Theo một công trình nghiên cứu của một nhà xã hội học người Pháp thì kẻ thù chính của hạnh phúc gia đình không phải là sự khó khăn về kinh tế hay sự thiếu chung thủy vợ chồng mà lại là do những cuộc cãi vã thường xuyên.
Nguy cơ của cãi vã
Số liệu thống kê cho thấy, những cặp vợ chồng có cãi nhau vặt mỗi tuần vài lần chiếm tới 3/4 số gia đình ở thành phố. Những cuộc cãi nhau dẫn đến đánh nhau (chủ yếu là chồng đánh vợ vì chồng khỏe hơn) cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết những người vợ bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" bao giờ cũng bắt đầu bằng "đấu khẩu". Các nhà xã hội học Mỹ còn cho biết, cứ hai gia đình thì có một cặp vợ chồng mà vợ bị đánh từ 5 lần trở lên. Tình trạng này ảnh hưởng rất xấu đến giáo dục con cái. Có đến 80% tội phạm lớn lên trong những gia đình mà bố mẹ thường xuyên cãi nhau.
Ở Mỹ có tới 63% sát thủ ở độ tuổi vị thành niên mà nạn nhân là kẻ đánh đập mẹ chúng. Xem thế đủ thấy những cãi cọ trong gia đình nguy hại như thế nào. Nhưng vì sao vợ chồng lại cãi nhau? Nguyên nhân nào đã gây ra những cuộc khẩu chiến đó? Khi yêu nhau, tìm hiểu nhau, nếu hay cãi nhau như vậy sao còn kết hôn? Không trả lời được những câu hỏi này, nói gì đến việc tìm ra giải pháp?
Theo dõi quan hệ của nhiều cặp vợ chồng trong một thời gian dài, người ta nhận thấy có những giai đoạn vợ chồng hay cãi nhau và có những giai đoạn ít cãi nhau hơn. Thoạt đầu là thời kỳ mới chung sống khoảng 2-3 năm. Giai đoạn này, sau khi ánh hào quang của tình yêu không rực rỡ nữa, hai "tiểu vũ trụ" bắt đầu nhận ra họ chẳng hợp nhau đến mức như họ tưởng. Những thói quen, sở thích, cá tính, những quan niệm về các giá trị tinh thần, đạo đức mà họ mang vào cuộc sống chung từ hai nền "tiểu văn hóa" hóa ra không giống nhau nhiều lắm.
Vì thế giai đoạn này rất nhiều cuộc cãi vã nổ ra, có khi khá quyết liệt, để dành phần thắng về mình và xác định vị thế mỗi người. Tỷ lệ ly hôn xảy ra trong thời kỳ này khá cao. Nhưng qua được giai đoạn này lại đến một thời kỳ êm ả. Một là đã có kẻ thắng, người thua. Hai là người ta cũng nhận ra những cuộc tranh cãi vô bổ chẳng đi đến đâu và tự điều chỉnh mình cho bớt căng thẳng.
Độ 10 năm sau mới lại xảy ra một thời kỳ xung đột thứ hai. Bởi vì theo lẽ tự nhiên, con người liên tục thay đổi trong suốt chiều dài cuộc đời mình. Những ham mê, sở thích, cách nhìn cuộc đời của bạn đã thay đổi.
Bạn hãy tưởng tượng, trong khi đó bên cạnh bạn lại có một người bạn đời cùng tồn tại, phát triển và thay đổi như chúng ta. Nếu hai quá trình thay đổi ấy không cùng một hướng thì đến một ngày, bạn sẽ nhận ra, giữa hai người có một khoảng cách khá xa. Đó là tai họa của những cặp vợ chồng chỉ chăm lo bản thân, ai vùi đầu vào công việc người nấy. Tuy họ vẫn sống cùng một nhà nhưng nếu có trò chuyện với nhau chỉ quanh đề tài cơm ăn, nước uống, con cái, nhà cửa. Đến thời điểm này tỷ lệ ly hôn cũng cao. Vượt qua được, họ sẽ đi đến bền vững cho đến cuối đời.
Cãi nhau cũng cần quy tắc
Như vậy, trong cuộc sống vợ chồng hiện đại, khi hai người bình đẳng với nhau, không ai lệ thuộc vào ai thì sự tranh cãi nhau là điều không tránh khỏi. Vấn đề là làm thế nào để có văn hóa trong tranh cãi, có kỹ thuật an toàn, không quá đà đến mức phải giải quyết thắng thua bằng vũ lực. Các nhà nghiên cứu về đời sống gia đình trên thế giới đề xuất mấy quy tắc tranh cãi sau đây:
Một là khoanh vùng phạm vi tranh cãi hẹp đến mức tối thiểu. Nghĩa là nếu cãi nhau vì cái gì thì chỉ về cái đó, không để "ngọn lửa chiến tranh lan rộng" ra các vấn đề khác. Càng không nên moi móc quá khứ của nhau để tìm ra những sai lầm, kém cỏi từ ngày xửa ngày xưa rồi tổng kết lại.
Hai là không dùng những lời lẽ xúc phạm nhau. Để thuyết phục người khác tin rằng họ sai, mình đúng, phải dùng lý lẽ sao cho dễ hiểu, dễ thông cảm bằng một thái độ hòa nhã chứ không phải bằng những lời lẽ cay độc, miệt thị nhau. Nhiều khi người ta quên mất đã bắt đầu cãi về cái gì mà chuyển sang cãi nhau về cái cách mà họ tranh cãi. Đặc biệt phải tránh tức giận, bởi vì một khi đã quá giận thì mất khôn.
Thứ ba là cần phải tỉnh táo nhận ra cái sai của mình. Nếu chúng ta cãi nhau với một kẻ không có khả năng nhận ra sai đúng thì có khác gì nói với đầu gối.
Làm lành và tha thứ
Đó chính là văn hóa của sự tranh cãi. Người ta cũng cho rằng tranh cãi vợ chồng không cần đi tới thắng thua, không nên dồn đối phương vào chân tường. Bởi vì bạn thử nghĩ xem, cái giá của chiến thắng sẽ là gì? Lẽ nào lại là bầu không khí gia đình lạnh tanh, thậm chí tẩy chay nhau nhiều ngày? Đó là chưa kể những ông chồng thua về "chính trị" lại tìm thế thắng trong "quân sự". Thật có lý khi có người còn cho rằng trong tranh cãi vợ chồng "thắng" đồng nghĩa với "bại".
Có một đôi vợ chồng cãi nhau bắt đầu từ việc người vợ lỡ tay đánh vỡ cái lọ hoa kỷ vật của gia đình. Mất một vật như thế có đáng tiếc không? Dĩ nhiên là rất đáng tiếc nhưng dù tiếc đến đâu thì cái lọ cũng đã vỡ rồi. Người chồng gầm lên: "Tại sao lại thế?". Người vợ giải thích về sự vô ý của mình. Nhưng chồng không chấp nhận và coi hành vi của vợ là không thể tha thứ. Không những thế anh ta còn kể lể đến những sự vô ý đến "ngu ngốc" của vợ gây ra thiệt hại từ năm ngoái, năm kia, để đi đến kết luận vợ là một kẻ chuyên "phá hoại".
Người vợ cũng nêu ra một số dẫn chứng trong quá khứ để chứng tỏ anh chồng cũng là một kẻ "phá hoại" không kém. Cuộc cãi nhau chuyển sang đề tài ai phá hoại, ai xây dựng cái gia đình này và cả hai cùng nhận công lao, tài giỏi về mình, gán cho đối phương những cụm từ "vô tích sự", "ăn hại đái nát". Cuối cùng họ thách nhau ly hôn. Tuy chưa có ai viết đơn nhưng vết rạn ấy trong gia đình khó có thể hàn gắn được. Đến lúc họ nhận ra, một bên là cái lọ hoa và một bên là tình nghĩa vợ chồng, cái gì dễ vỡ hơn, cái gì đáng phải gìn giữ hơn thì đã quá muộn.
(Theo Thời Trang Trẻ)