Học sinh cũng rất đa dạng, lớp 1 có, lớp 5 có, thậm chí có cả sinh viên đại học, giáo viên, phụ huynh... Tất cả đều mong muốn nét chữ của mình được cải thiện. Bí quyết nổi bật có lẽ là giáo án luyện viết chữ đẹp từ xa của cô được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp giấy chứng nhận về bản quyền tác giả tháng 1/2004. Phương pháp ở đây cũng rất ấn tượng: "Tôi không dạy các em bắt chước máy móc mà chỉ ra phương pháp để học chữ và bí quyết là người học cùng khám phá quy luật các con chữ". 29 chữ cái là 29 câu thơ, 29 hình tượng bay bổng, 29 sự sáng tạo. Một khóa học của cô chỉ kéo dài 10-12 buổi nhưng nét chữ của học sinh đã thay đổi hẳn, từ những trang đầu con chữ rời rạc, không mấy hấp dẫn, nhưng càng về sau con chữ càng trở nên mềm mại và đều hơn. Một lò luyện khác cũng được phụ huynh và học sinh tín nhiệm là lò luyện của thầy Phạm Thế Vinh (số 2, ngõ 2B, Khâm Thiên). Bắt đầu "kiếm sống" bằng nghề viết thuê giấy khen, bằng khen từ 17 tuổi, đến giờ đã ngoài 70, ông giáo Phạm Thế Vinh vẫn miệt mài với công việc luyện chữ. Công nghệ theo giáo trình tự soạn của ông, chữ cái được chia thành 4 nhóm có nét tương đồng. Ông tìm ra 11 chữ cái có nét J. Bắt đầu từ nét này có thể thực hiện được 11 chữ cái khác như: B, P, R, K, H, S, D, V... Thay vì cho học trò tô lại những chữ có sẵn, ông chỉ chấm những điểm cần đưa bút trên trang vở, học trò tự nối lại với nhau. Ông dành 1 buổi dạy sửa cách cầm bút và uốn nắn cách ngồi cho đúng, 5 buổi để dạy viết nhanh. Và chỉ trong 10 buổi, học trò có thể sửa từ viết xấu, viết chậm thành viết đẹp, nhanh. Còn tại số nhà 12, ngõ 62 đường Trần Quý Cáp từ 2 năm nay lúc nào cũng tấp nập học sinh ra vào. Đây là trung tâm luyện chữ của hai thầy Nguyễn Đức Đồng và Nguyễn Đương Ánh ở Bắc Ninh nổi tiếng với công nghệ bút mài. Tính từ ngày thành lập đến nay, trung tâm đã mở lớp dạy chữ cho học sinh 10 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, 12 khóa cho 150 sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Bí quyết của lớp học này là học sinh dùng bút mài, ngồi đúng tư thế và luyện chữ đúng phương pháp. Bởi chỉ cầm sai chiều, bút không ra mực, học sinh biết sai tư thế sẽ tự điều chỉnh. Đến nay hai thầy đã mài được hơn 90 nghìn ngòi bút để cung cấp cho học sinh. Ngoài ra còn có lò luyện của anh Dương Tuấn, chị Đặng Hải Lý (10 Hàng Mành), cô giáo Lan (P405, K8, Bách Khoa), cô giáo Liên Hương (P14, nhà P2, ngõ 45 phố Chùa Bộc) cũng là địa chỉ quen thuộc của các bạn nhỏ chữ chưa đẹp... Dẫu sao, cũng phải thừa nhận đây là một việc có ý nghĩa. Trong thời đại thông tin, con người sử dụng nhiều đến máy vi tính, song những văn bản viết tay vẫn có những giá trị riêng của nó. Luyện chữ, nó không đơn giản chỉ là vấn đề chữ viết mà còn thể hiện tính cách mỗi con người. (Theo An Ninh Thủ Đô) |