Sau khi chính thức ly hôn chồng cũ, bác sĩ Richard Lê, hồi tháng 4, Ngọc Quyên hiện ở cùng con trai, một mình xoay xở cuộc sống bận rộn nhưng hạnh phúc trên đất Mỹ. Cựu người mẫu tâm sự, đứng vững sau biến cố hôn nhân không khó nhưng tạo dựng tương lai tốt đẹp cho bản thân và bé Jiraiya đòi hỏi nhiều nỗ lực và thời gian. Bình thản nói về chuyện đã qua, Ngọc Quyên hiện không còn buồn mà thầm cảm ơn chồng cũ đã mang đến những điều tốt đẹp trong thời gian chung sống.
"Phụ nữ có con là có tất cả", Ngọc Quyên tâm sự. Bà mẹ người mẫu cho biết bé Jiraiya là món quà quý cô có được sau biến cố hôn nhân. Những lúc mệt mỏi hay tủi thân, Ngọc Quyên bật khóc thì cậu con trai ba tuổi lại gần ôm, hôn và khẽ thì thầm lời yêu mẹ.
Cuộc sống bận rộn nhưng hạnh phúc
- Một ngày của mẹ con Ngọc Quyên diễn ra thế nào?
- Tôi có thời gian biểu cố định, mỗi ngày đều lặp lại các công việc giống nhau. Bình thường, tôi thức dậy lúc 7h, làm bữa sáng cho con, đưa bé đến trường rồi ra cửa tiệm. Hầu hết quỹ thời gian ban ngày tôi dành cho việc buôn bán, đến 16h-17h thì đón bé rồi hai mẹ con về nhà. Việc đưa đón bé khá mất công bởi ngoài lớp học vẽ, ca hát ở trường, Jiraiya còn có buổi luyện nói tại nhà. Buổi tối tôi gần như gác lại công việc, chỉ livestream một tiếng sau đó ăn uống, vui chơi cùng con.
Jiraiya hơi chậm nói, nguyên nhân có thể đến từ việc bố mẹ nói hai ngôn ngữ khác nhau hoặc thường xuyên sử dụng Ipad. Vậy nên sau bữa ăn, tôi tắt tivi, điện thoại để hai mẹ con có thời gian trò chuyện. Tôi bày các trò vui cho con chơi, cố gắng kiên nhẫn dù đôi lúc bé buồn chán và la hét vì không được giải trí bằng Ipad. Nói chung là mệt lắm vì bé rất quậy, nhưng phải cố thôi, tôi không muốn con mình bị tự kỷ.
- Tại sao chị không thuê người trông con mà cố gắng một mình xoay xở?
- Lúc sống cùng ông xã, tôi có chị chồng phụ chăm bé. Khi chúng tôi chia tay, chị vẫn giúp gần ba tháng sau cho đến khi tôi cảm thấy không còn phù hợp mới để chị nghỉ. Tôi phát hiện khi có người trông bé, tôi ít dành thời gian hay không chủ động chơi cùng con. Điều này khiến Jiraiya buồn, cả ngày quanh quẩn với chiếc điện thoại nên ít nói.
Khi ổn định lại cuộc sống, tôi xác định Jiraiya là quan trọng nhất nên làm gì cũng phải ưu tiên con. Tôi tự mình chăm Jiraiya, hai mẹ con quanh quẩn cùng ăn, cùng chơi tuy vất vả nhưng hạnh phúc. Ban ngày Jiraiya đi học thì tôi đi làm. Buổi tối lúc mẹ livestream, con trai tha thẩn chơi bên cạnh. Thứ Bảy và Chủ nhật tôi đóng cửa tiệm đưa bé đi chơi. Tôi muốn con được tiếp xúc nhiều hơn với bên ngoài, cải thiện giao tiếp và phát triển các kỹ năng cần thiết.
- Vậy đâu là thời gian chị dành cho các nhu cầu cá nhân?
- Tôi kinh doanh qua mạng các sản phẩm làm đẹp nên những lúc tương tác với khách hàng cũng có thể tranh thủ tập thể dục, chăm sóc da. Ngoài ra ở thời điểm này tôi không có thú vui nào ngoài kiếm tiền bởi xét thấy bây giờ thấy có tiền là sướng nhất (cười).
Nhiều lúc đi làm về rồi chăm con, tôi mệt rã rời, chỉ muốn tắm rửa rồi đi ngủ. Chẳng có thời gian gặp gỡ bạn bè, thậm chí đôi lần được mời đi dự tiệc tôi còn bỏ về giữa buổi. Nhưng tôi hài lòng với cuộc sống này lắm, bởi sự bận rộn khiến tôi chẳng còn thời gian mà buồn. Cứ ngày ra tiệm làm rồi tối về với con, cuộc sống được lập trình sẵn như vậy sẽ không khiến mình bị rối trí bởi những điều nhỏ nhặt.
- Chồng cũ làm gì để chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cùng chị?
- Hiện anh vẫn chu cấp đều đặn cho Jiraiya và trông bé vài buổi trong tuần.
Số tiền ba của Jiraiya cho bé, tôi lập một tài khoản riêng, để dành lo cho con trong tương lai. Bây giờ tôi vẫn kiếm được tiền, đủ trang trải cuộc sống cho hai mẹ con nên chưa dùng tới khoản đó. Những buổi Jiraiya ở cùng ba, tôi thảnh thơi hơn nên tranh thủ tập trung cho công việc. Tôi cố gắng xây dựng cho mình một nguồn tài chính tốt để dù xảy ra điều gì cũng không rơi vào hoàn cảnh thụ động.
Chúng tôi thỉnh thoảng trao đổi các vấn đề liên quan đến Jiraiya qua tin nhắn. Thường thì tôi tự quyết chuyện cho con đi học hay tham gia các chương trình rồi thông báo với anh. Kể từ lúc chia tay, tôi chủ động nhiều hơn trong việc nuôi dạy con. Trước đó tôi và ông xã có những quan điểm khác nhau về chuyện giáo dục bé.
Cách đây một tháng, tôi tự quyết cho con đi học bởi muốn bé có bạn bè, được đến trường học hát, học múa. Tôi cũng chủ động đưa bé đi làm bài kiểm tra để nhận chương trình hỗ trợ luyện nói miễn phí tại nhà của chính phủ. Ông xã tôi không thích những thứ miễn phí, anh nói như vậy rất kỳ. Tôi thì không quan tâm, tôi chỉ muốn dành cho con những gì mà tôi nghĩ là tốt nhất với bé.
'Phụ nữ không ỷ lại sẽ bớt khổ'
- Thu nhập từ việc kinh doanh online mang đến chị cuộc sống thế nào trên đất Mỹ?
- Cũng được lắm, vì tôi rất siêng. Có thời điểm một mình tôi làm bằng 4, 5 người. Tôi chăm sóc khách hàng tận tình, nói chuyện thật thà nên người này giới thiệu người kia. Lâu dần công việc vào guồng, tôi mở được cửa tiệm rồi duy trì bán qua mạng nên có nguồn thu nhập ổn định.
Tôi không yêu cầu nhiều ở bản thân nên hài lòng với mức sống hiện tại. Ở xứ này, có nhà, có xe và công việc ổn định là "ok" lắm rồi.
- Chỉ mới qua Mỹ vài năm và chính thức ly hôn chưa lâu. Điều gì giúp chị ổn định nhanh đến vậy?
- Từ lúc con trai được hai tháng tuổi, tôi đã bắt đầu kinh doanh online. Lúc đó khó khăn lắm, tôi chẳng biết gì cả, phải tự học hỏi, tìm hiểu. Chính ông xã là người giúp đỡ tôi, chỉ cho tôi về luật pháp cũng như các thủ tục cần thiết. Những khi thấy tôi cực quá mà chẳng kiếm được mấy đồng, anh ấy khuyên tôi nghỉ nhưng tôi nhất định không chịu.
Sống cùng chồng, tôi được anh bao bọc hoàn toàn về tài chính, không thiếu thốn gì cả. Nhưng anh và tôi đều không thích phụ nữ có suy nghĩ ỷ lại nên tôi chủ động lên kế hoạch xây dựng sự nghiệp riêng. Thật may mắn, khi hôn nhân đổ vỡ thì công việc chính là cái phao cho tôi. Nghĩ lại nếu lúc này mới loay hoay tìm lối đi chắc tôi không làm nổi.
Ba của Jiraiya rời khỏi nhưng vẫn lo cho hai mẹ con đầy đủ nhà, xe. Chi phí sinh hoạt khác ở Mỹ cũng không quá đắt đỏ nên tôi dễ dàng xoay xở.
- Những lúc cần sự giúp đỡ, chị thường tìm đến ai?
- Tôi có một chị họ ở Mỹ nhưng cách xa, chỉ thỉnh thoảng điện thoại hỏi thăm, tâm sự.
Khu mẹ con tôi sống tập trung nhiều người Việt, họ thấy tôi một thân một mình trên đất khách nên rất thương. Có điều gì không biết, tôi chẳng ngại hỏi. Họ cũng đáp lại bằng sự nhiệt tình đến mức khiến tôi cảm động.
Khi phát hiện Jiraiya chậm nói, tôi đưa con tới khám tại một bác sĩ người Việt và bác cũng hướng dẫn tôi đăng ký chương trình luyện nói miễn phí của chính phủ. Kể cả chuyện kinh doanh, nhiều người không thân quen cũng chỉ tôi cách chuyển hàng, xử lý hàng khi bị lạc. Tôi thấy mình may mắn bởi được giúp đỡ tại đất nước lạ lẫm về văn hóa, ngôn ngữ. Còn ông xã, kể từ sau khi ly hôn, tôi không nhờ vả hay làm phiền anh điều gì.
- Nghe chị nói như thể không mệt mỏi trước bất cứ điều gì, kể cả việc mưu sinh nơi đất khách và nuôi con một mình?
- À, nhiều khi "đuối" lắm chứ. Có hôm thấy mình quần quật cả ngày cực quá nên tối về khóc với bạn hoặc than vãn cùng mẹ. Sau đó bình tĩnh lại, nghĩ: mình chẳng thể làm gì khác ngoài cố gắng nên tiếp tục cố. May có đứa con lúc nào cũng ở nhà chờ mình về nên thấy được an ủi. Hoàn cảnh hiện tại của tôi không có nhiều lựa chọn, ngoài mạnh mẽ, chẳng có cách nào khác để sống tốt hơn.
Jiraiya là chỗ dựa cho tôi, cũng là động lực để tôi nỗ lực không ngừng nghỉ. Bé chưa nói được nhiều nhưng rất tình cảm, những lúc thấy mẹ khóc sẽ đến bên ôm, hôn hoặc hỏi "What happened?" (tạm dịch: Mẹ có chuyện gì vậy?) rồi nói "I love you" (Con yêu mẹ).
Tôi đang bảo lãnh mẹ qua ở cùng. Có mẹ, có người động viên, chắc sẽ đỡ hơn.
- Chị thấy mình thay đổi thế nào sau đổ vỡ hôn nhân?
- Tôi không thay đổi gì sau khi ly hôn, từ nhỏ đã độc lập và chủ động xoay xở mọi việc.
Tôi chỉ thay đổi nhiều từ lúc sinh Jiraiya. Trước đây tôi ham chơi, hay gặp gỡ và giao lưu bạn bè còn khi làm mẹ bỗng trở thành người yêu thích sự yên tĩnh, muốn ở nhà quanh quẩn bên con, lảng tránh tiệc tùng, các buổi tụ tập.
Lam Trà thực hiện