- Sau nhiều biến cố trong hôn nhân, tiền bạc.. hiện tại cuộc sống của chị như thế nào?
- Hiện tôi điều hành hoạt động của công ty TNHH một thành viên Nhà An. Đây là công ty do tôi thành lập đầu năm 2010 trước khi đi Mỹ, quản lý và kinh doanh khối tài sản thuộc quyền sở hữu của tôi để sinh lời. Nguồn thu tôi dùng để trang trải cuộc sống và nuôi các con. Do tôi sống tại Mỹ nên chủ yếu phải điều hành công ty từ xa thông qua các nhân viên của mình và thỉnh thoảng tôi cũng bay qua lại. Hiện tôi có cuộc sống hạnh phúc với các con và Trường - chồng sắp cưới của tôi.
- Chị có thể bật mí một chút về người chồng sắp cưới?
- Anh ấy là một luật sư tranh tụng tại Mỹ. Tôi gặp anh thông qua sự giới thiệu của bạn bè. Do có chút hiểu lầm vì khác biệt văn hóa nên mãi 3 tháng sau tôi và anh mới có cơ hội tìm hiểu nhau. Sau một thời gian đến với nhau chúng tôi có con trai, tuy là ngoài dự kiến nhưng chúng tôi quyết định giữ lại con. Chuyện tình cảm của tôi và anh gặp nhiều sóng gió vì ba mẹ tôi đều không chấp nhận mối quan hệ này. Ông bà tìm mọi cách để chia rẽ chúng tôi. Đó cũng là nguyên nhân khiến tình cảm mẹ con bị rạn nứt.
Thời gian ấy tôi và anh cũng thường xuyên giận nhau nhưng dù giận đến mức nào anh vẫn luôn nhớ lịch khám thai và chở tôi đi không vắng mặt một buổi nào. Đến bây giờ cháu cũng đã 3 tuổi. Anh là người rất tốt và có trách nhiệm. Tôi cảm thấy mình may mắn vì gặp được anh. Anh chăm lo cho tôi cũng như giúp tôi chăm sóc các con. Hai con gái riêng của tôi cũng rất yêu quý anh và coi anh là ba của mình.
Các con của tôi đang sống với tôi và Trường ở San Jose, bang California, Mỹ. Các cháu đều rất khỏe mạnh. Cháu đầu học lớp 2, cháu sau học mẫu giáo còn cậu con trai út Myles hiện được 3 tuổi. Mỗi cháu đều có những tính cách rất khác nhau. Con gái đầu rất giống ba cả về ngoại hình và tính cách. Con gái thứ hai thì giống tôi và cháu cũng có năng khiếu về thời trang. Mới đây tôi cũng có gửi ảnh của cháu để dự thi một chương trình làm người mẫu nhí. Cậu con trai út thì giống hệt ba, Myles chính là sợi dây giúp các thành viên trong gia đình chúng tôi gắn kết với nhau nhiều hơn.
- Chị và mẹ cũng thường xuyên lên facebook và báo chí nói xấu về nhau với những lời lẽ khá nặng nề. Tại sao chị lại hành xử như vậy với mẹ ruột của mình?
- Từ nhỏ đến lớn tôi là đứa con gái luôn nghe theo lời mẹ trong tất cả mọi chuyện và bà luôn muốn kiểm soát tôi. Khi tôi ly hôn bà muốn tôi ở vậy nuôi con và không chấp nhận mối quan hệ của tôi với bất cứ người đàn ông nào. Cũng vì vậy mà mẹ con tôi đã xảy ra rất nhiều mâu thuẫn và tôi đã bị mẹ làm tổn thương rất nhiều. Suốt 2 năm qua, bà đã tạo áp lực buộc tôi đưa hai con gái về Việt Nam nhưng tôi không bao giờ chấp nhận điều đó. Vì tôi cũng là người mẹ nên tôi phải bảo vệ các con dù bất cứ giá nào. Mẹ đã đẩy tôi vào bước đường cùng khi tôi đang phải trải qua rất nhiều chuyện rắc rối trong hôn nhân cũng như kiện tụng.
Gần 2 năm trời, tôi vẫn im lặng và chịu đựng. Nhưng cho đến khi mẹ lên báo bêu ri;ếu tôi trước hàng triệu người dân nói rằng tôi nghiện ma túy, nghiện rượu bỏ bê các con, ngược đãi cha mẹ thì tôi không thể chịu đựng được nữa. Chính bà cũng là người làm hồ sơ tố cáo lên cơ quan chức năng của Mỹ mà bà không hiểu rằng điều đó đã đẩy tôi vào những khó khăn như thế nào. Tôi buộc phải chuyển trường cho con và đối diện với sự nghi hoặc của giáo viên của các con mình cũng như nhiều người khác.
Mọi người cho rằng những lời tôi nói với mẹ trên facebook là trái với đạo lý làm con, nhưng mọi người không ở trong hoàn cảnh của tôi không hiểu được những nỗi đau mà tôi đang trải qua. Nếu tôi không nói ra thì tôi sẽ chết dần trong sự ức chế. Đó là cách để tôi giải tỏa những ấm ức trong lòng. Một vài người bạn cũng góp ý tôi về vấn đề này và gần đây tôi chuyển sang viết hồi ký.
- Mẹ chị không đồng ý chuyện tình cảm của chị với người bạn trai hiện tại, có thể vì bà lo rằng anh ấy lợi dụng và sống bám vào mẹ con chị. Chị ý kiến gì về vấn đề này?
- Đến giờ phút này, tài sản vẫn ở Việt Nam và đang bị tranh chấp. Vậy tôi hỏi anh ấy đã lấy được gì từ nó mà lại bị mang tiếng oan như vậy? Hai năm trước, anh Trường là người đầu tiên mở lời động viên tôi hãy đồng ý nhận tiền cấp dưỡng cho con mà thôi. Anh nói: “Như vậy là công bằng cho cả em và An". Ngoài số tiền cấp dưỡng nuôi con theo luật định, anh Trường đã khuyên tôi khước từ toàn bộ quyền lợi với khối tài sản chung sau ly hôn với An. Nếu tham lam, anh đã không khuyên tôi như vậy. Bản thân là luật sư, anh biết anh sẽ chẳng thể lấy hay dùng tiền cấp dưỡng của các con tôi được với pháp luật Mỹ và với sự giám sát của An.
- Chị giải thích như thế nào về việc mẹ chị tố rằng chị và người chồng sắp cưới sử dụng ma túy, rượu, ngược đãi cha mẹ, đuổi bố mẹ ra khỏi nhà khi ông bà sang Mỹ chăm các cháu?
- Thời gian bố mẹ tôi sang Mỹ sống cùng tôi vào năm 2012 chúng đã xảy ra nhiều mâu thuẫn và dẫn đến xô xát. Một người hàng xóm nghe tiếng ồn ào đã gọi cảnh sát. Khi họ đến, tôi đã cố gắng giải thích với cảnh sát rằng theo văn hóa người Việt khi cha mẹ dạy con thường có những hành động như vậy để không ai phải bị bắt đi. Nhưng vì bố mẹ tôi đã có những biểu hiện không kiểm soát được hành vi lời nói của mình sau khi cảnh sát đã giải thích cặn kẽ về luật lệ và văn hóa nước sở tại với ông bà. Họ không còn cách nào khác đành phải mời ông bà ra khỏi nhà để nhằm tránh xảy ra ẩu đả một lần nữa. Vì nếu điều đó xảy ra, bố mẹ tôi sẽ bị bắt giam. Đêm hôm đó, vợ chồng chúng tôi cùng con cái cũng phải đi thuê khách sạn ngủ lại. Chúng tôi sợ ở lại nhà thì khi bố mẹ tôi tìm về sẽ xảy ra chuyện không hay lần nữa. Thêm nữa, bố mẹ tôi lại không chịu về Việt Nam khi chỉ còn một ngày nữa là hết visa.
Với tất cả những gì đã xảy ra, ông bà hoàn toàn không hiểu là do lỗi của ông bà gây ra mà lại càng căm hận chúng tôi vì cho rằng chúng tôi đã đuổi ông bà đi. Sự thật tôi và Trường không có khả năng sai khiến cảnh sát Mỹ làm điều sai trái ấy được nếu chúng tôi lại là kẻ gây rối ngày hôm ấy. Không thể nói tôi đuổi ông bà đi khi ông bà được mang theo đầy đủ vật dụng giấy tờ tùy thân, trong đó có 2 thẻ tín dụng trị giá 10.000 đô la Mỹ. Với số tiền ấy, ông bà có thể thuê được một phòng khách sang trọng nhất San Jose để ở qua đêm chờ đến lúc ra sân bay về Việt Nam.
Những lời cáo buộc của mẹ tôi cho rằng tôi sử dụng ma túy, uống rượu, không chăm lo các con là hoàn toàn bịa đặt. Cảnh sát Mỹ đã đến nhà chúng tôi sau lời tố cáo của ông An. Họ đã kiểm tra về những cáo buộc này và kết luận không hề phát hiện thấy dấu hiệu chúng tôi sử dụng ma túy. Trong một lần tôi mệt, Trường đã đưa cho tôi 2 viên thuốc Tylenol giảm đau đầu trước mặt mẹ tôi. Sau đó, bà kể với mọi người và cảnh sát rằng đó là ma túy. Cán bộ sở an sinh xã hội cũng đã bí mật đến trường con gái tôi học để phỏng vấn và họ cũng kết luận rằng các con tôi khỏe mạnh, xinh xắn, được chăm sóc tốt. Tôi chỉ được biết về buổi phỏng vấn này sau đó.
- Thực tế là mọi người trong gia đình đều quay lưng với chị, từ bố mẹ cho đến em trai. Chị có khi nào xem lại bản thân và nhìn nhận đúng đắn những hành động hay lỗi lầm của mình dẫn đến mối bất hòa với người thân?
- "Tiên trách kỷ hậu trách nhân", câu này tất cả mọi người trong gia đình tôi đều cần phải ngẫm và nhìn nhận ra lỗi lầm của mình. "Nhân vô thập toàn" nhưng gia đình tôi đã không kìm chế và suy nghĩ thấu đáo làm lớn mọi chuyện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôi và rất nhiều người khác. Mẫu thuẫn gia đình thì ai cũng có, nhưng sao không đóng cửa bảo nhau? Sao lại đem phơi bày ra với dư luận làm gì? Nếu vì muốn giữ tài sản cho cháu, sao cha mẹ tôi không nhờ tòa án mà tìm đến truyền thông làm gì? Dư luận chỉ làm cho mẫu thuẫn giữa chúng tôi càng thêm khó hàn gắn mà thôi. Đến thời điểm này tôi chỉ là người chống đỡ những gì gia đình tôi gây ra mà thôi. Phận làm con, tôi sẽ vẫn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ lo lắng chăm sóc cho cha mẹ về sau. Còn tình cảm hãy để thời gian sẽ có câu trả lời cho tất cả.
- Hiện tại, chị mong muốn gì ở mẹ mình ?
- Tôi chỉ mong rằng mẹ làm đúng như những gì bà đã nói đó là đợi khi nào tòa có phán quyết cuối cùng về vụ kiện của tôi với chồng cũ rồi mới xử lý đối với những tài sản mà bà đang đứng tên dùm tôi. Nhưng trong thời gian qua tôi phát hiện bà đã đồng ý chuyển nhượng những tài sản này cho ông An.
Từ khi còn là một cô gái 19 tuổi tôi đã là người nuôi cả gia đình với 5 miệng ăn. Tôi đã mang đến cho bố mẹ một cuộc sống sung túc, xây nhà cho bố mẹ, lo cho em đi du học… Sau này khi lấy chồng tôi có tặng mẹ một căn biệt thự ở Đà Nẵng, để bà đứng tên nhiều tài sản khác, đi du lịch đó đây, đứng tên làm giám đốc công ty của tôi. Tất cả là để bố mẹ tôi xin được visa Mỹ, vì dự định của tôi là sẽ bảo lãnh ông bà qua sống cùng. Nhưng mẹ đã không hiểu được những cố gắng của tôi.
- Chị nuôi dạy các con như thế nào trong khi bản thân chị vướng vào những chuyện rất phức tạp trong gia đình như ly hôn, kiện tụng, mẹ con mâu thuẫn…?
- Những sự việc xảy ra phần nào cũng ảnh hưởng đến các con vì tôi không có nhiều thời gian để luôn bên cạnh chăm sóc con. Nhưng tôi đã cố gắng lo cho các con điều kiện tốt nhất. Trước đây tôi cho các con theo học tại trường tư với chi phí đến 4.000 USD mỗi tháng. Nhưng 2 năm gần đây tôi buộc phải chuyển con sang trường công. Rất may do môi trường sống ở Mỹ khác ở Việt Nam nên các con không bị ảnh hưởng nhiều. Các con của tôi dường như nằm ngoài những giông bão mà bố mẹ chúng trải qua. Tôi sẽ cho con chúng tôi trưởng thành cùng với câu chuyện đau lòng này theo thời gian, tránh để chúng bị sốc khi được biết hết về nó sau này.
- Nếu được quay ngược lại thời gian làm lại tất cả chị mong muốn gì?
- Tôi chỉ ước rằng An chưa bao giờ hỏi cưới tôi. Bi kịch gia đình tôi cũng xuất phát từ đây.
Bình Nguyên thực hiện