Im lặng từ lúc bị chồng cũ khởi kiện tại TP HCM đòi khối tài sản lên đến 288 tỷ đồng đến nay, Ngọc Thúy đã trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Nhưng ít ai biết rằng trong lúc vụ kiện kéo dài ở Việt Nam thì bên Mỹ, cô và chồng cũ từng ra tòa thỏa thuận.
Ngày 26/8/2009, tòa án Mỹ đã chấp nhận đơn của cô, ban hành phán quyết giữ nguyên hiện trạng ly hôn và hủy bỏ toàn bộ phần chia tài sản cũng như cấp dưỡng nuôi con. Với phán quyết này thì phần thỏa thuận về tài sản trong vụ án vẫn chưa ngã ngũ và sẽ được đưa ra xét xử lại. Đó là lý do dẫn đến phiên tòa thứ 2 diễn ra tại San Jose vào ngày 7/12/2011.
Phiên hòa giải ở San Jose diễn ra từ 5/12/2011, tức 2 ngày trước phiên xử chính thức. Sau khi luật sư hai bên đưa ra các phương án hòa giải không thành, thẩm phán thụ lý đề xuất phương án với nội dung là mỗi người nhận từ khối tài sản chung tại Việt Nam 2 triệu USD, phần còn lại trên thực tế đưa vào công ty chung do hai người cùng quản lý để nuôi dưỡng hai con chung.
Ngọc Thúy nói, cô đồng ý với phương án này và mong muốn được thực hiện nhanh. Chồng cũ của cô lúc đầu cũng chấp nhận nhưng sau đó đề nghị đưa thêm vào điều kiện buộc phải kê khai chi tiết toàn bộ tài sản ở Việt Nam khiến tình hình trở nên căng thẳng. Ngọc Thúy cho rằng đó là lý do đẩy cuộc hòa giải vào ngõ cụt vì chồng cũ của cô chỉ muốn lợi dụng phiên xử này để thu thập chứng cứ về khối tài sản tranh chấp nhằm chống lại cô ở tòa án Việt Nam.
Tiếp theo đó, một sự cố hy hữu khiến việc thỏa thuận bị gián đoạn khi Ngọc Thúy phát hiện cô gái lạ mặt xuất hiện trong phòng hòa giải. Người này được giới thiệu là bạn của luật sư phía chồng cũ của cô, nhưng sau đó lại bất ngờ chặn cô ở ngay cửa tòa án và xin phỏng vấn. Chính vì sự cố này cùng với việc xuất hiện nhiều thông tin bất lợi sau đó, Ngọc Thúy đã được thẩm phán chấp nhận yêu cầu xét xử kín và niêm phong toàn bộ kết quả thỏa thuận đạt được.
Sau đó, thẩm phán cũng chấp nhận chuyển đổi phiên xử thành phiên hòa giải tiếp theo dựa trên sự thống nhất của hai bên đương sự. Và sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống” các điều kiện trước sự chứng kiến của thẩm phán, cuối cùng hai bên cũng đi đến ký kết một bản thỏa thuận có giá trị pháp lý vào ngày 7/12/2011.
Theo bản thỏa thuận trên, ông An giao một số tài sản ở Việt Nam cho Ngọc Thúy và tài sản này được coi là tiền cấp dưỡng nuôi con, tương đương 2 triệu USD cho đến khi hai con đủ 18 tuổi, nhưng kèm theo điều kiện cô không được đòi hỏi thêm bất cứ một khoản nào. Mặc dù theo luật pháp Mỹ, tiền cấp dưỡng có thể thay đổi theo thu nhập của người cấp dưỡng, theo hoàn cảnh và thời gian. Cô cũng phải từ chối vĩnh viễn quyền lợi đối với tài sản của chồng cũ ở Mỹ.
Để cụ thể hóa thỏa thuận, hai bên đồng ý Ngọc Thúy sẽ nhận 5 căn hộ ở TP HCM thay cho số tiền 2 triệu USD. Số tài sản thực tế còn lại ở Việt Nam được đưa vào một công ty chung phục vụ cho lợi ích của các con của họ sau này. Đồng thời, hai bên sẽ cùng lập một biên bản hòa giải thành tại tòa án Việt Nam với nội dung tương tự như bản thỏa thuận này. Và một điều khoản quan trọng khác ông An "đồng ý với thẩm quyền xét xử của bang California" (Mỹ).
“Tôi chỉ thực hiện đúng bản thỏa thuận ấy, tôi chỉ muốn nhận 5 căn hộ để có thu nhập trang trải cuộc sống của các con từ nay cho đến khi các bé lớn. Số tài sản còn lại ở Việt Nam sẽ được đưa vào một công ty chung để quản lý và dành cho các con sau này. Vậy mà dư luận lại chỉ trích và vẽ ra những thông tin méo mó, rằng tôi tham lam, muốn chiếm đoạt 288 tỷ đồng của ông An. Trong khi chính con số 288 tỷ cũng là một con số thổi phồng, chưa hề có sự xác nhận hay công nhận của tòa án”, cô nói.
Trên thực tế, nếu bản thỏa thuận này được hai bên nghiêm túc chấp hành thì vụ kiện ở TAND TP HCM có lẽ cũng không phải kéo dài đến hôm nay.
Cho rằng ông An đã cản trở thực hiện bản thỏa thuận đã ký tại tòa án Mỹ, ngày 9/12/2013, Ngọc Thúy đã nộp đơn tái khởi kiện và vụ án dự kiến được đưa ra xét xử vào ngày 14/3. Trong đơn kiện, Ngọc Thúy cho biết đã đề nghị tòa án Mỹ xem xét và phán quyết 5 vấn đề, trong đó có yêu cầu tòa án ra lệnh cho bị đơn hủy bỏ vụ án đang chờ xét xử tại TAND TP HCM và không được cản trở việc thực hiện bản thỏa thuận ngày 7/12/2011; ra lệnh cho bị đơn giữ nguyên hiện trạng một số tài sản ở Mỹ… và một số vấn đề cô cho rằng bị đơn đã vi phạm nghiêm trọng bản thỏa thuận.
Theo Thanh Niên