![]() |
Một góc nghĩa trang Đa Phước. |
Sự “nở nồi” của cư dân đô thị tại TP HCM dẫn đến tỷ lệ người chết cũng tăng theo. Thế nhưng, các nghĩa trang tư nhân, hội đoàn và các nghĩa trang do Công ty Môi trường đô thị TP HCM, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM quản lý, hiện nay đã quá tải và gần như không còn đất để đáp ứng nhu cầu chôn cất của người dân.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (huyện Bình Chánh) vốn dĩ là tự phát, sau đó được giao cho Công ty Môi trường đô thị quản lý khoảng 39 ha. Đến nay, theo khảo sát của Công ty Môi trường đô thị, diện tích đất nghĩa trang này còn lại rất ít, có thể phục vụ cho nửa năm nữa là hết. Nghĩa trang Gò Dưa (quận Thủ Đức) cũng tương tự, chỉ còn lại chủ yếu là đất rẻo, đất nơi khuất.
Điều đáng nói tại các nghĩa trang này, nạn bắt chẹt người đi mua đất đang âm ỉ diễn ra. Bọn cò mồi, đầu cơ đất mua sẵn rồi bán lại với giá cắt cổ, chưa nói đến sự nhũng nhiễu như phải cho họ xây mộ với giá… trên trời!
Tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, khi Sài Gòn Giải Phóng đến, một tay cò “nhà đất” nghĩa trang chào giá 6 triệu đồng một huyệt cũ (mộ đã được bốc đi cải táng nơi khác), còn huyệt mới giá 10 triệu đồng, nếu xây kim tĩnh phải trả thêm 5 triệu đồng, vị chi 15 triệu đồng, chưa tính tiền xây mộ.
Tại nghĩa trang Gò Dưa, những huyệt có vị trí “đẹp”, giá thấp nhất là 12 triệu đồng/huyệt, chưa tính tiền xây kim tĩnh và mộ. Mặc dù hai nghĩa trang này có ban quản lý, nhưng số cán bộ ít, nên không thể quản lý xuể. Bên cạnh đó, một số “nghĩa trang mini” ra đời ở quận 9, Hóc Môn, Bình Chánh có giá đất tùy theo thỏa thuận giữa chủ với người mua, nhưng cũng khá cao, một huyệt nằm ở phần trũng giá “bét” nhất phải 5 triệu đồng.
Trước tình hình trên UBND TP HCM đã giao cho Công ty Môi trường đô thị TP HCM xây dựng nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh) để đưa hoạt động nghĩa trang vào nền nếp và quản lý chặt chẽ. Đây là nghĩa trang đầu tiên do nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng khá quy mô và hiện đại, rộng 67 ha, hoạt động từ ngày 15/4. Giai đoạn một với 7,5 ha cho 6.000 ngôi mộ đã hoàn thành. Tuy nhiên, giá đất ở đây cũng ngoài tầm tay không ít gia đình.
Theo đơn giá niêm yết tại đây, một mộ phổ thông (2,2mx1,2m) giá 9,3 triệu đồng (bao gồm giá đất mộ, chi phí dịch vụ chôn, xây kim tĩnh), cộng với tiền xây mộ, giá thấp nhất là 4,6 triệu đồng. Riêng mộ nhà mồ (2mx3m) có giá hơn 25 triệu đồng, nếu xây mộ bằng đá hoa cương phải cộng thêm 57 triệu đồng, vị chi một ngôi mộ nhà mồ có giá khoảng 83 triệu đồng!
![]() |
Nghĩa địa trong lòng thành phố. |
Theo thống kê tại TP HCM, trong tổng số 24.000 người chết mỗi năm có khoảng 1/3 là hỏa táng và đem về quê, như vậy còn lại 16 ngàn người được chôn. Bình quân mỗi mộ chiếm khoảng 8m2, như vậy mỗi năm cần 128.000m2, tương đương gần 13ha. Mới đây UBND huyện Nhà Bè cho xây dựng một nghĩa trang với diện tích khoảng 5 ha. UBND huyện Hóc Môn cũng được thành phố phê duyệt chủ trương xây dựng một nghĩa trang ở xã Đông Thạnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có đề nghị xây dựng một nghĩa trang thành phố mới ở Củ Chi… Thế nhưng, tình hình “nhà đất” ở các nghĩa trang hiện nay như vậy, nên không ít trường hợp người dân chôn người thân quá cố trong khu dân cư.
Bên cạnh đó, hiện TP HCM chỉ có duy nhất một trung tâm hỏa táng với 10 miệng lò có công suất 7.000 thi hài/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng người thiêu tăng lên đáng kể, khiến trung tâm hỏa táng đã phần nào quá tải. Bà Nguyễn Thị Thắm, nhân viên Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa cho hay, trung bình mỗi ngày nơi đây nhận khoảng 15 quan tài, “ngày tốt” lên đến hơn 30 quan tài. Nhiều lúc, phải qua ngày hôm sau gia đình mới nhận cốt được.
Ông Bùi Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP HCM, lo lắng rằng TP HCM vốn dĩ “đất chật người đông”, nên khi các nghĩa trang đã quá tải, giá mỗi phần mộ tăng cao, việc người dân chuyển sang chôn cất trong các khu dân cư là điều cần báo động. Chôn cất trong khu dân cư thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường vệ sinh, cụ thể là nguồn nước. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, nếu không có những quy hoạch nghĩa trang lớn và ý thức của người dân về hỏa táng vẫn chưa được thay đổi, e rằng những nghĩa trang rồi đây sẽ nằm lọt thỏm trong các khu dân cư. Và nếu không thay đổi tập quán từ địa táng sang hỏa táng, chẳng bao lâu nữa thành phố chắc chắn sẽ không còn đất để chôn.
Có rất ít nơi như nghĩa trang TP HCM, nghĩa trang Đa Phước là được quy hoạch, chăm sóc, quản lý tương đối tốt. Còn lại hầu hết các nghĩa trang như Bình Hưng Hòa, Gò Dưa và không ít nghĩa trang tư nhân hiện nay đều rất nhếch nhác và là “lãnh địa” của tệ nạn xã hội như hút chích, trộm cướp. Nhiều ngôi mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa được bao trùm khung sắt rào rất kiên cố, để hạn chế mộ bị phá hoại. Chính những lý do này, nhiều gia đình bây giờ đã ý thức được việc hỏa táng người quá cố là hợp lý.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Đội trưởng lò thiêu Bình Hưng Hòa, cho biết, sở dĩ số lượng thiêu gần đây tăng do nhiều gia đình biết đất ở các nghĩa trang cao, vả lại không phải mộ được chôn cất vĩnh viễn, mà có thời hạn chỉ vài chục năm rồi phải bốc mộ, nên người ta đem thiêu. Giá thiêu một quan tài nhỏ 1,4 triệu đồng, quan tài lớn 2,6 triệu đồng.