Bạn gái tôi mới ra khỏi trại, giờ không "chơi" nữa. Quyết tâm lắm. Tôi mà dính đến là chắc hai đứa bỏ nhau luôn. Đã thề rồi. Giờ nếu bỏ nhau thì tôi cũng chả có chỗ mà bấu víu. Giờ chỉ như là đồ bỏ, có được một người bên cạnh thì phải cố mà giữ lấy. Trước không bị thì thôi, giờ dính rồi, coi như cái chết cầm chắc trong tay, đến lúc chết cũng phải giữ được một người khóc cho cái xác này chứ.
Thực ra mà nói, M. là một cô gái tử tế, chả hiểu thế nào mà lại nghiện được. "Nó" mạnh mẽ lắm, thực ra tôi học được nhiều từ M. Lúc ra khỏi trại, M. đón tôi rồi nói chuyện. Giờ có lẽ tôi chỉ nói chuyện với mỗi M. là nhiều. Nói chuyện nhiều thì hai đứa cùng quyết tâm rủ nhau bỏ (thuốc). Giờ sống được đã là may lắm rồi. Tất cả là do M. là người mạnh mẽ. Giờ "nó" sống đàng hoàng, rất bình thường.
Bọn tôi thuê nhà ở bãi Phúc Tân, chỗ đó thì ai cũng biết đấy, đủ loại hạng người sống ở đó, những hạng như chính bọn tôi đây. Phức tạp lắm, có cho tiền chắc hai người cũng chả dám xuống đó.
Bọn tôi sống với nhau nhưng không cưới. Thì ai cũng chửi đấy, coi chả ra gì đâu. Nhưng mà nay sống mai chết, biết đường nào mà lần. Cưới nhau rồi chỉ làm khổ nhau ra thôi. Mọi thứ cứ như một giấc mơ, đến rồi đi. Giờ đến mơ một giấc mơ đẹp thì bọn tôi cũng chả dám, nói gì đến những chuyện xa hơn, cưới xin con cái là việc ngoài tưởng tượng rồi.
Hồi đó tôi biết tôi bị nhiễm là do chém nhau trên chợ (Đồng Xuân) phải vào Việt Đức. Thử máu mới biết là nhiễm rồi. Bọn tôi dùng từ năm 1995 đến giờ, cũng nghiện tới nghiện lui, bị vào trại mấy lần rồi. Tôi cũng vào tù một lần, mới được thả đấy.
Tại sao tôi nghiện à? Rất khó nói. Nếu mà nói là do bạn bè rủ rê thì cũng đúng, nhưng mà đổ lỗi cho bạn bè thì chả hẳn. Cũng do mình nữa chứ. Hồi đó say rượu thì bọn bạn rủ hút thử, không làm chủ được bản thân thì hít, rồi nghiện dần thôi. Hồi đó hít cũng như là đua xe bây giờ, còn trẻ thì ham chơi thôi. Chả phải vì thích hay tò mò gì cả...
Tôi hầu như không về nhà, vì cứ nhìn thấy mọi người lại sợ có khi mình làm lây bệnh cho mọi người. Bố mẹ thì thương cứ gọi về, nhưng tôi sợ lắm. Thì vẫn biết nó chỉ lây qua đường máu, nhưng cứ phòng là hơn. Nhiều lúc nghĩ thương bố mẹ, nhưng vì thế nên không thể về nhà được. Lỡ phát ra AIDS, thì rồi lại hai ông bà già chăm chút cho thôi; tôi gặp quá nhiều bạn bè như thế rồi, để bố mẹ mình nhìn thấy mình như thế thật ko tử tế tí nào. Tôi thà chết bờ bụi chứ không bắt bố mẹ mình phải chịu cảnh đó. Bố mẹ thương tôi, giấu mọi người về tình trạng của tôi, không phải vì ông bà sợ gì đó, mà chỉ vì thương tôi, sợ người ta biết thì sẽ đối xử này nọ với tôi làm tôi bị tổn thương. Tôi hiểu ông bà thương, càng không thể để hai người khổ. Cứ coi như ông bà mất đi một đứa con chẳng ra gì còn hơn là để ông bà nhìn thấy những cảnh khổ sở như thế.
Tôi hầu như không còn tiếp xúc với người ngoài, những người bình thường. Tôi chỉ nói chuyện với bạn gái. Tôi rất sợ phản ứng của người lạ, khinh bỉ và căm ghét, không thể chịu đựng nổi. Đây là lần đầu tiên tôi nói những chuyện này đối với một người lạ.
M. giới thiệu tôi đến đây để tham gia nhóm Hoa Xương Rồng, để học cách tự chăm sóc bản thân và cũng để cho cuộc sống bớt nhàm chán đi.
- Tôi nói ra là để xem hai người sẽ nhìn nhận tôi như thế nào? Sẽ nhìn tôi với con mắt ra sao?
- Anh thấy sao?
- Có lẽ các chị quá quen với những người như bọn tôi. Tôi không cảm thấy ánh mắt khinh bỉ của các chị.
- Phải, bọn tôi quen rồi
- Nhưng người khác thì không thế.
- Có một số người thì sẽ nhìn nhận anh như thế, và một số người thì không...
Nhóm Hoa Xương Rồng không giống với nhóm Hoa Hướng Dương, đây là một nhóm dành cho phụ nữ trở về sau khi cai nghiện ở các trại! Nhóm hỗ trợ cho các thành viên về nhiều mặt và các thành viên cũng giúp nhau chống tái nghiện. Đây là một câu chuyện có thật từ một buổi phỏng vấn bạn trai một thành viên trong nhóm.
Vài nét về blogger
Chúng tôi là một nhóm hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em có HIV/AIDS. Chúng tôi tham gia nhóm để cùng nhau vượt qua mặc cảm bệnh tật và những khó khăn trong cuộc sống. Bạn có thể vào blog của chúng tôi để chia sẻ. Các bài viết khác: Tôi không phải gái làm tiền, Bố nó là thằng nghiện nhưng..., Mẹ nào chẳng thương con.