Từng nghe lời đồn đại về Sáu Hà nên chuyến đi Phú Quốc (Kiên Giang) vào trung tuần tháng tư vừa rồi, tôi quyết tìm gặp cho được "con người kỳ lạ" này. Thật may mắn, trên chiếc tàu cao tốc mang tên Dương Đông từ Rạch Giá ra đảo, tôi đã gặp anh.
Sáu Hà kể: "Nếu thời tiết tốt, trung bình mỗi ngày lặn biển, dân lặn làng chài này có thể bắt được cả trăm ký ốc nhảy, vài ký cá ngựa, hải sâm (đồn đột), bán cho mối lái cũng được cả triệu đồng như chơi". Bằng chứng như ba cha con Sáu Hà, nhờ cần mẫn với nghề này mà ngoài việc lo cho 7 miệng ăn, còn dư ra để sắm sửa đủ vật dụng đắt tiền và chuẩn bị xây cất nhà mới.
Kể về cái nghiệp chính của mình, Sáu Hà có vẻ say sưa hơn: "Năm lên 10 tuổi, tôi đã bắt đầu làm quen với sóng nước, biển cả. Mới đầu, tôi theo ba tôi giữ ghe. Lần hồi, tôi biết lội, rồi biết lặn từ hồi nào không hay. Và đến năm 17 tuổi, tôi có thể "lặn tài" sâu đến 5-6 sải nước. Bây giờ chục sải, tương tương 19-20m là chuyện thường".
Về "hải phận" hoạt động, Sáu Hà cho biết, hơn 20 năm theo nghề, hầu như vùng biển nào quanh đảo Phú Quốc anh cũng "mò" tới. Riêng với vùng biển Bãi Bổn cạnh nhà, anh "thuộc" từng mảnh đá, rãnh cát dưới đáy biển.
Sáu Hà được nhiều "đồng nghiệp" và ngư phủ quanh vùng kính nể vì biệt tài lặn sâu và lặn lâu dưới biển. "Anh Sáu có thể trầm mình trong nước biển suốt ngày nếu giữ ống thở đầy đủ và không bị... đói bụng". Một "đồng nghiệp" của anh kể thêm: "Như tụi tui đây, hai ba chục năm trong nghề cũng chỉ chịu đựng được 3 giờ lặn/ngày là cùng. Còn anh Sáu thì quá dữ dội".
Người dân làng chài Bãi Bổn cho biết, hiện chỉ còn rất ít người dùng lưới để đánh bắt tôm cá, còn lại, có gần 100 người (khoảng gần 30 ghe, tàu) đều lấy nghề lặn biển làm kế sinh nhai, vì nghề này chẳng cần vốn liếng gì nhiều ngoài kinh nghiệm và tấm lòng yêu biển.
Sáu Hà kể, thường mỗi ngày lặn anh chỉ nghỉ 2 lần, một lần giữa trưa để ăn cơm và một lần cuối ngày khi cuốn dụng cụ lên bờ. Anh giải thích: "Cơ thể tôi nhiều lúc dường như không hề biết lạnh, ngược lại, khi trầm mình xuống biển rồi, cả cơ thể thấy mát mẻ, dễ chịu và "phê" lắm. Sướng hơn nhiều so với trên bờ".
Chính vì "hạp" với lòng biển cả nên Sáu Hà có thêm cái biệt tài "độc nhất vô nhị" là ngủ dưới đáy biển hàng giờ liền. Thú thật, khi nghe người dân Phú Quốc đồn đại về chi tiết này, tôi tin chưa đến 20% dù rằng người kể thề sống thề chết, nhưng khi lân la hỏi chuyện Sáu Hà và những "đồng nghiệp" của anh như các anh Tý, Nhỏ… tôi mới cảm thấy mình bị hớ.
Anh Tý kể, anh và Nhỏ từng "hết hồn hết vía" khi một lần nọ gặp Sáu Hà ngồi gục đầu bên nhánh san hô bất động. "Tưởng rằng ổng chầu Diêm Vương, ai dè ổng ngủ!".
Nhắc lại lần đầu tiên ngủ dưới đáy biển cách đây hơn 2 năm, Sáu Hà cười sặc sụa: "Bữa đó tôi nhậu hơi nhiều nên khi lặn xuống biển mò cá được một lúc tự dưng buồn ngủ quá xá. Thế là ngủ gục lúc nào không hay. Đến khi vuột ống thở, bị ngộp, tôi mới giật mình thức dậy. Tôi vội quơ tay chụp lấy ống thở (luôn được anh đeo bên hông) ngậm vào miệng. Được cái là tôi rất dễ thức, mau tỉnh, không bị choáng nên không sao".
"Sao cứ mãi theo nghề lặn biển, một công việc cực nhọc và cũng khá nguy hiểm?". Sau một thoáng trầm tư, mắt nhìn ra biển, Sáu Hà bộc bạch: "Bao đời gắn với biển, mới đẻ ra đã thấy biển, cả tuổi thơ gắn với biển và lớn lên, cưới vợ, sinh con đẻ cái, mưu sinh… cũng nhờ biển, không bám biển thì bám vào đâu bây giờ?".
Anh lại như chợt nhớ thêm một nguyên nhân khác nữa, đó là lòng yêu biển: "Lặn biển còn có nhiều điều hay lắm... Xuống đáy biển ta như lạc vào một thế giới kỳ ảo, tuyệt đẹp; không chỗ nào giống chỗ nào, có vùng nông, vùng cạn; nắng nhiều, nắng ít, nơi có nhiều rong hay nhiều sạn sỏi đều cho những màu nước khác nhau, rất huyền ảo khó tả".
Chia tay tôi, Sáu Hà nói thêm: "Ai bắt tôi bỏ biển chừng một tuần chắc tôi chết mất! Tính đến hai thằng con tôi là coi như gia đình tôi theo nghề lặn biển này được 3 đời rồi còn gì! Sao mà bỏ biển được!". Anh nói với tôi mà cũng như "cam kết" với biển...
(Theo Công An Nhân Dân)