Làm mẹ đơn thân trên đất Mỹ, Ngọc Quyên cho biết từng phải xoay xở với loạt khó khăn nhưng cô chưa một lần chùn bước. Hiện tại, cô thấy thoải mái và tự do khi được theo đuổi điều mình muốn, tập trung sức lực cho công việc và con cái.
- Hiện tại, một ngày của hai mẹ con chị diễn ra như thế nào?
- Con cứ luân phiên ở nhà tôi một tuần, nhà bố một tuần trong suốt cả năm. Khi con về nhà tôi, một ngày cơ bản là 6h tôi sẽ thức dậy, gọi con lúc 7h để bé đánh răng, rửa mặt, ăn uống và đưa bé đến trường học. Sau đó, tôi đến cửa tiệm của mình làm việc. Tới 14h, tôi giao việc cho nhân viên, qua trường đón con và chuẩn bị nấu nướng. Những tuần con về nhà, tôi không ra cửa tiệm nhiều, dành thời gian chăm con. Nếu tới tiệm, tôi chủ yếu xử lý các công việc vòng ngoài, bốc dỡ hàng hóa, đi đưa đồ... vì nhân viên phải ở lại coi tiệm, tiếp khách.
Làm mẹ đơn thân nên tôi không dám mong chờ mình được rảnh rang như gia đình có cả vợ lẫn chồng, có người nhà giúp... Tôi làm việc phải theo lịch trình cụ thể, cái gì vượt ra khỏi lịch trình là không được. Tôi thường dồn công việc vào tuần vắng bé, tranh thủ làm hết tất cả mọi thứ.
- Ba năm làm mẹ đơn thân, chị gặp những khó khăn gì?
- Nước Mỹ nhìn xa hoa nhưng sống ở đây phải chịu áp lực rất lớn. Bởi đất nước đã phát triển, có rất nhiều khoản cần chi và vô số loại bảo hiểm cần đóng. Bạn kiếm được đồng lương mấy ngàn USD thì sau đó bạn chỉ còn dư vài trăm USD để chi trả cho cuộc sống. Vì vậy, người ta chỉ sống sung sướng ở Mỹ khi có gia đình, có anh em hỗ trợ.
Còn làm mẹ đơn thân, không có gia đình là quá cực, đặc biệt khi phải vừa nuôi con vừa kiếm tiền. Lúc ly hôn xong, tôi một mình trả thuế đất, tiền bảo hiểm xe, bảo hiểm nhà, bảo hiểm cho con, tiền điện, nước, gas... Hóa đơn bay về như bươm bướm đến nỗi tôi không dám nhìn.
Nhà tôi ở đã mua đứt nhưng mỗi năm phải trả gần 10.000 USD thuế đất nên tôi bắt buộc phải có công việc mới giữ được nhà. Còn tiền học cho con đã được chính phủ tài trợ toàn bộ.
Có con nhỏ, đôi lúc tôi bị mất khách vì chậm giải quyết việc hoặc khiến người ta phải chờ đợi mình tư vấn. Còn lại, đa số khách hiểu và thông cảm. Nhưng tôi vẫn thấy ngại nên bây giờ gần như không ra tiệm, chủ yếu giải quyết các công việc vòng ngoài, để nhân viên trông tiệm.
Và điều cực nhất là tôi không có thời gian dành cho bản thân. Từ khi có con, tôi gần như khác hoàn toàn. Tôi sống tĩnh lặng hơn, không mấy khi tiếp xúc bạn bè, chỉ tập trung vào gia đình. Từ chối lời mời của bạn bè vì nhiều lý do. Đầu tiên là vì buổi tối, hai mẹ con mới có thời gian bên nhau nhiều; tiếp theo là bởi dịch bệnh phức tạp nên tôi cũng không muốn dẫn con đến chỗ đông người; điều nữa là nhiều khi hai mẹ con mới đi chút xíu mà con đòi về là tôi phải về... Nếu bạn rủ tới chỗ có bia rượu, tôi không đưa con tới được vì chỗ đó không phục vụ người dưới 18 tuổi. Vì thế, lâu dần người ta cũng ít rủ mình đi nữa.
Một điều khác là tôi bị khó ngủ. Tôi cho con ngủ lúc 20h, còn tôi cứ trằn trọc đến 0h vì tâm lý không yên, sợ dậy trễ. Đến tầm 1h, khi đã mệt mỏi rã người, tôi mới bắt đầu ngủ được chút xíu mà 6h đã lại phải dậy để bắt đầu ngày mới.
- Chị đã giải quyết những khó khăn, áp lực đó như thế nào?
- Lúc đầu, tôi gặp khủng hoảng do chưa biết sắp xếp thời gian. Mọi chuyện rối tung và tôi cứ phải chạy tới chạy lui. Tôi căng thẳng vì hóa đơn, giấy tờ, không biết chi trả thế nào. Vì vậy, tôi phải học cách trả hóa đơn rất nhanh và tốn thêm tiền để người khác dạy mình. Tôi cũng thuê người lo tất cả mọi thứ về thuế má cho mình ở tiệm, còn bây giờ tôi đã biết cách làm.
Hồi đó, nhiều khi tôi mệt quá, cáu nhưng phải kìm cơn nóng giận xuống. Chưa kể, tôi phải ra tòa để giải quyết các thủ tục ly hôn, nuôi con. Áp lực đè áp lực, chịu không nổi.
Cuối cùng, chúng tôi cùng san sẻ nghĩa vụ, trách nhiệm nuôi con, chồng cũ hỗ trợ một ít về tiền bạc.
- Những lúc mệt mỏi như thế, chị xốc tinh thần bằng cách nào?
- Tôi xốc lại tinh thần bằng cách mặc kệ, nghĩa là cứ gục ngã, tôi lại đứng dậy. Cái gì khó, tôi quyết liền và giải quyết rất nhanh. Trong vòng một ngày, tôi sẽ phải tìm bằng được cách giải quyết. Nhưng cũng có những sự vụ tôi mất hai, ba ngày để xử lý xong, chẳng hạn như giải quyết thủ tục, kiện tụng ngoài toà hoặc lâu hơn là cả tuần lễ như tuyển nhân sự. Trong công việc cũng vậy, tôi ráng nhanh nhất có thể để giải quyết công việc. Mọi chuyện tới đâu, tôi lo tới đó, không sợ gì hết.
Nhờ thế, tôi vượt căng thẳng, không để ý đến các tiểu tiết và không có thời gian để buồn nữa. Tôi lướt qua tổn thương rất nhanh vì có quá nhiều cái phải lo. Tôi không còn để ý tới chuyện đã ly dị, không coi nó quan trọng nữa mà chỉ nghĩ làm sao để có thể tiếp tục sống ở đây, làm gì để tương lai tốt đẹp.
Sau khoảng ba, bốn tháng làm việc liên tục, chăm con, tôi sẽ đi nghỉ một lần vì nếu làm nữa, tôi bị căng thẳng, não như ngủ đông vì mệt, không làm nổi việc gì.
- Nhiều mẹ đơn thân từng chia sẻ ngoài khó khăn, họ còn có những điều thú vị, tuyệt vời. Với chị thì sao?
- Bây giờ, tôi được sống thoải mái, không phải ngó trước ngó sau. Tôi chỉ cần chịu trách nhiệm với con tôi, công việc, còn những cái khác tôi từ chối thẳng.
Làm mẹ đơn thân, tôi được tự do muốn làm gì thì làm, đi chơi đâu đó dù một mình cũng cảm thấy thoải mái hơn; muốn gặp người nào thì gặp mà không cần để ý xem ai thích hay không thích; ăn uống cùng bạn bè trong những tuần vắng con. Bởi nếu có thêm một người trong nhà, tôi sẽ phải lo lắng về người đó nữa, để ý cảm xúc xem người ta vui hay buồn, rằng mình có làm tròn bổn phận không...
- Bước qua đổ vỡ hôn nhân, gây dựng được sự nghiệp trên đất Mỹ và có con ngoan, chị nói gì với những bà mẹ đơn thân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn?
- Tôi thấy ở Mỹ, các bà mẹ sau ly hôn sẽ là một con người hoàn toàn khác. Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ chị em nên tìm nhiều công việc và luôn tiếp tục với cuộc sống của mình. Những gì đã diễn ra không cách nào thay đổi được nhưng mình luôn có thể khiến tương lai tốt hơn. Vì vậy, các chị em đừng giày vò bản thân, trăn trở mình đã làm sai điều gì để cho gia đình tan vỡ. Sự chia ly trong quan hệ vợ chồng đến từ hai phía, bạn không thể tự nhận hết trách nhiệm về mình. Không có gì là mãi mãi. Bạn sai, họ cũng sai và nhiều nguyên nhân của cuộc sống khiến hôn nhân không còn trọn vẹn. Lỗi lầm chỉ là các bài học để mình lớn hơn và bạn cần gạt điều đó qua một bên để tiếp tục xây dựng cái mới. Đừng cầm, nắm nỗi buồn vào người vì nếu nỗi buồn quá lớn, làm sao bạn vượt qua?
Nếu như ai hỏi về chuyện cũ, tôi chỉ đang chia sẻ trải nghiệm, chứ hôn nhân tan vỡ không còn là nỗi buồn của tôi nữa, để các chị em khác biết được họ phải làm gì cho cuộc sống và về sau không vướng vào những vấn đề đó.
Một tình trạng khác tôi gặp là nhiều người sau khi ly dị, quen hết người này tới người kia và đánh giá đàn ông không tốt. Tôi nghĩ thay vì như vậy, bạn phải để bản thân chậm một nhịp, xem xét sẽ làm gì tiếp theo và thời gian tự động đưa người tốt đến cho bạn. Nếu yêu mình, người ta sẽ ở bên cạnh lo lắng cho mình. Thời gian sẽ giúp bạn nhìn rõ, biết được ai là mảnh ghép hoàn hảo với mình.
Ngọc Quyên sinh năm 1988, vào nghề người mẫu từ năm 16 tuổi. Cô từng góp mặt trong một số phim như Tuyết nhiệt đới, Hoa dã quỳ, Có lẽ nào ta yêu nhau, Mẹ chồng, Mỹ nhân kế... Hiện, cô sống tại bang California, Mỹ, có một con trai con trai tên Jiraiya (sáu tuổi). Người đẹp việc kinh doanh áo dài và các sản phẩm may mặc.
Hằng Trần thực hiện
Ảnh: NVCC