Paul Alexander, 75 tuổi, sống trong cỗ máy khổng lồ được gọi là "lá phổi sắt" từ khi mắc bệnh bại liệt năm 1952, lúc 6 tuổi. Cỗ máy này, thực chất là chiếc máy thở được phát minh từ những năm 1920, được đặt trong các khoa bệnh viện sau khi dịch bại liệt hoành hành ở Mỹ đến nửa sau thế kỷ 20.
Theo Guardian, Alexander hiện là một trong hai người Mỹ vẫn sống nhờ cỗ máy cổ này. "Tôi mất hết mọi thứ: không thể cử động, chân cũng không đỡ được cơ thể và không thể tự thở", ông nhớ lại. Alexander kể ông bị liệt từ eo xuống, được đưa đến bệnh viện và đặt cỗ máy vào cơ thể. "Lá phổi sắt" có thiết bị ống thổi ở chân, đảm nhận công việc của cơ hoành con người. Chúng tạo ra áp suất âm để phổi của người dùng chứa đầy không khí và áp suất dương cho phép người đó thở ra. Chúng lớn và cồng kềnh, đòi hỏi người dùng phải nằm im bên trong khi máy vận hành.
Trước di chứng để lại của bệnh bại liệt cũng như việc Alexander phải sống phụ thuộc vào cỗ máy, các bác sĩ không kỳ vọng nhiều về tương lai của ông. Tuy nhiên, người đàn ông hiện 75 tuổi không chịu khuất phục số phận. "Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc và cũng sẽ không bỏ cuộc", Alexander nói trong video mới trên Reuters.
Không thích việc chỉ nằm xem tivi suốt ngày, Alexander bắt đầu nghiên cứu, học hỏi và tốt nghiệp cấp ba loại xuất sắc. Ước mơ trở thành luật sư của ông ban đầu thất bại khi bị trường từ chối do khuyết tật. Tuy nhiên, sau hai năm kiên trì, Alexander được nhận học bổng Đại học Southern Methodist. Ông tốt nghiệp với tấm bằng Tiến sĩ luật Đại học Texas ở trường Luật Austin năm 1984. "Cuối cùng thì cũng có điều tốt đẹp xảy ra. Tôi mong trở thành luật sư từ lâu lắm rồi", ông cười nói.
Theo Guardian, Alexander dành mấy chục năm làm việc trong lĩnh vực pháp lý. Có thời điểm ông rời chiếc "lá phổi sắt" vài phút sau khi học "cách thở của loài ếch". Nhưng hiện khi đã có tuổi, Alexander một lần nữa phụ thuộc vào cỗ máy khổng lồ này 24/7. Ông được chăm sóc ngày đêm tại một cơ sở ở Dallas.
"Tôi làm tất cả những việc người khác vẫn làm. Tôi tỉnh dậy, rửa mặt, đánh răng, cạo râu và ăn sáng. Chỉ là tôi cần một chút trợ giúp để làm những điều đó thôi", ông nói đùa.
Bất chấp khó khăn, người đàn ông này năm ngoái xuất bản tự truyện đầu tiên lấy tựa đề Three Minutes for a Dog: My Life in an Iron Lung. Alexander mất năm năm hoàn thành sách, khi ông phải viết từng chữ bằng chiếc que ngậm ở miệng gắn sẵn bút ở một đầu để gõ lên bàn phím máy tính.
Năm 1959, 1.200 người Mỹ phải sống phụ thuộc vào "lá phổi sắt" nhưng những cỗ máy này dần ít phổ biến sau khi chính phủ áp dụng tiêm vaccine ngừa bại liệt trên diện rộng. Năm 1979, Mỹ tuyên bố xóa sổ bệnh bại liệt. Đến năm 2014, chỉ còn 10 người Mỹ mang lá phổi sắt.
Số người sống bằng "lá phổi sắt" trên thế giới hiện cũng tiếp tục giảm. Năm 2019, bà Mona Randolph ở bang Missouri, Mỹ, qua đời ở tuổi 82 sau hàng chục năm phụ thuộc vào cỗ máy này. Alexander hy vọng ông sống lâu hơn thế để câu chuyện cuộc đời mình trở thành nguồn cảm hứng cho những người khác.
"Tôi muốn đạt được những điều người ta từng nói tôi sẽ không làm được và hiện thực hóa những giấc mơ của mình", ông nói.
Hướng Dương (Theo NY Post)