Hầu hết các cuộc phỏng vấn được ghi chép và lưu giữ. Bạn trả lời phỏng vấn vì bạn muốn dùng phương tiện truyền thông như một kênh dẫn bạn đến với công chúng. Sau đây là những kinh nghiệm:
- Khi phỏng vấn trên truyền hình, hãy luôn nhìn thẳng vào mắt người phỏng vấn. Đừng nhìn vào máy quay hay màn hình. Đừng lo lắng về chiếc máy quay. Đã có người chuyên môn chịu trách nhiệm về nó - bạn không cần phải bận tâm. Hãy cố đừng nhìn ra chỗ khác khi bạn đang suy nghĩ để tìm câu trả lời. Hãy luôn nhìn vào mắt người phỏng vấn bạn.
- Các cuộc phỏng vấn qua cầu truyền hình khác với những cuộc phỏng vấn trực tiếp với phóng viên. Nếu bạn đang ngồi trong trường quay để trả lời phỏng vấn của một phóng viên đang ngồi ở một trường quay khác, bạn nên nhìn thẳng vào máy quay. Trong trường hợp này, máy quay chính là người bạn đang đối thoại. Ngay cả nếu người phỏng vấn bạn đang ở một nước khác, bạn cũng nên hình dung người đó là chiếc máy quay ở trước mặt bạn.
- Hãy bắt đầu với ba điểm chính mà bạn muốn nói. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ có vài phút trước cuộc phỏng vấn để nói chuyện với phóng viên. Để họ hiểu rõ bạn hơn, bạn có thể gửi một vài thông tin đến trước khi phỏng vấn. Điều quan trọng nhất là hãy đảm bảo rằng câu trả lời đầu tiên của bạn nêu được một trong ba điểm quan trọng mà bạn muốn đề cập đến trong cuộc phỏng vấn.
- Nếu người phỏng vấn cứ đi lạc khỏi vấn đề mà bạn muốn nêu, hãy lịch sự, nhưng hãy kiên định hướng cuộc nói chuyện trở về những điểm mà bạn muốn nêu bằng cách dùng những "cầu nối", bắt đầu câu trả lời của bạn bằng cách nói "Ồ, tôi nghĩ rằng vấn đề thực sự là..." và sau đó nêu ra một trong những điểm mà bạn muốn nói. Những câu nói sau là những "cầu nối" hữu ích giúp bạn có cơ hội nêu được những vấn đề mình muốn. Những câu có thể áp dụng là: Tôi muốn nói thêm rằng..., Người ta thường hỏi tôi rằng..., Đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của tôi, nhưng tôi cũng biết rằng..., Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là...
- Nếu phóng viên hỏi một câu mà bạn không muốn trả lời, hãy quay lại "hòn đảo an toàn" của bạn. Hãy dùng một câu chuyện để minh hoạ cho một trong ba điểm mà bạn đã chuẩn bị trước. Các câu chuyện thường dễ nhớ hơn. Hãy nghĩ về những cuộc phỏng vấn mà bạn đã nghe và có thể bạn sẽ nhớ ra một câu chuyện để minh hoạ cho điều bạn muốn nói.
- Khi đối diện với một câu hỏi tiêu cực, đừng bắt chước thái độ tiêu cực đó! Nhiệm vụ của bạn là nêu bật được ba điểm quan trọng. Đừng tự ái hay bảo thủ. Hãy nhanh chóng đính chính những thông tin sai lệch và sau đó nêu ra một trong những điểm tích cực mà bạn muốn nói. Hãy tỏ thái độ tích cực. Nếu người phỏng vấn nói một câu chỉ trích gay gắt, bạn có thể nói: "Anh hỏi tôi câu đó là tốt, nhiều người cũng quan niệm sai lệch như vậy, nhưng sự thực là..." và sau đó hãy quay lại "hòn đảo an toàn" của bạn.
- Nếu câu trả lời bị ngắt bằng các câu hỏi của phóng viên, cứ để họ ngắt lời. Bạn có thể nói: "Anh đã hỏi tôi vài câu", và sau đó hãy chọn câu hỏi nào bạn muốn trả lời và nêu ra điều mà bạn cho là quan trọng. Nếu những câu phóng viên ngắt lời bạn đi lệch những điều bạn đang nói và bạn muốn hướng cuộc đối thoại quay trở lại đúng trọng tâm, bạn có thể nói "như tôi đã nói" và sau đó tiếp tục câu trả lời với những điểm quan trọng của bạn.
- Nếu hai bên im lặng một lúc lâu, bạn hãy cứ giữ im lặng. Đừng tự nhiên đưa ra những thông tin không cần thiết. Chớ nên sợ sự im lặng. Người phỏng vấn sẽ lo việc đó. Trong một cuộc phỏng vấn mang tính chất hơi đối đầu một chút, sự im lặng thường là cách người phỏng vấn sử dụng để người trả lời phỏng vấn phải tự tiết lộ thêm thông tin.
- Nếu bản thân bạn không biết câu trả lời, hãy thành thực. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy nói như vậy: "Tôi rất tiếc, nhưng tôi không có thông tin đó, nhưng tôi sẽ rất vui được trả lời anh sau". Khi bạn nói như vậy, hãy đảm bảo rằng sau này bạn sẽ cung cấp thông tin cho người phỏng vấn như đã hứa.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)