Tình yêu, theo định nghĩa của một nhà thơ thì nó giống như tiếng nhạc vẳng từ căn phòng khác, khi ta là la hát theo thì tiếng nhạc vẳng đó biến mất. Nó biến hẳn, khiến cho ta cả đời nhớ lại cái giai điệu vẳng đó trong đầu, không thể nghe lại thấy nó, thử hát lại mà không thể hát giống.
Tình yêu chập chờn như thế, liệu có thể tồn tại thứ “đắm say không chập chờn”? Trường phái vị tình cảm luôn tin vào tình trạng đắm say có thật là vĩnh cửu. Phái vị lý trí thì đầy nghi ngờ: Thời buổi văn minh làm gì có yêu mê dại, thích nhau còn khó nữa là đắm đuối! Đắm say thì ít, bị chụp mũ “đắm say” thì nhiều.
Những nghi ngờ trên nghe hơi nghiệt ngã nhưng phái vị lý trí có trong tay hàng “nắm” ví dụ. Trong đó kẻ chụp mũ đa số là nữ, kẻ bị chụp mũ đa số là nam.
Có một nữ tình nhân trong một thời gian dài yên tâm về người tình nô lệ của mình. Anh ta tận tụy, anh ta khóc nếu bị ruồng rẫy, anh ta chịu đựng sự hành hạ, anh ta hết lòng chăm sóc cô và người thân của cô... rất muộn sau đó cô ta vỡ mộng vì biết rằng anh ta bẩm sinh là người tốt, người cam chịu chứ không phải vì cô mà anh ta biến thành người tốt.
Tương tự trong trường hợp đối tác nam lúc nào cũng quấn quýt bên người yêu. Anh ta thích ôm ấp, không bao giờ chán trong việc ôm ấp, vuốt ve. Cô ta tin rằng, mình không thể làm cho anh ta chán, trên thực tế anh ta cũng dễ “phê” như vậy trong vòng tay của tất cả phụ nữ trước và sau cô. Đơn giản anh ta có làn da siêu nhạy cảm, nên rất thích việc ôm ấp.
Có một chàng, sau bao năm bỗng dưng xuất hiện ở cửa nhà người yêu cũ đúng vào sáng ngày 14/2. Người phụ nữ khấp khởi tin rằng, vào ngày Valentine, anh ta đến, không cần nói cũng biết rằng “còn yêu”, “tình âm thầm và dai dẳng quá”. Trên thực tế, lễ Valentine thường rơi vào một trong mấy ngày tết Nguyên Đán. Anh ta không hề nhớ đó là mùng 6 Tết, cả cơ quan đi chúc nhau, ngồi một mình buồn thế là anh cuốc bộ đến nhà cô để chúc Tết. Sau vụ này không ít người tránh đi chúc tết vào đúng ngày 14/2 vì sợ bị chụp cái mũ “đắm say”.
Có nhiều phụ nữ thích thú khi theo dõi cuộc sống hôn hân của người yêu cũ. Họ tự tưởng ra anh ta lấy vợ không tình yêu, anh ta đối xử lạnh nhạt với cô vợ (vì vẫn nặng tình với mình?), anh ta sắp ly dị tới nơi vì vợ không bằng người cũ, cô kia ghen tuông suốt (với mình)...
Trên thực tế, gia đình họ có những nguyên nhân mâu thuẫn không hề liên quan tới người yêu cũ. Anh ta cũng không hề biết cô người yêu cũ đang ngày ngày ân hận vì đã không làm vợ anh, đẩy anh đến một nông nỗi mà anh không hề hay biết. Anh sẽ hoàn toàn bất ngờ nếu được tin người ta phân cho anh vai “ruồng rẫy vợ vì thủy chung với người tình cũ”.
(Theo Người Đẹp Việt Nam)