Thứ ba, 28/3/2023, 10:24 (GMT+7)

Ngọc Hân dự triển lãm của cố danh họa Bửu Chỉ

Lâm ĐồngTrong vai trò MC và thành viên ban tổ chức, hoa hậu Ngọc Hân hội ngộ nhiều tên tuổi giới mỹ thuật tại buổi khai mạc triển lãm Bửu Chỉ, chiều 26/3.

Ngọc Hân đến Đà Lạt trước vài ngày để chuẩn bị cho công tác tổ chức triển lãm. Vừa lo công việc, cô vừa tranh thủ tận hưởng cảnh sắc 'thành phố buồn', chơi golf.

Chiều ngày diễn ra sự kiện, Hoa hậu Việt Nam 2010 có mặt sớm và diện áo dài xanh ngọc, sẵn sàng tiếp đón khách mời và khán giả ghé triển lãm.

Ngọc Hân cho biết bên cạnh công việc thiết kế áo dài, một năm nay, cô tham gia mảng phát triển nghệ thuật tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Cô hào hứng với trải nghiệm mới này bởi nó liên quan chuyên ngành thiết kế cô từng học.

Người đẹp vui khi được gặp gỡ nhiều người bạn cùng đam mê nghệ thuật và các chuyên gia am tường nghệ thuật. Từ các triển lãm tranh đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ đến các sự kiện thành công sau này, cô học hỏi được nhiều điều.

Ngọc Hân cùng bạn bè lắng nghe phân tích của chuyên gia về một tác phẩm của họa sĩ Bửu Chỉ. Hoa hậu nói đây là một trong các họa sĩ cô yêu thích nhất tại Việt Nam. Cô tự hào với vai trò MC, thành viên ban tổ chức của 'Tay níu thời gian' - triển lãm kỷ niệm 21 năm ngày mất của ông.

Ngọc Hân gặp gỡ họa sĩ Lê Thiết Cương (giữa). Anh chia sẻ tại buổi khai mạc: 'Đây là lần thứ hai trong đời tôi được xem triển lãm cá nhân của họa sĩ Bửu Chỉ. Vẫn biết tranh của ông đã được sở hữu hầu hết bởi những nhà sưu tập nên tôi không ngờ lần này ban tổ chức có được số lượng tác phẩm lớn như vậy - hơn 30 bức. Cái hay của Bửu Chỉ là đã 'phiên dịch' được hội họa trường phái Paris sang Việt ngữ một cách tài tình, trọn vẹn'.

Theo giám tuyển Lý Đợi: 'Bửu Chỉ có hai giai đoạn sáng tác khác nhau rõ nét. Thứ nhất là trước Đổi mới 1986, ông bận tâm thế sự, có nhiều biếm họa có sức 'chiến đấu cao'. Thứ hai là ba tháng lưu trú tại Orléans, Pháp để đi xem tranh và vẽ năm 1989. Sau đợt đó, họa sĩ chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy sáng tác, quay về với cõi lòng riêng, truy vấn thời gian và các khúc phi thời của đời người, trong tương quan với trời đất, với hiện sinh'.

Là người ngưỡng mộ họa sĩ Bửu Chỉ, họa sĩ Hồng Việt Dũng (phải) cảm nhận hơn 30 bức tranh trong triển lãm đánh giá một giai đoạn chuyển mình về nhân sinh quan cũng như góc nhìn về cuộc đời rất cá nhân của cố danh họa.

Triển lãm 'Tay níu thời gian' quy tụ các tác phẩm được Bửu Chỉ thực hiện trong giai đoạn quan trọng của sự nghiệp, năm 1993-1997, sau thời gian ông lưu trú và sáng tác ở Pháp. Triển lãm được diễn ra ở Đà Lạt, thành phố ông yêu mến và có nhiều thân hữu lúc còn sống. Sau này, tranh của ông được giới mộ điệu hội họa ở Đà Lạt sưu tầm nhiều.

Bửu Chỉ (1948-2002) kinh qua nhiều phong cách; từ biếm họa đến tranh thiếu nữ lãng mạn, tranh minh họa; từ ấn tượng đến hiện thực huyền ảo. Nhưng nổi trội nhất là tân biểu hiện (néo-expressionnisme) và tượng trưng (symbolism). Phong cách nào ông cũng vẽ khá sung mãn. Đôi khi, ông kết hợp nhiều phong cách với nhau.

Bửu Chỉ còn được xem là họa sĩ diễn ý. Tác phẩm của ông luôn giàu tính văn chương, tư tưởng.

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới