Bộ ảnh được Ngọc Hân thực hiện tại tỉnh Fukuoka dưới thời tiết 0-2 độ C trong chuyến công tác đầu tháng Hai theo lời mời của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka. Sự kiện nằm trong chương trình giao lưu văn hóa dành cho người Việt ở Nhật. Cô giới thiệu hai bộ sưu tập áo dài, một lấy cảm hứng từ tranh Kim Hoàng và bộ còn lại từ Obi - thắt lưng trên kimono của người Nhật. Ngọc Hân tạo dáng với áo dài đỏ in họa tiết ngựa trong tranh Kim Hoàng, xách thêm đèn lồng đồng điệu. Họa tiết rồng trong tranh Kim Hoàng được cô đưa lên một mẫu áo dài tay bồng, pha trộn hài hòa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Dòng tranh Kim Hoàng của Việt Nam hình thành vào nửa sau thế kỷ 18 từ hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng hợp lại, sau này được gọi là Kim Hoàng. Chủ đề của tranh gần gũi với đời thường, hình ảnh lợn, gà, nông thôn Bắc Bộ. Tranh được vẽ trên nền giấy màu đỏ nên còn có tên gọi là tranh đỏ. Người dân thường mua, trao tranh vào dịp Tết với mong muốn cầu phúc lộc đầy nhà. Sau những trận lũ cuốn và nạn mất mùa, đói kém, dòng tranh này dần suy thoái và mất hẳn sau năm 1945, đến năm 2015, được khôi phục lại nhờ nghệ nhân Đào Đình Chung. Tranh Kim Hoàng là sự kết hợp giữa in, tô màu, vẽ một cách khéo léo để tạo nên một tác phẩm tranh với đường nét dứt khoát. Ngọc Hân gặp khó khăn khi đưa các tác phẩm lên áo bởi phải thử nhiều lần trên các chất liệu khác nhau. Cô nhờ các nghệ nhân tư vấn để đưa hình ảnh rồng, ngựa, cá chép hóa rồng lên tà áo bằng kỹ thuật in 3D. Với bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ Obi, Ngọc Hân cho biết cô sưu tầm Obi trong các chuyến du lịch, công tác tại Nhật Bản và ấp ủ thực hiện áo dài bằng những tấm vải này. Những mảnh Obi được ghép lại thành tà áo dài, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố văn hóa của Nhật Bản và Việt Nam. Ngọc Hân thường giới thiệu các thiết kế này trong các hoạt động giao lưu văn hóa của hai nước. Nguyên An