Đã nhiều năm qua, ngoài chương trình Táo quân vào dịp Tết, Quốc Khánh ít nhận lời tham gia đóng phim truyền hình và điện ảnh, bởi anh quá bận rộn với công việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Tuy nhiên, sắp tới, khán giả sẽ được gặp lại anh trong vai trưởng thôn có tính tình khù khờ nhưng lại tốt bụng trong phim Bão qua làng. Bộ phim dài 30 tập, phát sóng vào lúc 20h30 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trên VTV1, bắt đầu từ ngày 24/7.
Quốc Khánh chia sẻ, lý do anh vắng bóng trên màn ảnh là bởi việc quay phim truyền hình kéo dài liên tục vài tháng trời, trong khi anh vẫn phải làm tròn nhiệm vụ của cơ quan. Cũng vì sợ ảnh hưởng đến đoàn phim nên dù được nhiều đạo diễn mời mọc, anh đành tiếc nuối từ chối. Với Bão về làng, anh vui vẻ nhận lời vì yêu quý ê kíp gồm những đồng nghiệp thân thiết của anh: đạo diễn Trần Quốc Trọng, Lê Mạnh, dàn diễn viên NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Công Lý, NSƯT Hán Văn Tình, Phú Đôn, Quang Thắng... Anh nói: "Chúng tôi hiểu ý nhau nên làm việc rất thoải mái. Thậm chí khi đạo diễn chưa hài lòng về diễn xuất của tôi, anh ấy cũng nhận xét bằng cách bông đùa chứ không gay gắt. Bản thân tôi cũng chỉ cần quan sát mọi người là biết mình phải làm gì. Chúng tôi chỉ nghiêm túc trước ống kính, còn mỗi lần kết thúc cảnh quay, ai cũng cười nói vô tư".
Trong Bão về làng, Quốc Khánh đóng vai Lộc, một nhà báo nửa mùa, chuyên nhận sửa chữa vặt miễn phí cho dân làng. Vợ bỏ đi nước ngoài, Lộc sống với người cha già 80 tuổi. Anh tốt bụng, thương người nhưng tính gàn gở và hay lẩn thẩn làm thơ. Cũng nhờ bản tính thật thà mà Lộc đã trúng cử chức trưởng thôn trong cuộc vận động. Đảm nhận chức vụ quan trọng, dù phải đương đầu với muôn trở ngại, từ việc người dân bán đất đến chuyện tệ nạn nhưng Lộc không ngại giúp bà con. Anh cũng là người hóa giải được những mâu thuẫn trong làng và được bà con tín nhiệm. Cách Lộc làm trưởng thôn cũng rất khác biệt với người tiền nhiệm trước đây: không nhận quà biết, dù chỉ là chục trứng, con gà, cân đường.
So với nhiều nhân vật trong các phim về nông thôn, vai trưởng thôn Lộc của Quốc Khánh không có nhiều điểm mới lạ. Khi được hỏi về sự lặp lại về hình ảnh, anh cho rằng, khi nhận lời đóng bất cứ vai diễn nào, anh cũng cố gắng kéo nhân vật trở nên gần gũi với bản thân. "Nếu cứ đóng khung mãi trong một hình mẫu thì khán giả thấy nhàm, thậm chí nhìn mặt là muốn tắt tivi. Thế nhưng, vai Lộc hoàn toàn không giống tính cách tôi ở ngoài đời. Tôi không thơ thẩn làm thơ, cũng không hâm dở như Lộc. Hơn nữa, câu chuyện của phim không hề đao to búa lớn như những phim khác về làng quê, mà rất nhẹ nhàng. Cá nhân tôi rất thích kịch bản này".
Thời gian quay Bão về làng kéo dài suốt 6-7 tháng, từ mùa thu năm ngoái đến tận mùa xuân năm nay do lịch làm việc của các diễn viên hoàn toàn trái ngược nhau. Quốc Khánh tiết lộ, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp ngày quay, nhưng anh cố gắng hoàn tất vai diễn để có thể mang tới cho khán giả một tác phẩm thú vị.
Bên cạnh sự tái xuất của Quốc Khánh, hai gương mặt quen thuộc khác trong Táo quân cũng tham gia. Đó là NSƯT Công Lý và Quang Thắng. "Chị Đẩu" đảm nhận vai Đận, anh nông dân hiền lành, chất phác. Vì muốn phát triển kinh tế, anh cùng vợ bán hết nhà cửa trong làng để thuê đất VAC của xã làm kinh tế. Khi con đường liên tỉnh chạy qua khu trang trại nhà Đận, một số kẻ xấu nhờ cán bộ xã biến chất tiếp tay để hòng chiếm đoạt khu trạng trại này. Tâm sự về vai Đận, Công Lý cho biết, từ trước đến nay, anh luôn được các đạo diễn ấn định vào vai nông dân lưu manh. Thế nhưng, đó chỉ là hình ảnh của ngày xưa khi anh còn trẻ. Bây giờ, anh đã hơn 40 tuổi, không thể cứ diễn vai lấc cấc mãi. Nhân vật Đận với số phận éo le là một thử thách để anh thể hiện khả năng diễn xuất nội tâm.
Riêng Quang Thắng trong phim này tiếp tục được giao cho vai ác, phó chủ tịch xã tham lam, ích kỷ, hèn nhát, dễ bị kẻ xấu dụ dỗ và lôi kéo. Nhân lúc chủ tịch xã đi học, anh đã lợi dụng chức quyền hòng chiếm đoạt mảnh đất của vợ chồng Đận (Công Lý).
Đạo diễn Trần Quốc Trọng chia sẻ, câu chuyện của Bão về làng chỉ diễn ra trong phạm vi ngôi làng bé nhỏ, nhưng những va chạm, xung đột, tệ nạn xảy ra không chỉ là "cơn bão" qua làng mà hoàn toàn có thể biến thành "lốc xoáy", tiếp tục quét qua nhiều làng khác. Nó sẽ tàn phá các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống nếu không có những người lãnh đạo có trách nhiệm với dân như trưởng thôn Lộc.
Quỳnh Như