![]() |
Tiếp thị mọi lúc mọi nơi. |
"Thưa bà, tôi là Lê Hân, đại diện marketing Bệnh viện Việt - Pháp. Bệnh viện chúng tôi đang có chương trình khuyến mại đặc biệt tặng khách hàng làm thẻ hội viên...".
"Chào anh, em là Lê Hân, đại diện ... Anh vui lòng cho em một cuộc hẹn được không ạ?".
Một ngày của cô tràn ngập điệp khúc trên. Bốn cái điện thoại ở văn phòng nóng rẫy như ngô nướng. Véo von, cười rách miệng và tay dập dìu lên xuống theo ngữ điệu. Dù khách hàng đang ở cách đó hàng chục km. Hân, và hầu hết nhân viên trong văn phòng đều đứng trên giày cao gót để gọi điện. Không phải vì thiếu ghế. Khi đứng, mình có cảm giác đang chủ động dẫn dắt khách hàng, Hân tin vậy.
8h sáng là khi đối tượng chưa kịp bực dọc ở cơ quan. 11h-11h 30 trưa, công việc buổi sáng tạm ổn, thời điểm đối tượng thư giãn. 16h30-18h chiều là khi đối tượng đang phấn chấn nghĩ về một cuộc xả stress với bạn bè. Nếu chệch chút để anh ta về đến nhà, nơi có phu nhân vĩ đại thì cuộc liên lạc cầm chắc thất bại. Đôi khi trong giấc ngủ Hân cũng mơ về cái đồng hồ.
Theo Sinh Viên Việt Nam, công việc của Hân, nói dễ hiểu là mời chào được càng nhiều người đi khám chữa bệnh càng tốt. Một "nghề" khá lạ lẫm ở Việt Nam và nó không dễ tiếp cận khách hàng vì những liên tưởng về bệnh tật. Khởi nghiệp, mỗi nhân viên marketing được bệnh viện tặng khoảng 200 địa chỉ khách hàng tiềm năng làm vốn, sau đó phải tự khai thác. Khách hàng tiềm năng là những người hội tụ ít nhất hai trong số ba tiêu chuẩn "Trả - Cần - Gặp". Trả là thu nhập từ 300 USD trở lên đến vô tận để có khả năng chi trả. Cần là có nhu cầu khám chữa ở một bệnh viện cả đẳng cấp lẫn chi phí đều ngang tầm quốc tế (vì muốn bảo hiểm sức khỏe tốt nhất, vì muốn dán thêm một cái mác thời thượng cho bản thân, hay vì tiền không biết để làm gì... nhưng đã là khách hàng thì bệnh viện trân trọng như nhau). Tiêu chuẩn thứ ba là đối tượng đồng ý gặp đại diện marketing, tất nhiên.
- Xin lỗi có phải đạo diễn Trọng Chinh ở đầu dây?
- Vâng, tôi nghe.
- Em Lê Hân...
- A! Anh đang có mấy vai đấy, nhưng trí thức thì mặt em sữa quá, còn vai nghiện thì lại vướng cái kính cận.
- Dạ, em làm đại diện...
- Ha ha... Mời anh trở thành bệnh nhân chứ gì? Nghe nói chỉ đi dạo một buổi sáng qua mấy phòng xét nghiệm chỗ em đã tốn chục triệu. Anh đâu phải đạo diễn Hollywood em ơi (giọng rất đau khổ).
....
- Xin lỗi đây có phải Công ty Z?
- Chị cần gặp ai ?
- Tôi là Lê Hân, đại diện maketting bệnh viện... muốn gặp giám đốc Trần Minh.
- Mẹ! Mẹ ơi ông nội cấp cứu, có người gọi bố! (thất thanh và náo loạn)
...
- Alô,
- Em ơi, nếu anh đến chỗ em bây giờ thì cả Cục sẽ đồn ầm thằng cha ấy tham nhũng nặng mới có tiền, thanh tra sẽ nhảy vào ngay. Vậy chờ anh về hưu nhé! (cúp máy)
...
- Alô...
- Cám ơn chị, tôi được Nhà nước chữa bệnh miễn phí ở Bệnh viện Hữu Nghị đến cuối đời rồi. (Khu vực quận Ba Đình do Hân phụ trách có khoảng 70% khách hàng tiềm năng thuộc dạng bao cấp này).
...
- Alô, cám ơn. Alô, cám ơn. Alô, cám ơn...
Khi quai hàm đã cứng đơ sau hai trăm cuộc gọi thì Hân nhận được ba lời hẹn. Môi nhạt, vét sẫm màu và giày mười một phân gót nhọn, Hân đến cuộc gặp thứ nhất. Khách hàng là một nữ diễn viên nổi tiếng.
Ngõ Thổ Quan chằng chịt như mê trận. Năm cuộc điện thoại từ máy di động nghe chỉ dẫn đường và gần một giờ tìm kiếm, Hân tìm ra ngôi biệt thự. Chủ nhân sau khi nghe giới thiệu hết những chương trình ưu đãi, tươi cười... chìa chân cho Hân. "Em ở bệnh viện, xem giùm chị bị eczema thì bôi thuốc gì?". Hai ngày sau Hân trở lại biệt thự cũ, mang theo tư vấn của bác sĩ người Pháp. Lần này nữ khách tiềm năng hỏi đến cách chữa bệnh tiểu đường cho ông ngoại. Còn chuyện trở thành hội viên, chị hứa khi nào có thời gian nhất định sẽ đến bệnh viện đăng ký.
Cuộc gặp thứ hai diễn ra ở Công ty FPT.
Văn phòng rất đông. Ngay khi Hân kết thúc phần marketing của mình, anh trưởng phòng phản biện: " Em nói bệnh viện đầu tư hàng chục triệu đô la, nhưng đi qua thấy phòng khám cũ kỹ?".
- Anh nhìn rất tinh. Đó là phòng dành cho bác sĩ, còn kinh phí đã được đầu tư hết vào trang thiết bị cho bệnh nhân.
- Vậy vụ kiện làm chết thai nhi giải quyết sao rồi? - một chị tóc vênh vếch tấn công tiếp.
- Có lẽ do bệnh viện quá nổi tiếng nên không thông tin nào lọt khỏi mọi người. Song chị biết đấy, tại tòa án...
- Nghe nói có nhiều ca bệnh viện phải bó tay?
- Khi bệnh nhân đã hết phương cứu chữa ở nơi khác, mọi người thường gửi gắm cho Việt - Pháp. Em nghĩ chị hài lòng với câu trả lời này.
Cuộc hẹn thứ ba với một giám đốc. Lần này chỉ diễn ra trong 7 phút rưỡi. Khách hàng nói không cần giới thiệu, ông sẵn sàng làm một lúc ba thẻ hội viên cho mình, con trai và cháu nội. Chỉ với một điều kiện duy nhất là cô về làm thư ký cho ông. Theo lời ông thì Hân có cặp chân rất dài...
Hân tháo giầy cao gót, về "mo". Nếu ký được một cái hợp đồng làm thẻ hội viên trị giá một triệu, Hân được 30 nghìn đồng. Chưa đủ tiền xăng và điện thoại di dộng để chăm sóc khách hàng (công việc đại diện marketing không có lương cứng). Nhưng áp lực nằm ở chỗ khác. Hình như ở giọng nói quá dịu dàng của sếp: "Tháng trước có nhân viên ký được 80 hợp đồng VIP". Mỗi thẻ hội viên VIP trị giá 5,8 triệu đồng, nghĩa là người đó mang về cho bệnh viện gần nửa tỷ. Hân hiểu, sếp đang soi năng lực nhân viên.
Hôm qua Hân vào trường thăm thầy Thìn hiệu phó (tranh thủ mời thầy làm khách hàng của bệnh viện). Thầy hỏi ước mơ làm luật sư của Hân có còn không? Hân bảo, nếu Nhà nước không nhận, có thể sau này em sẽ mở văn phòng luật sư. "Văn phòng luật sư Hân" nghe sang hơn đại diện marketing phải không thầy? Nhưng mọi người bảo mấy văn phòng luật sư bây giờ chỉ có mỗi việc viết đơn thuê thôi thầy ạ. Hân cười, hình dung mình môi nhạt, vet sẫm màu và giầy mười một phân gót nhọn ngồi viết đơn thuê.