- Đã giã từ công việc của một MC và không còn hoạt động trong showbiz Việt, đối với chị việc xây dựng hình ảnh, tạo dựng phong cách còn thực sự quan trọng?
- Phong cách cá nhân đối với tôi chưa bao giờ là thứ yếu, khi còn hoạt động trong showbiz Việt, việc tạo dựng hình ảnh và phong cách thời trang là một yêu cầu tất yếu của nghề nghiệp. Xét theo khía cạnh đó, việc tạo điều kiện cho công chúng chú ý, ngắm và đánh giá về phong cách thời trang của một celeb - người của công chúng là một phần của chiến lược xây dựng và phát triển hình ảnh.
Tuy nhiên phong cách thời trang còn thể hiện cá tính, mà dấu ấn cá nhân thì đi theo mình suốt cả cuộc đời, cho nên dù ở bên trong hay bên ngoài showbiz tôi vẫn luôn quan tâm cách ăn mặc, giữ chất riêng của mình. Tất nhiên trang phục hiện tại sẽ theo hướng tối giản, quần áo không còn quá câu nệ tới khía cạnh độc đáo, nổi bật và đột phá như trước đây.
- Công việc chính của chị tại Mỹ bây giờ là gì?
- Cuộc sống luôn đem lại cho bạn sự bất ngờ, sau khi học xong về nghề kinh doanh thời trang, tôi những tưởng mình sẽ quay lại Việt nam làm việc thì cơ duyên cho tôi gặp ông xã của mình, người đang duy trì xưởng sản xuất rượu nho của gia đình. Gia đình chồng tôi đã làm công việc này từ lâu rồi, tới chúng tôi là thế hệ thứ 3. Là thành viên mới nên tôi đương nhiên phải học hỏi thêm về rượu vang, cách phân biệt các loại nho và quy trình sản xuất rượu.
Thêm vào đó tôi nhận phụ trách khu trưng bày và bán quà tặng lưu niệm trong phòng thử rượu - Tasting Room. Thực chất nó vẫn là công việc của một buyer, nhưng thay vì quần áo thời trang tôi lại tìm các mặt hàng lưu niệm liên hệ với sản phẩm chính là rượu vang với để bày bán tại đó. Cơ hội mới cho tôi tiếp tục được học hỏi về văn hoá rượu vang và thưởng thức cuộc sống trang trại êm đềm gần gũi với thiên nhiên.
Bây giờ, tôi sống cho mình nhiều hơn, khi làm truyền hình tôi như con thoi, luôn tất bật và vội vàng, ngày xưa tôi không có thời gian để thở, gian bếp rất ít khi dùng vì thực sự không có thời gian. Nay gian bếp là một thiên đường mới nơi tôi tập nấu các món ăn và thử phối hợp món ăn với nhiều loại rượu vang khác nhau. Khi sống chậm lại, tôi có nhiều thời gian cho bản thân, sống ung dung tự tại.
- Với chị đâu là yếu tố quan trọng để giúp mình thay đổi cuộc sống và tìm đến những niềm vui mới?
- Cuối năm 2010, ở ngưỡng 34 tuổi tôi quyết định đi học lại, trở lại với tất cả khó khăn của việc xa xứ, ở nhà thuê, đi xe buýt, phải học lại toán, học lại Anh văn… rồi thêm vào đó là sức ỳ của bản thân và định kiến của xã hội. Ở thời điểm ấy có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Họ nói tôi trốn chạy, nói tôi là người bạc bẽo, người khác lại cho rằng đó là lựa chọn đúng. Sự đời là thế, đắn đo mãi rồi tôi đi đến một quyết định cuối cùng là chính tôi chứ không ai khác phải sống cuộc sống của chính mình.
Tôi không chọn cách ở lại để trở thành người níu kéo quá khứ, khi xách va li đi tôi muốn quay trở lại với một Ngọc Khánh mới, cuộc sống mang đến khúc ngoặt thì nên can đảm bước tiếp, dám sống và dám làm.
Khi quyết định du học tôi đi với tâm thức: đi là để trở về. Nay sự trở về có ý nghĩa rộng hơn: “về” không phải ở hẳn để sinh sống, nhưng cách trở về có thể hiểu là “về” với công việc từ thiện, về tìm những sản phẩm Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài, về với những ý tưởng mới để cộng tác thực hiện cùng những người bạn trong nước.
Cân nhắc kỹ, quyết đoán và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình là kim chỉ nam cho tôi trong việc thay đổi hoàn cảnh sống.
- Dám làm và dám quyết định là điều chị thể hiện để có được thành công trong công việc, còn trong chuyện tình cảm điều gì giúp chị có được sự ngọt ngào trong cuộc sống?
- Tôi tin vào cơ duyên trong cuộc sống, bên cạnh đó quan trọng hơn cả với tôi là phải sống cho hết mình, để đến thời điểm nếu không còn đi cùng với nhau trên một con đường ta vẫn có được cảm nhận đã làm tất cả những gì có thể. Với tôi để có được hạnh phúc trong cuộc sống cần trung thực và thẳng thắn, sự hy sinh từ hai phía để vun đắp mối quan hệ và hơn hết là vui với những gì mình có.
- Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về phong cách thời trang của bản thân ở thời điểm hiện tại?
- Cũng như nhiều phụ nữ khác, tôi nhiều khi dễ nhẹ dạ và đi lạc lối vì các mốt mới, chung quy cũng vì mình yêu thời trang nên dễ bị cuốn hút theo trào lưu và thiết kế thời thượng. Những khi điều đó xảy ra, việc đưa tôi trở lại “chính mình” là việc tuân thủ hai điểm mấu chốt là “lý tính” và “cảm tính” trong việc chọn lựa trang phục.
Lý tính là dựa trên thể hình bản thân thế nào, vóc dáng béo gầy ra sao và sắc diện của làn da có phù hợp với sắc màu và họa tiết của các loại trang phục. Ví dụ tôi biết thể trạng của mình chẳng phải “yếu liễu đào tơ” nên tôi chọn trang phục phù hợp một người năng động và hiện đại, là người có chiều cao nên tôi hiếm khi chọn trang phục quá ngắn, vì trông mình sẽ khá lênh khênh, hơn nữa nó không thực sự hợp với độ tuổi.
Tô thường mặc theo cảm tính, chiều theo cảm xúc vui buồn và chọn trang phục theo tiết trời cũng như từng điểm đến. Điều quan trọng nhất là nhìn vào trong gương tôi thấy đó là chính mình chứ không phải một ai khác. Thật ra trong quá khứ hay bây giờ tôi vẫn lựa chọn những trang phục theo tiêu chí phù hợp với bản thân, “elegant, simple but chic” - thanh lịch, tối giản nhưng đôi khi phá cách có chọn lựa là phong cách thời trang cá nhân của tôi.
- Mặc đẹp là mặc cho mình và chiều theo cảm xúc cá nhân, chị suy nghĩ vào về quan điểm trên?
- Đúng vậy, theo tôi hãy để trang phục mang đến cho bản thân sự thoải mái và phản ánh đúng cảm xúc nơi bạn. Mình không hẳn nổi loạn nhưng dám phá cách mạnh mẽ thể hiện cái tôi thay vì tạo dựng nên hình ảnh tròn trịa dễ nhận được sự đồng cảm công chúng và theo nhu cầu công việc như trước đây. Tôi đã đến ngưỡng để cảm nhận được mình cần gì và muốn gì. Bạn không nhất thiết thể hiện mình là một phần nào đó của trào lưu mới, hãy cập nhật những chuyển động của thời trang nhưng chọn lọc những gì thực sự hợp với bản thân.
- Đối với chị thương hiệu có tầm quan trọng thế nào trong việc tạo dựng phong cách cho phái đẹp?
- Thời gian trước đây tôi có cơ hội làm việc với nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng, việc theo học chuyên ngành Fashion Merchandising giúp tôi hiểu thêm về giá trị của thương hiệu thời trang. Mỗi thương hiệu đều có những lịch sử và dấu ấn riêng, đằng sau mỗi sản phẩm đều có một câu chuyện thú vị. Hơn hết hàng hiệu cho bạn những trải nghiệm về chất liệu độc đáo, kỹ thuật cắt may tuyệt hảo và cả cảm xúc về việc sở hữu những món đồ “độc quyền” sản xuất với số lượng giới hạn. Ngay cả cách marketing của sản phẩm hàng hiệu cũng rất độc đáo, đôi khi mang khách hàng của họ đến cảnh giới của những giấc mơ.
Thế nhưng ngay cả khi tôi trân trọng sáng tạo của các nhà thiết kế, thẳng thắn mà nói không phải tất cả đồ hiệu đều đẹp và phù hợp với tất cả mọi người. Với tôi, cái đẹp ở đây là sự hòa hợp giữa trang phục, cá tính và hình thể riêng của mỗi người, nó là sự đồng điệu và hợp nhất. Điều này lý giải cùng một bộ trang phục có người mặc rất đẹp, nhưng cũng với bộ váy đó khoác lên người khác thì lại áo đi đằng áo người đi đằng người.
- Nhiều người đẹp Việt chọn hàng hiệu để tạo dấu ấn về hình ảnh, suy nghĩ của chị thế nào về quan điểm hàng hiệu góp phần nâng tầm đẳng cấp?
- Đẳng cấp là có chứ, nó chứng tỏ được bạn có khả năng về mặt tài chính vì sử dụng đồ hiệu “chính hãng”, đó không phải là cuộc chơi cho tất cả mọi người, hơn nữa với chất liệu độc đáo và kỹ thuật cắt tuyệt hảo bộ trang phục hàng hiệu sẽ tôn vóc dáng và đem lại sự tự tin cho người mặc.
Về mặt xây dựng chiến lược hình ảnh thì không sai, ngày nay nghệ sĩ không chỉ sống bằng nghề nghiệp chính – lao động nghệ thuật. Bên cạnh đó còn có cả những hợp đồng quảng cáo, khai thác hình ảnh. Rất có thể đây là cách ý nhị để đưa ra một thông điệp về cát-xê. Các cá nhân hay tổ chức kinh doanh khi nhìn thấy mặt bằng chi tiêu của celeb sẽ tự rút ra mức ngân sách dự tính cho mà công ty nếu muốn sử dụng hình ảnh của celeb đó. Với các nghệ sĩ làm việc có cả một ê kíp hỗ trợ và hoạch định phát triển sự nghiệp, khi đó người nghệ sĩ sẽ là một mắt xích của công nghệ ngôi sao.
Theo quan sát của tôi, ngay cả những ngôi sao nổi tiếng trên thế giới, khi xuất hiện trên thảm đỏ sự kiện quan trọng họ rất lộng lẫy, nhưng ngoài đời họ rất bình thường, mặc đẹp là mặc phù hợp chứ không hẳn là sự phô trương. Có câu ngạn ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu”, đẳng cấp của một ngôi sao không phụ thuộc vào cái túi mà họ đang xách.
Chia sẻ thêm điều mà cá nhân tôi khá tâm đắc về quan niệm lựa chọn trang phục: đó là tiêu dùng một cách ý thức. Thay vì chăm chăm chạy theo các mốt thời thượng, tiêu thụ các sản phẩm fast fashion được làm ra hàng loạt với mức giá phải chăng, ta nên chọn những bộ đồ có giá trị lâu dài. Đồ đẹp không chỉ mang tính thời thượng mà còn nằm ở khía cạnh, người mặc nhìn thấy cảm nhận tình yêu, sự đam mê và chăm chút cho sản phẩm của người thiết kế thay vì sản phẩm được ra lò như những con cừu nhân bản.
- Đó là góc nhìn của chị về hàng hiệu còn đối với làng thời trang trong nước, sản phẩm của nhà thiết kế nào chiếm được cảm tình của chị?
- Thời trang Việt đang trên đường phát triển, tôi rất khâm phục các nhà thiết kế Việt, họ thực sự là những người đầy đam mê, giàu sáng tạo và chịu khó học hỏi, trong đó có nữ thiết kế Li Lam. Tôi biết Lam từ khi cô ấy chưa phải là nhà thiết kế thời trang, mến nhau về sự quyết liệt cho sự chọn lựa và sống chết với đam mê về thời trang của cô ấy. Sản phẩm của Li Lam cho tôi thấy tình yêu của cô trong việc sáng tạo, đặc biệt nhất là chất nữ tính và bay bổng trong thiết kế, khi mặc nó tôi thấy mình thật “đàn bà”.
- Chị có chia sẻ về chuyên ngành mình theo học tại Mỹ, tại sao lại là kinh doanh thời trang mà không phải một ngành nghề nào khác?
- Một phần vì tôi yêu thời trang và thấy công việc kinh doanh thời trang rất hấp dẫn, với nhiều người thời trang chỉ được nhìn ở mặt bề nổi - sự bắt mắt của những mẫu thiết kế mới, nhưng tôi lại bị thu hút ở câu chuyện kinh doanh và ứng dụng đằng sau nó. Đó là câu chuyện về thời trang phục vụ cho cuộc sống và đem lại lợi nhuận kinh doanh chứ không đơn giản ở việc chiêm ngưỡng, thưởng thức sáng tạo đơn thuần.
Những buyer chuyên nghiệp – người giữ vị trí rất quan trọng cho những trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm của nước ngoài. Buyer là người sẽ đi đến các hội chợ thời trang, fashion week để xem xu hướng mới và tìm kiếm những món đồ hợp xu hướng và có thể phục vụ cho số đông để quyết định đặt hàng và bày bán tại các trung tâm mua sắm. Để trở thành một buyer chuyên nghiệp, bạn phải học về chất liệu vải, học về xu hướng thời trang, kinh tế và cả lịch sử bởi mỗi thị trường lại có những đặc điểm riêng về địa lý và tâm lý người tiêu dùng và cách tính và quyết định giá mua và giá bán sản phẩm.
Chuyên ngành tôi học còn chưa phổ biến ở Việt Nam, cơ bản thị trường tiêu thụ còn nhỏ. Brand manager hay owner đôi khi kiêm nhiệm luôn việc buyer, hay đơn thuần cửa hàng tại Việt nam chỉ phân phối sản phẩm đã được lựa chọn bởi chi nhánh vùng hoặc công ty mẹ nước ngoài.
Nhưng với những thương hiệu cao cấp như: Chanel, LV, Bulgari, Chloe, Dior cho đến trung cấp như: BCBG, Topshop, Gap, Mango… tại Việt Nam tôi tin rằng đã và sẽ hình thành nhu cầu cho nghề này.
Duy Khánh thực hiện