Nếu từ shopping được bạn nghĩ đến đầu tiên trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống thì bạn đã thật sự trở thành con nghiện. Triệu chứng chung của căn bệnh là 1 tuần phải đi siêu thị ít nhất một lần, rút ví nhanh hơn vận tốc của suy nghĩ. Chẳng hạn bạn mua thỏi son thứ 7 mà không hề có chút khái niệm gì về sáu thỏi son tương tự đang nằm ở nhà.
Mỗi khi có tiền là bạn nghĩ ngay đến việc phải mua một món đồ gì đó. Trong đầu chỉ có 3 chứ "Phải mua nó” khi nhìn thấy một món hàng mới mà không hề nghĩ là bạn có cần nó hay không.
“Bạn bè trêu tôi bị hội chứng nghiện siêu thị”, Nhi (20 tuổi) tâm sự. “Không hiểu sao tuần nào tôi không bước chân vào siêu thị thì tuần đó tôi lại cảm thấy bải hoải và ăn ngủ không yên. Tôi thường gặp gì mua đấy. Nếu không mua được món hàng mình thích là tôi bị ám ảnh đến mức phải đi lùng tất cả các siêu thị khác cho tới khi mua được cái ưng ý mới thôi".
Đi làm mỗi tháng được khoảng 3 triệu nhưng phần lớn thời gian rảnh rỗi của Lan lại được cô ưu ái cho việc đi shopping. Không dưới 2 lần/tuần, cô phải đi dạo khắp các shop để xem có đồ gì mới không. “Mỗi khi cầm tiền lương trong tay là tôi lại lê la ở các shop. Hễ thấy thích cái gì là tôi mua ngay cái đó. Đồ đạc mà tôi mua để ở nhà đủ để tôi mở một cửa hàng tạp hoá. Có thể tôi sẽ không bao giờ sử dụng hết những món hàng mà tôi mua về nhưng đó là bộ sưu tập của tôi và là niềm tự hào của tôi”, Lan nói.
Khi buồn chán, Thu thường tìm cách giải toả cảm xúc của mình bằng cách đi shopping. Cảm giác được nâng thứ này lên, đặt thứ kia xuống và thử hết bộ này đến bộ kia làm cho Thu thấy thoải mái. Mọi ưu phiền cũng tan biến theo số đồ mà Thu vác về nhà sau mỗi lần mua sắm.
“Cảm giác được mọi người phục vụ tận tình mỗi khi đến một cửa hàng nào đó làm cho tôi thấy mình được quan tâm và chú ý đến. Chính vì thế mà bình thường một tuần tôi phải đi shopping không dưới 2 lần. Không lần nào là tôi về tay trắng. Những thứ tôi mang về có thể khiến tôi vui và không còn nghĩ ngợi lung tung nữa”.
Không chỉ có Thu mà Uyên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bạn bè thường trêu Uyên rằng: “Chỉ cần đặt cái Uyên vào một khu mua sắm trong 5 phút bạn sẽ thấy nàng là một con người khác hẳn”.
Uyên đang làm phòng quản trị nhân sự cho một công ty về đầu tư tài chính. Hàng ngày khoác trên người bộ đồng phục và công việc có vẻ khá căng thẳng nên Uyên lúc nào cũng thấy mệt mỏi chán nản. Cô chỉ thấy mình được sống một cách vui vẻ và trở nên năng động khi được đi shopping. Chính vì thế mà số tần suất mua sắm của cô cứ tăng dần lên. Dần dần, cô mắc bệnh nghiện mua sắm. Tiền lương của cô chỉ để thoả mãn thú vui mua sắm và giải trí những lúc cô buồn chán nhất.
Đối với những kẻ nghiện shopping thì tiền bạc không thành vấn đề, miễn là món hàng đó thực sự là hàng "độc", hàng hiệu và "hợp nhãn". Và một khi đã vào shop là không có chuyện cân nhắc. Cái giá mà một dân “ghiền” phải bỏ ra để “đầu tư” cho “thương hiệu” khiến nhiều người phải le lưỡi, lắc đầu.
Sơn, 22 tuổi, luôn được bạn bè ngưỡng mộ bởi anh có luôn mang trên mình những bộ quần áo hàng hiệu của những hãng tên tuổi và đặc biệt là rất ít khi đụng hàng. Trung bình một chiếc áo sơ mi ở tầm 700- 800 nghìn đồng/chiếc. Ngoài ra Sơn còn có một sở thích sưu tầm các loại mắt kính gắn mác D&G, Guess, Gucci, Armani ... mà giá thấp nhất cũng từ 1,5 triệu đến trên 5 triệu đồng.
Sơn tâm sự: “Cảm giác đi mua sắm những thứ mình nghiền thật thú vị. Nó giống như bạn đã chinh phục được một cái gì đó. Chỉ cần nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của các cô nhân viên khi mình rút tiền trả và sự trầm trồ của lũ bạn là mình thấy chẳng hề tiếc công sức và tiền bạc bỏ ra. Đối với mình thế là đủ cho những vất vả khi phải “cày” để thoả mãn thú vui mua sắm”.
Đi theo Hương mới biết để có được hương thơm mà ai cũng phải ngây ngất thì cô cũng tốn kếm không ít. Cứ hàng tuần cô lại làm mới mình bằng một hương thơm khác nhau. Khi thì lọ nước hoa Giorgio Armani (100 ml) có giá hơn 700.000 đồng, lúc thì Hugo Boss 500.000 đồng hay Chanel, Christan Dior, Estée Lauder giá cũng vài trăm USD. Hương cho rằng khi cơn nghiện mua sắm đã dâng trào thì khó mà cưỡng lại được.
Chỉ cần chủ một cửa hàng "ruột" gọi điện là vừa “đánh hàng” về là ngay lập tức các “con nghiện” này ôm tiền đến để lấy hàng. Ướm, thử xong, “con nghiện” vui vẻ rút ví thanh toán một lúc vài ba chục triệu đồng mà không hề chớp mắt.
Linh làm PR cho một công ty nước ngoài với mức lương gần 1.000 USD/ tháng cũng thường xuyên để hết nhẵn số tiền anh kiếm được vào mỗi cuối tháng cho thú vui sưu tầm hàng "hiệu", hàng "độc" của mình, từ phục trang đến giày dép, điện thoại. Anh cho biết: "Tôi làm ra tiền và dùng tiền đó làm cho cuộc sống của mình thoải mái, dễ chịu. Tôi thích được mọi người thán phục và trở thành một người sành điệu”.
Ngọc Minh