Khu nhà trọ ven bãi Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) là nơi tập trung đến 90% các “cơ sở sản xuất” đậu phụ của người ngoại tỉnh để cung cấp cho các chợ trong thành phố. Mùa hè, các “xưởng” ở đây còn kiêm thêm nghề làm sữa đậu nành rồi đóng túi nylon, đóng chai để rao bán cho các cửa hàng giải khát, các quán nước vỉa hè hay bán rong trên hè phố.
"Cơ sở sản xuất” của một phụ nữ Thái Bình đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của cả gia đình 3 người. Căn nhà cấp bốn rộng khoảng 30 m2, đặt một chiếc cối xay lớn, két bẩn, mấy chục chiếc túi vải ngả màu đen xỉn dùng để đựng và nhào bột đậu. Góc sân chung của các hộ ở đây cũng được tận dụng làm nơi “tập kết” những xô, chậu đựng bã đậu và đống chai đựng sữa đậu nành. Các chai sữa đậu nành khi thu hồi chỉ được sục qua nước một cách cẩu thả trước khi rót sữa mới. Chủ nhân giải thích: “Chai nào cũng lại đựng sữa mà”. Chị cũng cho biết, đã 5 năm “chế biến thực phẩm” và bán hàng nhưng chưa bao giờ gia đình chị được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, trên 70% số sữa đậu nành đang tiêu thụ tại Hà Nội có xuất xứ từ các cơ sở tư nhân, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều sản phẩm sữa đậu nành đóng chai kích cỡ 330 ml có dập nút sắt, bán tràn lan ở các bến xe, nhà ga, quán nước vỉa hè, các cổng trường học, bệnh viện. Chúng cũng do tư nhân sản xuất, nhãn mác thường không đề ngày sản xuất, hạn sử dụng hay sử dụng chất bảo quản gì.
Một số sản phẩm có đề nơi sản xuất và số điện thoại nhưng địa chỉ không có thật (như cơ sở sản xuất tại địa chỉ 11-12 Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội; cơ sở 159 Long Biên, Gia Lâm). Nếu liên hệ bằng điện thoại thì chủ các cơ sở này từ chối tiếp tại nơi sản xuất nhưng sẵn sàng giao hàng tận nơi.
Theo Trung tâm chống độc, phần lớn các trường hợp ngộ độc vì sữa đậu nành kém chất lượng điều trị tại đây đều do tụ cầu vàng gây nên. Khuẩn tụ cầu vàng thường có ở da tay người khỏe mạnh, gần 5% số người được điều tra có khuẩn này. Nó cũng có mặt ở những chỗ da bị viêm mủ, trong sữa những con bò bị viêm vú.
Khi tiếp xúc với nguyên liệu hoặc sản phẩm thực phẩm như sữa đậu nành, thịt, nếu người bán hàng không rửa tay hoặc bị sổ mũi, ho, viêm họng... thì nguy cơ thức ăn nhiễm tụ cầu vàng từ họ rất cao. Bên cạnh đó, tình trạng vệ sinh chung không bảo đảm cũng dễ làm tăng nguy cơ nhiễm tụ cầu vàng từ nguyên liệu, dụng cụ và tay công nhân chế biến. Thức ăn chế biến ở những nơi này có lượng tụ cầu khuẩn nhiều gấp 4 lần so với nơi vệ sinh tốt.
Còn với những sản phẩm sữa đậu nành đóng chai, nguy cơ ngộ độc lại xuất phát từ phụ gia chống lên men ngoài danh mục cho phép, hoặc quá nồng độ quy định.
Tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng nên sử dụng sữa đậu nành được sản xuất theo quy trình công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đặc biệt phải lưu ý đến thời hạn sử dụng. Sữa đậu nành đóng túi nylon on chỉ nên dùng trong ngày, chỉ dùng loại màu trắng đục và thơm mùi đậu tương; nếu có mùi chua và xuất hiện váng thì phải bỏ.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)