Sau đám cưới ngày 10/12, Ngọc Hân chia sẻ nhiều hơn về quá trình chuẩn bị cho hôn lễ đậm chất làng quê Bắc bộ Việt Nam và các sự cố cô gặp phải. Đồng thời, cô cũng nói về các dự định tương lai.
- Anh chị đã phân công chuẩn bị đám cưới như thế nào?
- Thực ra chúng tôi không phân công nhau công việc rõ ràng mà xây đắp ý tưởng, hoàn thiện các công việc từng chút một. Trong ba năm chờ cưới, chúng tôi và các êkíp lập ra một group để cùng thảo luận. Việc chính của vợ chồng tôi là đóng góp ý tưởng, còn êkíp thực hiện hóa nó. Tháng cuối cùng, chúng tôi chốt ý tưởng chặt chẽ, chuẩn xác. Anh Đạt cũng chính là người ủng hộ ý tưởng trẻ con hát đồng dao trong đám cưới, tự tay chuẩn bị các tráp lễ.
Bên cạnh đó, anh cũng hào hứng muốn nhìn bạn bè mặc áo dài 100% trong lễ cưới concept truyền thống của chúng tôi. Anh chủ động đưa số đo của các bạn nam hậu cần, người nhà cho tôi từ rất sớm để kịp chuẩn bị. Khi chúng tôi làm thiệp cưới ống tre quá gian nan, tôi bảo chồng: "Hay thôi, mình làm thiệp khác cho đơn giản?". Lúc đó, anh Đạt động viên, nói tôi cứ giữ nguyên ý tưởng ấy bởi anh cũng hào hứng với thiệp cưới độc đáo này. Trong quá trình làm thiệp, anh nhiều lần bê tới lui hàng trăm ống tre từ nơi in ấn về nhà và ngược lại.
- Với nhiều ý tưởng độc đáo cho hôn lễ, chị gặp các áp lực nào trước thềm đám cưới?
- Các áp lực đều là tôi tự đặt ra cho mình. Nếu là người bình thường, có lẽ tôi đã làm đám cưới sớm hơn và không theo concept này. Nhưng nghĩ sâu hơn, tôi là hoa hậu. Vì vậy, tôi thấy mình cần làm một đám cưới không phải cho riêng mình, cho gia đình mà là tạo một giá trị xã hội có tính lan tỏa, đáng nhớ và nhiều cảm xúc.
Là một người làm áo dài và thường xuyên tổ chức, tham gia các chương trình văn hóa, tôi rất yêu nét đẹp dân tộc. Vì vậy, tôi đem giá trị, bản sắc dân tộc vào đám cưới của mình. Văn hóa dân tộc ta có quá nhiều những cái hay, hơn nữa concept cưới truyền thống không hề đắt tiền. Mặt khác, tôi muốn kể một câu chuyện riêng của chúng tôi ở hôn lễ, để tạo dấu ấn cá nhân.
Đám cưới tôi sử dụng toàn bộ hoa trong nước là sen Đồng Tháp, còn có lúa chín từ ngoại ô Hà Nội, tre xanh. Vì vậy khi dự cưới tôi, nhiều khách mời ngợi khen, thích thú khi thấy mùi hương hoa sen thơm nồng, mùi lúa chín thoảng bay. Do đó, tuy quá trình chuẩn bị khiến tôi rất mệt, những lời khen ngợi, chúc phúc của mọi người, giá trị lan tỏa của đám cưới khiến tôi vui mừng.
- Đêm trước ngày cưới, chị có tâm trạng ra sao?
- Việc cuối cùng tôi làm trước khi ngủ là xếp bàn tiệc cho khách. Tới 1h30, 2h ngày cưới, tôi mới ngủ và 6h30, 7h đã bị bật dậy. Hết nghĩ trong mơ, tôi lại tiếp tục nghĩ ở đời thực. Hai mắt tôi díu lại còn đầu nảy số xem xếp bàn như thế đã hợp lý hay chưa.
Tôi muốn khách ngồi được lâu nên chú trọng nội dung chương tình và xếp mọi người theo nhóm có liên quan tới công việc, sở thích... Bởi vì tôi muốn mọi người vừa được dự đám cưới vui, vừa có thể kết nối công việc của họ. Sát giờ đám cưới, tôi còn gửi riêng cho mọi người vị trí, sơ đồ bàn tiệc.
Do quá tập trung xếp bàn, tôi còn quên áo dài cho MC, quên giày cưới của mình lẫn mấn và phải gấp rút tìm đồ trước giờ G.
- Theo chị, các khoảnh khắc nào là ấn tượng, đem lại nhiều cảm xúc ở hôn lễ?
- Tôi ấn tượng nhất hai điều ở đám cưới là màn thổi sáo của chú rể và khi mẹ tôi đọc thư viết cho con gái. Thứ nhất, màn thổi sáo của chồng tại tiệc cưới hoàn toàn là điều bất ngờ với tôi. Màn biểu diễn rất đáng yêu. Sau cưới, anh Đạt mới tiết lộ anh từng học hai buổi trực tiếp với thầy và nhiều buổi học online trong một tháng. Mỗi tối khi tập luyện, anh còn nhờ giúp việc đứng canh cửa để báo động anh dừng tập khi thấy tôi về.
Thứ hai, tôi biết mẹ sẽ đọc thư cho mình nhưng tôi không biết nội dung. Trước đây, mẹ từng viết thư cho tôi từ hồi tôi một tuổi và lá thư nào mẹ viết cũng đều tình cảm. Khi mẹ đọc thư ở hôn trường, tôi khóc. Sau này, khách mời cưới cũng nói họ khóc ở bên dưới vì nghe mẹ tôi đọc thư rất xúc động, chạm tới trái tim họ. Có thể là vì họ có con gái, tưởng tượng sẽ trải qua vị trí của mẹ tôi khi ấy.
Một khoảnh khắc tôi cũng rất thích là các bạn thân tự âm thầm bàn với nhau tặng quà cưới tôi theo kiểu đám cưới ngày xưa. Họ tặng hoa cưới, phích nước, ấm chén, bát đũa. Lúc đó tôi rất buồn cười và vui.
Điểm nhấn nữa ở đám cưới tôi là chúng tôi đi lên lễ đường trong nhạc nền là các đoạn đồng dao với giọng hát của chính những người mẫu nhí hôm ấy. Để chuẩn bị đoạn đồng dao, tôi đưa 8 người mẫu nhí đi thu âm 3-4 ngày trước cưới. Tôi không tuyển giọng cầu kỳ vì với tôi, giọng của trẻ con đã hết sức đáng yêu. Sau buổi thu, nhiều phụ huynh cảm ơn tôi vì các bé học được bài đồng dao hay và có kỷ niệm khi tham gia đám cưới tôi.
- Vì sao chị quyết định chỉ mặc áo dài trong hôn lễ của mình thay cho váy cưới?
- Mọi người mặc định rằng áo dài chỉ để mặc trong đám hỏi, còn trong đám cưới, họ mặc váy cưới. Nhưng tôi thì khác.
Bởi vì tôi đã có quá nhiều dịp để mặc váy đẹp trong các sự kiện, dạ tiệc. Và ngay từ đầu, tôi đã nghĩ ra một concept đậm chất văn hóa dân tộc nên không thể nào diện váy soiree Tây phương. Tôi từ chối nhiều lời mời tài trợ váy cưới vì muốn tôn vinh áo dài từ đầu tới cuối. Mọi người thay ba váy cưới, tôi cũng có thể thay ba áo dài cho ba mục đích (tiếp tân, làm lễ, chào bàn).
Chưa kể tôi còn khuyến khích các khách mời mặc áo dài nên tôi không thể nào không mặc áo dài. Bên cạnh đó, tôi thấy áo dài hoàn toàn có thể làm được đẹp bằng và thậm chí đẹp hơn váy cưới vì nó là trang phục của dân tộc mình. Áo dài cưới còn rất lộng lẫy khi có thể thêu tay, đính kết thủ công cầu kỳ không thua váy cưới.
Tôi cũng có kỳ vọng hơi lớn là mình tạo nguồn cảm hứng, hướng đi mới để các cặp cô dâu chú rể khác sử dụng chất liệu dân gian nhiều hơn. Tôi mong sau này sẽ có nhiều cô dâu chọn lựa áo dài trong ngày cưới, giúp tấm áo dài trở nên gần gũi trong cuộc sống.
- Khi làm đám cưới, vợ chồng chị từng trải qua các sự cố nào, nếu có?
- Tôi từng bị lừa khi làm cửa bức bàn decor sảnh tiệc. Tôi hỏi ai có thể làm cửa này trên hội nhóm thợ mộc ở mạng xã hội. Mọi người đều báo giá làm cửa rất cao, khoảng 80 triệu đồng mỗi cửa. Sau đó, một người nhắn tin nói chồng cô ta làm được, yêu cầu tôi chuyển khoản trước 5 triệu đồng để làm cho kịp. Khi tôi chuyển khoản xong, tôi tìm kiếm số điện thoại của cô ta và phát hiện mình đã bị lừa, nhắn tin để đòi tiền không được.
Tôi đành "ngậm đắng nuốt cay", nhờ các mối quan hệ khác để tìm thợ mộc làm cửa bức bàn. May thay, sau đó, tôi tìm được thợ ở Bắc Ninh và cảm thấy như mình vừa tìm được một kho báu. Tiếp theo, người ta mượn cửa giúp tôi từ một nhà cổ Bắc Ninh.
Trước ngày ăn hỏi 5 hôm, tôi còn chưa nhận được các vải phủ tráp lễ thêu tay. Do êkíp thêu không kịp nên tôi phải nhờ một nhà thêu khác thêu gấp chim hạc, bông sen để đồng bộ các vải phủ tráp.
Còn khâu chuẩn bị áo dài cũng gặp đôi chút khó khăn do tôi làm áo chỉ một tháng trước cưới. Ban đầu, trong ba áo dài tôi diện ngày cưới, có một áo mà tôi chỉ muốn thêu một con chim hạc duy nhất. Tuy nhiên, khi thêu thử, tôi chưa vừa ý vì kích cỡ chim hạc bé. Vì vậy, tôi quyết định thêu hai con chim hạc cùng bay về một phía tạo kích cỡ cho cân xứng, biến hóa họa tiết song hạc uyên ương.
Tôi dựng áo dài chính mang phom dáng váy dạ hội, là một thử thách với bản thân. Khi ghép nối áo, tôi gặp chút vấn đề, dùng hết tốc lực, vật lực, các mối quan hệ để có thể giúp đỡ được mình. Người bạn thân thiết - NTK Hà Duy đã giúp tôi rất nhiều để dựng phom áo dài chính với cầu vai cứng cáp, cổ xẻ kiểu soiree. Hà Duy còn rất cẩn thận, đính kết áo cho tôi kỹ càng nên 15h ngày cưới, tôi mới nhận áo dài chính.
Tới lúc làm lễ, tôi bị "đứng hình" trên sân khấu hai lần. Bởi vì tôi bị kẹt gót đôi giày Louboutin bạn tặng vào sàn tre. Trước đó, khi tổng duyệt, tôi đã lường tới sự cố này nhưng không nỡ thay giày bạn tặng nên vẫn cố đi. Khi đi trên đường bằng, áo tôi mặc khá dài mà giày thấp nên rất khó đi. Để vượt khó, tôi đã phải dùng tới 20 năm kinh nghiệm trên sàn diễn để đi sao cho tự nhiên và thoải mái tươi cười. Còn lên tới lễ đường, tôi chỉ dám đi bằng mũi chân, không nhấn gót nhưng cuối cùng vẫn kẹt giày. Tôi phải nhờ chồng: "Anh ơi, anh rút gót giày cho em". Khi ấy, anh cúi xuống kéo gót giày cho tôi, còn tôi rất lo lắng, sợ hỏng giày bạn tặng.
Tôi nghĩ bất kỳ sự kiện nào cũng khó tránh khỏi có những hạt sạn, bất ngờ xảy ra để cho mình xử lý.
- Lời khuyên của chị với cô dâu chú rể để tránh gặp phải sự cố tương tự?
- Nếu bạn hốt hoảng, điều đó sẽ ảnh hưởng tâm trạng của tất cả mọi người. Họ sẽ bị nao núng nếu thấy sắc mặt bạn không tốt, làm bầu không khí sự kiện chùng xuống. Do đó, nếu cô dâu gặp bất kỳ sự cố nào về váy cưới hay sự cố sân khấu, bạn cũng nên giữ tâm thế bình tĩnh nhất có thể và nở nụ cười.
Khi gặp bất kỳ sự cố nào ngày cưới, các ảnh của tôi đều là ảnh tươi cười, vì ngày trọng đại chỉ đến một lần. Tôi rất yêu thích câu ngạn ngữ Ấn Độ: "Bất cứ điều gì xảy ra, đó chính là điều nên xảy ra". Tôi cảm thấy nó rất đúng để chúng ta có một trải nghiệm, một bài học nào đó.
- Các kim chỉ nam của anh chị khi bước vào hôn nhân?
- Sau đám cưới, chúng tôi luôn giữ sự thấu hiểu, tôn trọng và bớt lời lúc nóng giận. Khi chúng tôi cảm thấy mình nóng giận nhất, chúng tôi không nói gì cả và chọn cách im lặng. Vì bất kỳ câu nói nào được thốt ra khi nóng giận, nó chỉ để phục vụ tâm trạng của bạn, khiến nửa kia bị tổn thương.
Mặt khác, chúng tôi cũng đang tận hưởng cuộc sống vợ chồng son, còn chuyện con cái để thuận theo tự nhiên. Bên cạnh việc vun vén tổ ấm nhỏ, tôi cũng tập trung cho các công việc cá nhân. Đó là chuẩn bị chương trình thời trang của anh Adrian Anh Tuấn ở khu nghỉ dưỡng mà tôi đang quản lý, khai trương cửa hàng vest, ra mắt thương hiệu đồ Pháp phục, dành tâm huyết thiết kế áo dài, tổ chức các dự án nghệ thuật cao cấp ở các khu nghỉ dưỡng.
Hằng Trần thực hiện