Đề xuất gộp Tết Âm lịch với Tết Dương lịch để hội nhập, tránh tốn kém, lãng phí hiện là chủ đề được cộng đồng tranh cãi, bàn tán nhiều trên các diễn đàn mạng. Mới đây nhất, trên trang cá nhân, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã có bài viết, chia sẻ quan điểm: “Nghỉ Tết nhiều với năng suất làm việc thấp chẳng liên quan đến nhau” được nhiều người ủng hộ.

"Ăn hai cái Tết, nghỉ hai cái Tết liền tù tì, có nghỉ, có chơi nhiều quá không, trong khi năng suất lao động thấp? Xin thưa là chẳng phải.
Thứ nhất, nghỉ nhiều với năng suất thấp chẳng liên quan đến nhau.
Thứ hai, Tây (nhất là châu Âu) có nhẽ họ còn nghỉ tợn hơn.
Thứ ba, cụ Mác với Ang-ghen có nói (đại ý) là: Chất lượng cuộc sống không đo bằng thời gian lao động, mà bằng thời gian nghỉ ngơi.
Cá nhân tôi thích cái tư tưởng này nhất. Theo các cụ thì theo cái này sướng quá, tại sao không? Nhưng mà cái khác là ở chỗ này.
Tây nó nghỉ, là nghỉ tiệt. Đừng có gọi điện thoại, đừng có email bàn bạc cái gì, nhá. Ta thì nghỉ rồi đấy nhưng sếp cần vẫn cứ gọi sai bảo, đối tác thì rầm rập tìm nhau.
Tây nó nghỉ, nó lo cho nó, cho người thân còn người khác nó cho cái thiệp hay lời chúc. Ta thì lo cho mình ít, lo quà cáp, lễ lạt, thăm hỏi chúc tụng nhiều, không chu đáo thì cứ như là mắc tội. Mà mắc tội thật.
Tây nó nghỉ, có ăn uống chơi bời, nhưng là với vài ba người thân nhất. Ta thì chưa nghỉ đã tất niên. Thân hữu đã đành, nhưng 'tao ngộ chiến' cũng lắm. Phờ phạc.
Tây nó nghỉ, nó kế hoạch từ giữa năm đi đâu, ở đâu. Vé sẵn trong túi, phòng đặt sẵn. Ta - mình hứng thì mình đi thôi, đến nơi không có chỗ mà ăn, chẳng còn phòng để ngủ. Bực dọc, tức tối.
Tây nó nghỉ cuối năm cũng là mùa mua sắm, mùa giảm giá. Nó mua cái nó cần, với ngân sách nó định ra từ đầu năm. Ta thì lễ Tết đông người là tăng giá, cố dốc túi mà mua, mua rồi không ăn hết, mua nhiều cái thành rác phải dọn sau vài ngày, mua xong sau Tết không còn tiền mua gạo cho con.
Tây nó chả cho ai đồng nào. Ta thì lì xì, mừng mọt (mặt thì tươi cười hào phóng nhưng ruột xót).
Tây nó hết nghỉ là đi làm nghiêm ngay giờ đầu ngày đầu. Ta thì người qua rằm mới khăn gói đi cày, người làm công ăn lương nhà nước thì đi làm đấy nhưng tiếp tục vòng tân niên hoành tráng ngang tất niên.
Dĩ nhiên, ta không phải ai cũng thế, vì ở ta giờ đi làm cho Tây cũng nhiều, mà công ty ta làm việc kiểu Tây cũng lắm. Nhưng mà nghỉ lễ thuần Ta cũng còn nhiều. Tây nó nghỉ nó sướng, Ta nghỉ xong không biết có là nghỉ không.
Vậy thì vấn đề không phải là nghỉ, là chơi, là lễ tết nhiều hay ít. Mà là có nghỉ thật không, là nghỉ, chơi, ăn kiểu gì".

Năm nay, cán bộ, công chức, viên chức nước ta sẽ nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày, từ ngày 26/1 đến hết ngày1/2/2017 (tức 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu). Ảnh minh họa.
Bài viết của nhà báo Trần Đăng Tuấn được nhiều người đồng tình và cho rằng rất đáng để suy ngẫm: “Quá đúng thưa chú. Không phải vì mấy ngày nghỉ Tết mà khiến đất nước giàu lên được. Cái cần thay đổi là nhận thức và ý thức. Người trẻ mà không biết đến Tết, không biết về nguồn cội thì không thể chấp nhận được”, Khiết Trần bình luận.
Hay như tài khoản có tên Xuyến Đào cũng chia sẻ: “Hay quá các bác ạ, thực sự Tết ở ta tuy là truyền thống, đáng ra nó là nét đẹp cổ truyền nhưng càng ngày nó càng bị biến tướng, bị lạm dụng và thấy mệt mỏi, những gì bác nói ra thật đáng suy ngẫm nhưng để thay đổi, để nó về đúng thì thật không phải dễ”.
Đề xuất đón Tết cổ truyền theo Dương lịch của giáo sư Võ Tòng Xuân đã xuất hiện từ cách đây 11 năm, đến nay đây vẫn là chủ đề thu hút sự quan tâm cũng như tranh cãi của nhiều người.
Maruko Chan