"Thần đồng bóng đá" Thái Sung đang miệt mài trên ghế dự bị, phải bơm bóng, xách nước cho đồng đội. Giới chuyên môn đang lo ngại nếu không thay đổi môi trường phù hợp, Sung có thể rơi vào lối mòn của không ít đàn anh cũng từng là “thần đồng” trước đây…
Thần đồng chuyên dự bị
Văn Quyến từng được gọi là “thần đồng bóng đá”. Năm 16 tuổi, cậu bé chăn trâu, cắt cỏ bỗng vụt sáng với màn trình diễn ấn tượng ở vòng chung kết U16 châu Á tại Việt Nam. Tiếp đà, có lúc Quyến trở thành ngôi sao của làng bóng với những màn trình diễn ấn tượng như bàn thắng đến từ sự ngẫu hứng vào lưới U23 Hàn Quốc hay thi đấu tưng bừng tại SEA Games 2003. Ở tuổi đôi mươi, có lẽ chưa có cầu thủ nào nhiều hợp đồng quảng cáo như Quyến lúc bấy giờ.
Nhưng sau năm 2005, thời điểm xảy ra sự cố bán độ ở SEA Games trên đất Philippines, Văn Quyến bắt đầu chu kỳ đi xuống không phanh. Tài năng bẩm sinh không thể “cứu” Quyến trên bước đường dài sự nghiệp với nhiều lận đận và chuyện sinh hoạt hậu trường. Từ ngôi sao, Quyến phải cố gắng để có một chỗ đứng ở các CLB.
Nhiều đội bóng giang tay cho anh cơ hội như đội bóng quê hương Nghệ An, Sài Gòn Xuân Thành, Ninh Bình. Tuy nhiên, Quyến “béo” không thể nào trở lại như xưa và vị trí của anh luôn là ghế dự bị từ năm này qua năm khác. Cuối mùa giải 2014 vừa qua, anh tuyên bố giải nghệ, cưới vợ và tìm đường hướng làm ăn mới, khép lại đời cầu thủ của một “thần đồng bóng đá”.
Từ sao sân cỏ đến sao sân phủi
Cùng lứa với Văn Quyến ở U16 Việt Nam còn có một tiền đạo gây sốt suốt năm 2000 là Ánh Cường. Tại giải đấu ở Đà Nẵng bấy giờ, Ánh Cường vụt sáng và trở thành niềm hy vọng trong lòng người hâm mộ, có thể tiếp bước các tiền đạo đàn anh nổi tiếng. Tuy nhiên, thời gian tỏa sáng của anh quá ít ỏi và suốt chặng đường dài sau đó là những thăng trầm của cầu thủ quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ánh Cường trải qua khá nhiều CLB sau thời điểm 2000 như Hòa Phát, Khánh Hòa, Hà Tĩnh (hạng Nhì). Nhưng ở các đội bóng này, anh không có quá nhiều đóng góp. Tài năng của Cường cứ lụi tàn dần, phong độ tụt dốc và sau thời gian thi đấu cho Hà Tĩnh, anh tuyên bố giải nghệ cách đây vài năm.
Chia tay bóng đá sân cỏ, giờ Ánh Cường tập trung cho gia đình và đá sân “phủi”. Với đôi chân khéo léo của mình, cầu thủ sinh năm 1984 không khó để trở thành ngôi sao trên sân nghiệp dư. Còn với sân cỏ, tất cả chỉ còn là miền ký ức đẹp.
Messi Việt Nam đi bơm bóng, xách nước
“Messi Việt Nam” hay “thần đồng bóng đá” là những mỹ từ nhiều người hâm mộ đặt cho Thái Sung. Năm 2010, Sung là cầu thủ từng vượt qua 27.000 thí sinh trong nước và 40 thí sinh quốc tế để được suất học bóng đá tại Học viện Aspire Qatar trong ba năm.
Tại đây anh cùng các đồng đội từng lọt vào chung kết giải trẻ châu Âu mở rộng và thua đội trẻ CLB Sporting Lisbon. Với riêng Thái Sung, anh được các nhà tuyển trạch Sporting Lisbon mời về thi đấu cho đội trẻ của họ. Nhưng anh không thể đi vì vướng hợp đồng với đội bóng chủ quản Đà Nẵng ký khi anh 16 tuổi.
Tuy nhiên hiện nay, sau khi về nước năm 2012, anh lại chuyên ngồi trên ghế dự bị và đứng trước nguy cơ thui chột tài năng. Có lúc, Thái Sung từng gây sốt một thời phải đá cho đội hạng nhì Kon Tum mùa 2014 sau khi không thể khẳng định vị trí ở đội bóng quê hương. Tới giải U21 quốc tế mới kết thúc, Sung chủ yếu “chạy vặt” cho đội bóng với công việc tiếp nước, ướp lạnh nước cho các đồng đội.
Ngay khi về nước năm 2012, cầu thủ 19 tuổi này từng có nhiều cơ hội thể hiện trong màu áo U19 Việt Nam, CLB Đà Nẵng. Dù vậy, nơi nào anh cũng không thể “bật” lên để trở thành ngôi sao sáng với lý do thường trực là “không phù hợp lối chơi”.
Anh được đánh giá cao ở trình độ kỹ thuật và tư duy chiến thuật nhưng hạn chế về thể hình, khả năng tranh chấp cũng như một số yếu tố khác để thành cầu thủ lớn. Sung muốn tìm đến môi trường khác để có cơ hội ra sân nhưng bị ràng buộc với đội bóng chủ quản Đà Nẵng nên chấp nhận cảnh “sống mòn”.
Ngọc Hà