Võ Tấn Cường
Ông Nguyễn Thanh, trưởng phòng văn hóa thông tin huyện X dáng người chắc đậm, chỉ tay về phía bức tượng nói:
"Sao! Cậu thấy thế nào? Bức tượng có giống anh hùng Trần Văn Thứ không?".
Nghệ sĩ điêu khắc Lương Thành nheo đôi mắt nói:
"Tôi đâu biết mặt mũi anh hùng Thứ đâu. Nghe mọi người bảo cậu con trai của anh hùng Thứ rất giống ba. Tôi lấy mẫu gương mặt người con để tạc thành anh hùng Thứ".
Nguyễn Thanh mỉm cười:
"Chà! Coi chừng "hồn Trương Ba, da hàng thịt" đó nghen. Giống gương mặt thôi chưa đủ. Cái quan trọng là phải tạc được cái hồn, tư thế và chí khí của người anh hùng. Cậu có thấy hài lòng với tác phẩm của mình không?".
Nghệ sĩ điêu khắc Lương Thành nói:
"Tôi chưa thật ưng ý. Tư thế của người anh hùng chưa thật dứt khoát, quyết liệt. Giá như có thời gian…".
"Ôi! Cầu toàn làm sao được. Giá trị của tác phẩm nghệ thuật chỉ tương đối thôi. Hoàn thành bức tượng coi như tôi đã trả xong món nợ ân tình".
Ông Nguyễn Thanh chợt nhớ lại trận đánh cách đây hơn 30 năm. Trận đánh đồn năm ấy ông mới 18 tuổi. Ông hồi hộp và run lập cập. Nghe tiếng thét xung phong của đồng đội tự dưng nỗi sợ tan biến. Súng địch từ lỗ châu mai bắn liên hồi. Ông đang chần chừ chưa kịp xung phong thì một đồng đội đã lao mình vào lỗ châu mai, che khuất họng súng của địch. Trong tích tắc, ông cùng đồng đội xông lên tiêu diệt, đánh chiếm đồn địch. Ông và đồng đội quay lại bên lỗ châu mai tìm xác người đồng đội hi sinh. Người chiến sĩ nằm ngửa, gương mặt thanh thản, lồng ngực vạm vỡ lỗ chỗ vết đạn. Chiếc áo nâu nhuộm đỏ máu...
2. Bà Năm thao thức đến gần sáng vẫn không chợp mắt. Bà nghe rõ tiếng con gà trống cồ vỗ cánh, tiếng gáy toang toác như tiếng xay lúa. Sáng nay, bà được mời tham dự khánh thành bức tượng người anh hùng ở trường trung học cơ sở. Người ta bảo con trai bà hi sinh anh dũng nên được tạc thành tượng để đời sau ghi nhớ công ơn. Bà không hình dung nổi hình dáng, kích thước của bức tượng. Bà nhớ như in vóc dáng, gương mặt và giọng nói của con.
Bà nhớ rõ buổi sáng trước khi đánh đồn, con bà còn ngồi chặt dừa để bà đem ra chợ bán. Bàn tay sần sùi, chai sạn của con thoăn thoắt trông thật khéo. Bà nhớ rõ trong một lần chặt dừa, con bà đã lơ đãng chặt đứt ngón trỏ bàn tay trái. Bà ân hận vì trước đó đã la mắng con ham vui đi gác cu mà bỏ công việc nhà. Nhìn bàn tay trái của con bị mất ngón trỏ bà xót xa cả lòng. Nhớ thương con bà lại nhớ đến cái vết thương của bàn tay và cái vầng trán hơi dô bướng bỉnh của nó.
Bà Năm loay hoay sửa soạn áo quần đi dự lễ khánh thành tượng anh hùng. Khi bà đi bộ đến cổng trường thì mọi người đã tụ tập đông đủ. Cờ, băngrôn treo khắp nơi trông thật rực rỡ. Người đàn ông dáng chắc đậm dẫn bà lên ngồi ghế danh dự. Mọi việc cứ tuần tự diễn ra như đã sắp đặt trước. Người ta thay phiên nhau phát biểu, chúc mừng và tặng hoa. Bà Năm loáng thoáng nghe người nào đó nhắc đến tên con bà và gọi là Anh hùng Trần Văn Thứ.
Đôi mắt bà mở to, nhìn chăm chăm vào bức tượng chễm chệ giữa sân trường. Bà không nhận ra nét quen thuộc nào trên gương mặt và hình dáng của bức tượng. Bà nhìn xoáy vào bàn tay trái của bức tượng. Trời! Bàn tay vẫn còn đủ cả năm ngón. Bà Năm thầm hỏi: "Con bà bàn tay trái bị mất ngón trỏ mà? Sao vậy? Không phải thằng Thứ rồi! Cả vầng trán nữa. Trán của nó hơi dô mà?...".
Người đàn ông dáng chắc đậm bước lại gần bà và nói nhỏ: "Mời má phát biểu cảm tưởng nhân ngày khánh thành tượng anh hùng Trần Văn Thứ". Bà Năm ngồi lặng im, nói lẩm bẩm: "Không giống con của má! Con của má bị mất ngón trỏ mà…". Người đàn ông ngơ ngác hỏi: "Má nói gì? Mất ngón trỏ của ai?".
(Theo Tuổi Trẻ)