Đông đảo SV mới ra trường tranh thủ lấy điểm trước nhà tuyển dụng tại một sàn giao dịch việc làm tại TP HCM. |
Các ứng viên đã mắc phải những lỗi rất thông thường mà theo các chuyên gia, chỉ cần “nghệ thuật” một chút là ổn.
Những lỗi “trời ơi”
“Tôi có kỹ năng của một người chế tạo ra chiếc bóng đèn”; “Kinh nghiệm của tôi: sáng 7h30 đến cơ quan, đọc báo, làm việc, đến 11h30 đi ăn trưa, ngủ trưa đến 13h30, làm việc đến 16h30 xách xe về”; “SV mới tốt nghiệp, mong muốn: một công việc nhàn hạ, được đi du lịch nhiều nơi, lương 500 USD”... Có ứng viên cho địa chỉ email với những nickname rất “phản cảm” như: cogaixinhdep, kethatnghiep, hayyeutoi... gửi đến nhà tuyển dụng. Theo các chuyên gia, từ chi tiết tưởng nhỏ đó, ứng viên đã đánh mất ấn tượng ngay khi nhà tuyển dụng chưa trông thấy mặt mũi của họ.
Ông Chris Harvey, Tổng giám đốc VietnamWorks.com, nói: “Nó rất quan trọng, giúp các ứng viên lộ diện tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Song do không chú trọng, nhiều ứng viên chưa thật sự biết cách thực hiện CV như thế nào”. Các chuyên gia của VietnamWorks thống kê các lỗi mà các CV mắc phải: hồ sơ trông như một nhật ký công việc (liệt kê lịch làm việc sáng, trưa, chiều, tối...); dùng đại từ xưng hô (như “tôi”, “của tôi” dạng viết thư); đưa vào các thông tin cá nhân không liên quan; lặp lại từ ngữ; trình bày xấu, khoa trương; CV không có thư xin việc đi kèm; gửi một C.V chung chung (mà không chú trọng theo lĩnh vực đang dự tuyển); lỗi đánh máy, chính tả, ngữ pháp; gửi hồ sơ tới một người không biết tên.
Các ứng viên là sinh viên thường bỏ trống phần kinh nghiệm, mà lý ra họ nên giới thiệu những hoạt động ngoại khóa trước đây của mình.
Điểm nhấn
Theo lời khuyên của các chuyên gia tuyển dụng, một CV tạo ấn tượng cần đáp ứng các yêu cầu: tiếp thị hiệu quả (bắt đầu bằng bản tóm tắt năng lực, trong đó đưa ra các kỹ năng và kinh nghiệm trong vòng bốn đến sáu dòng); trình bày thành tích (tóm tắt việc đã làm, kết quả đạt được, lưu ý những lợi ích mà công ty bạn đã hoặc đang làm thu được từ đó, dùng các con số và tỷ lệ phần trăm để phản ánh số tiền và thời gian tiết kiệm được). Cần nói chính xác điều muốn nói, dùng càng ít từ càng tốt để diễn đạt một vấn đề, trình bày các kỹ năng, bằng cấp và kinh nghiệm mà không thổi phồng; đừng đưa thông tin bất lợi (không nêu lý do vì sao bạn bỏ một chỗ làm, không nên đề cập mức lương vì nếu đề ra mức lương quá cao hoặc quá thấp sẽ gây bất lợi cho bạn)...
Từ những lời khuyên này, nhiều ứng viên đã vượt qua “cửa ải” đầu tiên. Như ứng viên Thanh Thảo (chuyên ngành luật, 26 tuổi) kể: “Tôi mới chuyển vào TP HCM nên rất cần tư vấn cho một CV tốt, hợp với phong cách của nhà tuyển dụng phía Nam. Cái tôi cho là dễ cuốn hút (một câu danh ngôn ưng ý cho vào phần sở thích chẳng hạn) lại là cái rườm rà, làm mất điểm của tôi trong mắt nhà tuyển dụng”. Đến hôm nay, CV của Thảo đã được sáu nhà tuyển dụng xem xét và có đến bốn nơi mời cô phỏng vấn.
(Theo Tuổi Trẻ)