Thứ tư, 6/12/2023, 00:00 (GMT+7)

Ngôi trường 112 năm tuổi nhuộm vàng, phủ đỏ khi đông tới

Trung QuốcTừng góc lá đỏ leo kín tường đá, hàng cây ngân hạnh đổ vàng nên thơ trong khuôn viên Đại học Thanh Hoa được ghi lại qua ống kính của nghiên cứu sinh người Việt.

Từ Bích Ngọc từng tốt nghiệp xuất sắc hai trường đại học tại Việt Nam, gần 10 năm làm biên tập viên - phát thanh viên ở Thông tấn xã Việt Nam, biên dịch một số tiểu thuyết Trung Quốc. Sau khoảng hai năm học thạc sĩ online do đại dịch, cô hoàn thành giấc mơ đến Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh vào tháng 4/2023. Song song với việc học tập và nghiên cứu, Ngọc dành thời gian khám phá từng góc nhỏ của một trong hai trường đại học danh giá nhất Trung Quốc.

Những ngày chớm đông, nữ nghiên cứu sinh Việt Nam mê mẩn ngắm nhìn những hàng cây cao trong trường ngả đỏ rồi chuyển vàng. Khung cảnh mỹ lệ và bình yên như bước ra từ những thước phim hay câu chữ trên trang sách.

Các tòa nhà ốp gạch đỏ mang dáng vẻ cổ kính trăm năm thêm hút mắt với "tường lá đỏ".

Đồi Tình Nhân phủ vàng lá ngân hạnh là địa điểm Bích Ngọc yêu thích nhất trong trường. Nơi đây không gian trong lành và yên tĩnh, có trảng cỏ thênh thang, được chăm sóc sạch sẽ mỗi ngày.

Lần đầu trải nghiệm mùa đông của thủ đô Trung Quốc, Bích Ngọc nhận ra không thể nhìn sắc trời để phỏng đoán thời tiết. Bởi ngay cả khi nắng lên rực rỡ, trời vẫn giá lạnh. Những ngày qua, có lúc nhiệt độ xuống -7 độ C.

'Mùa đông vàng ở Thanh Hoa xứng đáng 999+ tim', cô gái du học sinh Việt Nam bình luận. Sau những ngày Thanh Hoa phủ đỏ, nhuộm vàng, Bích Ngọc mong chờ ngôi trường cổ kính sẽ đón tuyết trắng vào dịp cuối năm.

Đại học Thanh Hoa thành lập năm 1911. Ngôi trường rộng hơn 460 ha. có kiến trúc hòa trộn đặc trưng phương Đông và phương Tây của đầu thế kỷ 20. Hơn một thế kỷ, nhà trường duy trì hình ảnh này. Ngay cả khi tu sửa, họ cũng đặt ra nguyên tắc 'nhà cũ sao giữ nguyên vậy'.

Theo Bích Ngọc, trường gồm chín con đường mang cấu trúc ba đường ngang và ba đường dọc tựa như mê cung lớn, khiến sinh viên mới nhập học khó tránh lạc đường. Như nhiều trường đại học khác ở xứ Trung, Thanh Hoa có tuyến bus riêng. Nhưng phần đông du học sinh sử dụng xe đạp để di chuyển trong trường.

Ngày mới đặt chân đến Thanh Hoa, Bích Ngọc choáng váng vì công trình nào ở đây cũng có vài, thậm chí hơn 10 tòa nhà. Quần thể kiến trúc 112 năm tuổi ôm trọn khoảng 6 giảng đường lớn, trong đó có những giảng đường nối dài vài ba tòa.

Ngoài ra, trường còn có tòa nhà y tế riêng, các hệ thống cửa hàng tiện lợi dày đặc, hơn 20 tòa ký túc xá, 16 nhà ăn, sáu thư viện, ba sân bóng, hai bể bơi cùng các sân chuyên dụng cho một số môn thể thao như bóng chuyền, bóng rổ, bắn cung...

So với nhiều trường đại học ra đời cùng giai đoạn, Thanh Hoa mang nhiều nét Âu hóa, song cũng giữ không ít góc đậm màu cổ phong, tựa như những phim trường cổ trang. Hồ Sen này gợi cho Bích Ngọc nhớ đến cây cầu nơi Tiêu Nại và Bối Vi Vi hẹn hò trong tiểu thuyết - phim truyền hình 'Yêu em từ cái nhìn đầu tiên'. Hồ rộng, nếu đi bộ phải mất khoảng một đến hai tiếng để đi trọn một vòng.

Thanh Hoa phủ xanh từng góc, có nhiều cổ thụ. Những con đường dựng xe đạp của sinh viên. Những bãi cỏ thường là chốn mộng mơ để đọc sách, thư giãn, cắm trại.

Dù là không gian ngoài trời hay trong nhà, trường Thanh Hoa cũng chú trọng việc quy hoạch đậm tính thẩm mỹ. Khu vườn Điêu Khắc phủ ngập màu xanh cây cỏ và trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc tinh xảo. Trong khi, khu vực Di Chỉ Cận Xuân Viên được đông du khách và các gia đình người dân gần đó đưa con trẻ ghé chơi.

Học viện Schwarzman, thành lập năm 2016, được xem là chốn sang chảnh nhất Đại học Thanh Hoa, dành riêng cho chương trình đào tạo cao cấp nhất của trường. Mỗi năm, học viện tuyển chọn 200 người khắp thế giới về học thạc sĩ ngành kinh tế, chiến lược toàn cầu.

Học viện được tạo thành bởi hai tòa nhà có mái cổ nhưng kiến trúc phương Tây. 200 thạc sĩ có ký túc và nhà ăn riêng tại đây, được phục vụ buffet ba bữa mỗi ngày.

Bích Ngọc đăng ký dự hội thảo ở Học viện Schwarzman để trải nghiệm cảm giác học tập, nghiên cứu ở nơi 'sang, xịn, mịn' nhất trường.

Tòa thư viện cổ nhất của Thanh Hoa mới mở cửa trở lại sau thời gian tu sửa. Không gian hoài cổ, gợi nhắc những cuốn phim về thời kỳ Dân quốc thập niên 1930.

Với Bích Ngọc, thư viện phía Tây là chân ái. Đường đi lối lại bên trong lòng vòng, lắt léo. Bù lại, không gian đẹp, nhiều chỗ ngồi riêng tư.

Các thư viện chia thành nhiều chủ đề như Thư viện Pháp Luật, Thư viện Mỹ Thuật, Thư viện Khoa học - Xã hội - Nhân văn... Mỗi tòa cung cấp lượng đầu sách, bài nghiên cứu khổng lồ, có nhiều không gian đọc và tự học.

Thư viện Mỹ Thuật đẹp như một quán cafe sách.

Các khu tự học bên trong các tòa giảng đường, thư viện, ký túc xá được bài trí mỗi tầng một chủ đề và màu sắc.

Riêng hệ thống nhà ăn trong trường là chủ đề làm Bích Ngọc hứng thú 'nghiên cứu' qua nhiều tháng ngày. Thay vì gọi là nhà ăn hay canteen, các tòa nhà ba, bốn tầng này được gọi là 'viên' (vườn), kèm theo những cái tên đầy thơ mộng: Tử Kinh Viên (vườn hoa tử kinh), Hà Viên (vườn hoa sen), Thinh Thao Viên (khu vườn lắng nghe tiếng sóng), Thanh Phân Viên (khu vườn mang hương sắc Thanh Hoa)...

Mỗi nhà ăn có thực đơn riêng và món ăn làm nên thương hiệu, kiến trúc lại đẹp không thua kém giảng đường hay thư viện. Thanh Phân Viên trong ảnh đắt khách với món vịt quay giòn bì. Đào Lý Viên bán chạy nhất món thịt bò 'gác chân' (món nước có loại sợi giống miến, ăn kèm thịt bò, sách bò, lưỡi bò).

Không gian bên trong một nhà ăn.

Mỗi ký túc xá cao hơn 10 tầng, gần 40 phòng mỗi tầng với các loại hình phòng đơn, phòng đôi, căn hộ mini. Bên trong tích hợp khu vực bếp chung, khu vực giặt đồ, phòng tự học (ảnh), phòng gym.

Phong Kiều
Ảnh: Từ Bích Ngọc

Đánh giá phiên bản mới