Gọi cho anh không bao giờ sợ nghe điệp khúc quen thuộc: “Thuê bao quý khách vừa gọi đang ngoài vùng phủ sóng hoặc tắt máy”. Thực sự, Dương không có quyền tắt máy hay “ngoài vùng phủ sóng”. Điện thoại lúc nào cũng mở 24h/24h, xe máy sẵn sàng, có người gọi dù trời mưa bão cũng phải lên đường ngay.
Nguyễn Tuyên Dương đi “thu gom” người điên, một nghề anh đã làm hơn mười năm nay mà đôi lúc vẫn tự cảm thấy là lạ “không giống ai”. Ngày đó, khi đang là y tá ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Dương được chuyển sang công việc “ăn không ngon, ngủ không yên” này.
Mới nghe qua cứ tưởng nhàn: Thời gian cả ngày tự quản lý lấy, nhưng khi có điện thoại của cảnh sát trật tự 115 gọi đến là phải đi ngay. Đi để đưa những người điên về đúng chỗ của họ: Bệnh viện tâm thần. Đến khi “bập” vào rồi mới thấy không đơn giản như vậy.
Làm thế nào để biết đó đích xác là một người điên để bắt lên xe? Dương cười bảo: “Phải có “tiêu chí” cả. Mình thường hay đối thoại với họ. Chẳng hạn như có người bốn mươi tuổi rồi nhưng khi được hỏi sinh năm bao nhiêu lại trả lời là 1980. Hay một ông khác lại hoa tay múa chân khoe có nhà 16 tầng ở đường Trần Hưng Đạo và đinh ninh rằng mình có 280 người con là liệt sĩ. Thế có phải điên không?
Tuy nhiên không phải chỉ dựa vào lời nói của họ mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Đưa một người lên xe chở về nhà thương điên không hề đơn giản. Phải có công an đi cùng, khi đưa người điên đi phải có mấy chữ ký: Phải khẳng định: điên ở mức độ nào thôi chứ không bắt nhầm. Không thể bắt nhầm người bình thường đưa vào bệnh viện tâm thần được”.
Dương vất vả nhất vào những ngày lễ tết hay có sự kiện gì lớn. Những thời điểm đó, Hà Nội cần phải xanh sạch đẹp nhất. Điều đó cũng có nghĩa là phải đưa người điên về đúng chỗ của họ. Chẳng ai muốn nhìn thấy vài ba người trần như nhộng “hồn nhiên” chạy nhảy trên đường phố Thủ đô, thỉnh thoảng lại ngửa mặt lên trời cười hay trèo tít lên trên ngọn cây, đặc biệt là vào những dịp nói trên...
Vào những dịp ấy, điện thoại của Dương reo liên tục đến mức nhiều khi cạn cả pin. Như đợt Sea Games, có ngày đi khoảng 8 phường ở Hà Nội, 9 giờ tối vẫn chưa về nhà khiến cho người lái xe phải lắc đầu lè lưỡi, hỏi: “Sắp được về chưa Dương?”.
9h30 xe đang lăn bánh về lại có điện thoại báo: "Một người điên đang la hét ở Cầu Giấy". Lại lên đường. Đêm khuya, ngồi nhẩm tính: Ngày hôm nay mình đã đưa mười ba người điên vào bệnh viện tâm thần.
Có hai địa chỉ để đưa: Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Trước khi đưa phải phân loại: Nếu người bệnh có hộ khẩu thường trú ở thủ đô thì đưa sang Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, còn nếu không thì đưa lên Bệnh viện Tâm thần Trung ương.
Nhưng phân loại chẳng hề đơn giản, người điên mấy ai nhớ hộ khẩu của mình ở đâu. Cho nên thường phải gửi tạm ở một trong hai bệnh viện kia, khi người điên có vẻ hồi tỉnh mới lân la hỏi han địa chỉ quê quán, sau đó báo cho người nhà biết.
Giờ đây, khi đã gần mười năm làm công việc này, Dương đã không còn giật mình khi nghe điện thoại lúc nửa đêm. Vợ con Dương cũng chẳng xem là chuyện lạ khi hai, ba giờ sáng mưa phùn gió bấc chồng mình lại dắt xe ra đi. Dương vẫn thường an ủi vợ: “Nghề của anh vậy đó”.
Nhưng chuyến đi nào cũng “hứa hẹn” nhiều nguy hiểm. Người điên có thể giết người mà vẫn vô can, bởi họ không ý thức được hành vi của mình. Nguy hiểm hơn, có những kẻ điên điên nhưng vẫn đủ tỉnh để ý thức được một điều: Nếu bị tâm thần sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, kể cả phạm tội sát nhân.
Dương đã từng chứng kiến 3-4 người điên bị nhốt trong thùng xe bàn với nhau: Khi xuống sẽ xúm vào “đánh hội đồng” mấy người công an áp giải. Họ thực hiện đúng như kế hoạch và mặc dù đã kịp cảnh giác nhưng mấy cán bộ công an vẫn bị đánh máu me đầm đìa.
Dương vén quần lên, để lộ vết sẹo dài ở đùi, “kỷ niệm” về một chuyến đi thu gom người tâm thần. “Tác giả” của vết sẹo đó là vị tiến sĩ bị điên ở phường Trung Tự. Trong khi đang chờ công an đến để cưỡng chế đưa lên xe, vị tiến sĩ nọ lẳng lặng cúi xuống… cắn một miếng vào đùi Dương, máu chảy đầm đìa. Cũng may lúc đó Dương mặc quần bò, nếu không... Răng của vị tiến sĩ sắc một cách kỳ lạ, vải quần bò cũng thủng lỗ chỗ như bị dao cắt.
Có lần, anh phải lên trại Lộc Hà - Hà Tây, chở một người điên về Hà Nội. Người điên ngồi trong xe cứ đạp cả hai chân vào tấm lưới sắt hàn bên thành xe. Tấm lưới sắt được hàn chắc chắn nhưng sắp bung ra. Hoảng quá, Dương buộc phải dừng xe xuống ngồi vào trong thùng xe để “canh” và trên đường về Hà Nội, đã hơn 1 lần vật lộn với người điên. Có người đi nhìn thấy, buột miệng: “Hai thằng điên”. Dương nghe câu ấy, chỉ muốn gào lên: “Trong xe chỉ có một người điên thôi”.
Có người điên còn thủ sẵn bật lửa trong quần lót, vào trong xe mới “nổi lửa lên”. Nhiều khi, xe cháy bùng lên mới phát hiện ra. Một người điên ở phường Nam Đồng (Đống Đa, Hà Nội) bị bắt đưa vào thùng xe chở đi. Thùng xe đã khóa cẩn thận nhưng chẳng hiểu bằng cách gì anh ta vẫn thoát ra ngoài như có phép tàng hình. Trốn thoát, lại quay về phường Nam Đồng quậy phá. Lại bị bắt.
Gặp lại “cố nhân”, Dương hỏi: “Làm sao anh thoát ra ngoài được?”. Người điên nói một cách rất tỉnh: “Em tháo cửa sắt, anh không tin em “biểu diễn” lại cho mà xem”. Anh ta trèo lên xe và quả thật chỉ trong 30 giây đã mở được tấm cửa sắt.
Từng ấy năm làm công việc này, Dương nhớ nhất lần đối mặt với một người điên châu Phi. Anh ta cùng đoàn đi du lịch Hạ Long khi đến Hà Nội thì phát bệnh, la hét, quậy phá ở đường Điện Biên Phủ. Công an áp giải ra sân bay về nước nhưng 1 giờ chiều lại thấy ở đường Điện Biên Phủ trong tình trạng khỏa thân. Công an đưa về đồn, không dám còng tay vì ngại anh ta là người nước ngoài.
Dương đến, thấy người đàn ông da đen ấy hung hăng đánh cả mấy chiến sĩ cảnh sát... Dương lại gần, lân la để “bắt mạch” xem anh ta bị tâm thần ở mức độ nào. Nhưng nói chuyện với người điên mà lại... bất đồng ngôn ngữ nữa thì đành bất lực.
Từ 7h tối tới 12h đêm “nói chuyện” “mỏi cả tay” mà chẳng thu được thông tin gì. Sau đó, khi đưa anh ta vào bệnh viện tâm thần, một bác sỹ dùng tiếng Pháp hỏi chuyện thì anh ta trả lời. Anh ta thừa nhận mình bị điên vì chơi điện tử quá nhiều. Nhưng lại mong về nước ngay để được chơi điện tử.
... Theo Dương ra phường Lý Thái Tổ, nơi điện thoại vừa báo có người điên đang bị giữ ở đồn công an. Đến nơi, thấy một cô gái trẻ, gương mặt đẹp mà có gì đó dài dại, đang nói chuyện với mấy người vây quanh.
Nhìn thấy cô gái, Dương thốt lên: “Lại gặp người quen”. Mồng 3 Tết vừa rồi, Dương mới đưa cô gái này từ đây về Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Cô gái ấy tên là Lù Ngọc T. ở xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nhưng vẫn thường “hạ sơn” xuống Hà Nội đi lang thang.
Một chiến sĩ công an kể, hồi chiều T. dạo một vòng quanh hồ Gươm rồi bỗng cởi hết quần áo lội xuống hồ bắt cá. Công an phường Lý Thái Tổ phải bơi ra đưa vào. Dẫn một cô gái điên nhưng đẹp, da trắng ngần, và gần như khỏa thân đi cũng chẳng hề đơn giản.
Mấy chiến sĩ công an đưa T. về đồn mà... mắt phải nhìn đi chỗ khác. Khi hồi tỉnh, cô bảo mình nhảy xuống hồ vì có tiếng nói nào đó ở trong đầu xúi giục và cởi bỏ hết quần áo để công chúa Ngọc Hân nhập vào.
Trong người cô có một mảnh giấy ghi mấy dòng: “Nếu người nào nhìn thấy tôi ngất ở bất cứ nơi nào thì hãy để yên đó tôi sẽ tự tỉnh chứ không phải hô hấp gì hết. Tôi cầu xin các bạn đấy. Và hãy báo tin cho mẹ tôi biết địa chỉ và số điện thoại dưới đây. 022.832...”.
Dương ký vào giấy tờ rồi đưa T. lên xe. Ngồi sau cánh cửa sắt, T. còn với ra nói một câu khiến cho người tỉnh như tôi phải giật mình: “Em cần hít thở không khí của bầu trời”.
Dương chẳng biết đây là chuyến xe thứ mấy anh phải đi mà địa chỉ đến là bệnh viện tâm thần. Chỉ biết mỗi năm, trung bình Dương thu gom được bốn trăm lượt người điên. Và với nhịp sống ngày càng căng như hiện nay, đang xảy ra một hiện tượng mà nếu viết báo cáo về công việc này, Dương sẽ buồn khi hạ bút: “Năm sau cao hơn năm trước”.
Lại có điện thoại, lại một người điên đang cần đến Dương. Người thanh niên ấy đứng dậy, nói với tôi: “Chỉ mong mình được thất nghiệp”.
(Theo Tiền Phong)