Cô từng giành HC bạc Asiad 2010, rồi HC bạc giải vô địch châu Á 2015. Mới đây, Lụa tiếp tục lập kỳ tích khi lần thứ hai liên tiếp giành suất chính thức dự tranh Olympic. Lần trước, đô vật nữ có vé ở hạng 48kg và năm nay, cô giành suất đi Brazil với hạng cân 53kg.
Nếu ở môn khác, cô gái vàng của đất vật Yên Nội (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có thể trở thành ngôi sao thể thao, hay chí ít cũng có những khoản thu nhập rủng rỉnh. Thế nhưng, đô vật số một Việt Nam phải chịu nghịch cảnh với nhiều thua thiệt, bất công, do đặc thù của môn vật cũng như sự đen đủi rất khó tin của bản thân.
Riêng tiền thưởng thành tích, vốn là nguồn thu nhập chính của VĐV Việt Nam, Lụa chỉ nhận được bằng một phần nhỏ so với đồng nghiệp môn khác có đẳng cấp thua mình nhiều. Lý do là cả môn vật và cá nhân Lụa quá vô duyên với đấu trường SEA Games, nơi họ có thể "nhắm mắt" cũng gặt HC vàng.
Trong 5 kỳ SEA Games trở lại đây, “độc cô cầu bại” làng vật Đông Nam Á mới chỉ một lần duy nhất có cơ hội lấy HC vàng, năm 2013. Còn lại Lụa đều là người ngoài cuộc, bởi môn vật bị loại khỏi chương trình thi đấu, hay các đối thủ cùng hạng cân đồng loại bỏ cuộc ngay trước giờ tranh tài, rồi phải nhường suất thi đấu cho người khác. Do gần như “mất trắng” SEA Games nên nhiều năm qua, thu nhập của Lụa chỉ trông chờ cả vào mức tiền công tập luyện hàng ngày, cộng thêm khoản tiền thưởng thi thoảng mới có khi xuất sắc đoạt huy chương Asiad hay giải vô địch châu Á.
Tính từ 2014 đến giờ, khoản thưởng duy nhất mà Lụa nhận được chỉ là 25 triệu đồng cho HC bạc giải vô địch châu Á 2016. SEA Games 2015, môn vật không được tổ chức, còn chiến tích giành suất Olympic chính thức lại không nằm trong danh mục được thưởng. Trong khi đó, môn vật cũng không có Liên đoàn hay nhà tài trợ để Lụa có thưởng “nóng” như trường hợp của tuyển thủ Nguyễn Thành Ngưng ở môn điền kinh.
Thư Minh