Theo đơn trình bày của sản phụ Nguyễn Thị Tín, trú xóm 13, Nghi Phú, TP Vinh: vào hồi 11h đêm 13/10 sản phụ bị đau bụng vào BVĐK tỉnh Nghệ An, các bác sĩ (BS) khám cho biết thai chưa đủ tháng. Sản phụ muốn giữ thai nhi thì được nữ BS tên là Trang bảo: "Giữ được thì giữ, không giữ được thì đẻ".
BS Trang lập bệnh án, lấy mẫu máu cho đơn thuốc và bảo người nhà nộp viện phí, đi mua thuốc. Một người trong ca trực tiêm và một người khác đặt thuốc rồi bảo sản phụ lên bàn nằm... Lát sau sản phụ tiếp tục bị đau bụng, BS Trang y lệnh đặt 1 trong 2 viên thuốc cho sản phụ. Khoảng 30 phút sau một cô khác định đặt tiếp viên thuốc còn lại nhưng sản phụ nghe người đặt viên thuốc thứ nhất thốt lên: "Chết rồi"! Người ấy nhìn sản phụ nói tiếp: "Lúc nãy mình đặt thuốc cho con mẹ này đi phải găng tay rách... mình nghe điện thoại mà nổi gai ốc, chết thật!". Người ấy bảo chị Tín "xuống đi, đừng nằm đây nữa, không đặt thuốc nữa".
Thấy vậy chị Tín hoảng loạn khóc hỏi BS về bệnh tình của mình thì được bảo "gọi chồng vào đây", họ bảo nói với chồng của sản phụ rằng cứ đi xét nghiệm thì biết. Họ còn bảo cho cả con gái của anh chị (SN 1989) đi xét nghiệm xem có bị lây bệnh không. Họ bắt chị phải xuống tầng một, đi đến cầu thang chị hỏi thì được nhân viên y tế bảo: Biết bệnh rồi tại sao không nói cho họ. Xuống đến tầng một sản phụ càng bị cơn đau vật vã, muốn đi vệ sinh cũng bị nhân viên y tế đe nẹt không cho vào nhà vệ sinh mà bắt ra mua bô vệ sinh và tìm nơi đổ riêng.
Trong cơn đau, chị phải tự lo mọi việc, lại bắt người nhà đi mua nilông để trải giường. Trong cơn đau dữ dội chị Tín sản phụ phải nài xin BS lên bàn đẻ nhưng họ bảo cứ lên giường mà nằm. Trong lúc người nhà đi mua nilông thì sản phụ vỡ ối, họ bắt chị đi đổ. Em của chị Tín chạy gọi BS để xin được đẻ, BS bảo nằm tại giường ấy mà đẻ. Rồi đứa trẻ cũng được ra đời, một nữ BS bảo cô thực tập đưa con lên tầng 2 để băng rốn, mãi 2 lần rốn mới được băng. Đứa bé chẳng được lau chùi, họ đặt hai mẹ con nằm cạnh lối ra vào không có lấy lời dặn dò mà lẽ ra đứa trẻ phải được nằm lồng ấp.
Bị đối xử như vậy cùng với ánh mắt khác lạ của mọi người nhìn 2 mẹ con nên chị Tín xin về nhà, BS bảo về thì về, chỉ sợ mẹ băng huyết mà không hề nhắc gì đến đứa trẻ. Về nhà đứa trẻ vẫn bú, đi vệ sinh bình thường, nhưng tối đến nó khóc nhiều và khoảng 3 giờ sáng hôm sau (đúng 24 tiếng đồng hồ sau khi sinh) đứa trẻ đã qua đời. Chị Tín đau khổ vì bị mất con và nỗi lo bị HIV cứ ám ảnh.
Tại nhà của sản chị Tín tại xóm 13 xã Nghi Phú TP Vinh, anh Nguyễn Văn Lâm, chồng chị kể: "Sáng 14/10, đến BV tôi hốt hoảng thấy vợ và đứa con mới sinh nằm nơi trống trải, hỏi vì sao con tôi không được nằm lồng ấp thì được BS trả lời không có lồng ấp". Thấy chồng đến nước mắt càng đầm đìa sản phụ một hai đòi đưa mẹ con chị về.
Anh hốt hoảng khi nghe tin vợ bị nhiễm HIV liền đưa vợ con về nhà, sau đó anh đến TTYT dự phòng tỉnh xét nghiệm máu của mình. Khi biết kết quả âm tính anh Lâm mừng chạy về nhà báo tin vui, liền đó anh trở lại TTYT dự phòng chở BS về nhà lấy máu vợ lên xét nghiệm tiếp. Kết quả cũng âm tính. Niềm vui đang tràn ngập ngôi nhà nhỏ thì ngay đêm đó đứa bé mới được một ngày chào đời đã ra đi.
Anh Lâm làm đơn khiếu nại gửi BVĐK và Sở Y tế Nghệ An. Ngày 20/11, dưới sự chủ trì của Chánh thanh tra Sở Y tế, anh Lâm nhận 10 triệu đồng hỗ trợ hương khói cho con và bồi dưỡng sức khoẻ cho vợ. Anh định trả lại món tiền này trước mặt mọi người nhưng không đành, hiện món tiền đó gia đình anh chưa hề đụng đến. Vợ chồng anh đang đau khổ dằn vặt bởi gia tộc, nội ngoại và bạn bè bảo anh đã bán rẻ đứa con tội nghiệp.
Vợ anh đã uống 40 thang thuốc hiện có dấu hiệu lú lẫn, hoảng loạn bởi cái đêm kinh hoàng tại BVĐK ấy. Chị Tín xanh xao nói trong nước mắt: "Ôi, 10 triệu đồng bù đắp được việc tôi mất con? Tôi cứ hỏi vì ai mà con mình phải chết oan uổng. Đêm tôi không dám nằm một mình, ôm con gái lớn mà ngỡ đang ôm đứa con mới sinh".
Trả lời việc sản phụ nguyễn Thị Tín bị coi là nhiễm HIV, GĐ BVĐK Nghệ An nói: "BV chúng tôi không được phép công bố bệnh nhân bị nhiễm HIV". Hỏi về thái độ của ca trực đối xử với chị Tín, ông GĐ ngắt lời: "Đó là các anh nghe chứ có phải tôi nghe đâu. Việc đã giải quyết là anh em ca trực hôm đó bỏ tiền ra. Cái này không liên quan gì đến lãnh đạo". Chưa trả lời thấu đáo về câu hỏi của món tiền 10 triệu đồng, ông GĐ ngắt lời: "Cái này tôi không biết, các anh gặp anh Linh trưởng khoa...".
Ông Nguyễn Danh Linh, PGĐ kiêm Trưởng khoa sản BVĐK Nghệ An, nói: "Qua xét nghiệm nhanh có nghi chị Tín bị nhiễm HIV. Chúng tôi đã để xảy ra sơ suất là ca trực hôm đó do BS Thu Trang phụ trách không giữ kín vì dẫu có nghi cũng phải bí mật vì BV không được phép công bố, chỉ biết để y BS trong quá trình điều trị tự bảo vệ mình khỏi bị lây nhiễm. Việc ca trực trao đổi với nhau đã để người nhà nghe, nilon BV có đủ nhưng ca trực trước không bàn giao lại cho ca sau nên gia đình phải đi mua, BV không có lồng ấp, việc đưa chị Tín từ tầng 2 xuống tầng một cũng là một phòng phụ khoa bình thường như những phòng khác".
Ông Linh khẳng định: Trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Tín là sẩy thai vì thai mới 29 tuần, thai nhi sớm muộn cũng không thể sống được. Nói tóm lại những sơ suất và cơ sở vật chất thiếu thốn của BV nên mới phải trả giá... 10 triệu đồng chứ không phải là đền bù.
Hỏi 10 triệu đồng "hỗ trợ" lấy từ nguồn nào, ông Linh trả lời: Từ sự đóng góp của anh em trong khoa! Nhưng ông Linh vẫn tránh không trả lời "suất" Trưởng khoa đã phải góp vào bao nhiêu.