Một cô gái khêu gợi với tư thế uốn éo, áo quần trễ nải lồ lộ trên bìa một tập san làm đẹp. Một kiều nữ tung bay đôi tà áo, xõa tóc vào mây trời trên bìa một tạp chí thời trang... Khi những bức ảnh bìa báo, tạp chí ngày càng được đầu tư, trau chuốt từ ý tưởng, bố cục, bối cảnh... đến kỹ thuật sao cho thu hút bạn đọc thì bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều những “stylist”, người đưa ra ý tưởng đồng thời chỉ đạo toàn diện việc thực hiện một bức ảnh thời trang, như một khẳng định: tờ báo, tạp chí X,Y,Z... này có đẳng cấp, chuyên nghiệp, có đầu tư hình ảnh riêng.
Không lâu trước đây, thường thì những bức ảnh người đẹp làm bìa tạp chí hay những hình ảnh thời trang trên mặt báo được chụp với người mẫu trang điểm thông thường, trong studio hay một nơi nào đó coi được, có khi nhiều báo cùng đăng một bộ ảnh thời trang. Bây giờ để có thể làm được một xêri hình ảnh như thế hay chỉ để có một bức ảnh thời trang làm bìa báo thôi cũng cần đến stylist.
Để có được một bộ thời trang nam, stylist Từ Phương Thảo của báo Sài Gòn Tiếp Thị đưa ra ý tưởng “bối cảnh là một sân bay quân sự, người mẫu là những chàng phi công thật sự”. Được sự đồng ý của báo, chị phải mất cả tháng trời vất vả ngược xuôi vận động từ Sài Gòn ra Hà Nội để xin được giấy phép.
Sau đó buổi chụp ảnh đã diễn ra tại một sân bay quân sự với người mẫu là những phi công thật sự như mong đợi của Phương Thảo, còn những cán bộ chỉ huy thì vừa ngạc nhiên vừa thú vị khi thấy những chàng phi công trong trang phục thời trang còn “đẹp giai” hơn cả người mẫu thứ thiệt.
Khi đưa ra ý tưởng thực hiện một xêri ảnh thời trang có tên “Bảo tàng sắc đẹp”, Henri Hubert, một stylist người Pháp sống và làm việc tại VN, phải tạo ra một không gian giống như bảo tàng thật sự từ một căn phòng nhà hàng sang trọng với ba lồng kính kích thước 2mx1,5m được cắt, ráp tại chỗ để “trưng bày” người mẫu cùng với các bộ sưu tập thời trang của bốn nhà thiết kế.
Buổi chụp ảnh diễn ra chẳng khác gì buổi quay đại cảnh ở một phim trường lớn với số người mẫu, chuyên viên hóa trang, phục trang, kỹ thuật và mấy chục người phục vụ việc thay đổi trang phục... Tất cả các công đoạn đều phải khẩn trương để nhanh chóng trả lại không gian cho nhà hàng đón khách. Ngay khi đóng máy, những cái lồng kính lập tức được rã ra... bán ve chai.
Còn stylist người Pháp J. Sarah của báo Tiếp Thị Gia Đình đã đưa người mẫu sang tận Campuchia hay lên Sa Pa để thực hiện những bộ ảnh thời trang đẹp. Người mẫu Thủy Hương còn được đưa sang vùng sa mạc kim tự tháp để thực hiện ảnh. Stylist Thanh Hương của tạp chí Đẹp thì từng cùng êkip của mình rong ruổi suốt 400 km dọc theo bờ biển để chọn một cảnh ưng ý cho ý tưởng về một bộ ảnh. Và mỗi một bộ ảnh, cho dù có được đầu tư công sức, tiền bạc đến đâu đi chăng nữa, thông thường chỉ đăng báo được mỗi một lần.
“Stylist là người tạo ra phong cách” và không chỉ là phong cách ứng xử - hình ảnh bên ngoài cho một ca sĩ nổi tiếng mà còn cho một chính khách, một doanh nhân thành đạt... khi họ xuất hiện trước công chúng; hoặc có khi là phong cách trình bày một buổi tiệc, một tờ báo...
Ở nước ngoài, stylist là một nghề chuyên nghiệp dù không được đào tạo chuyên nghiệp. Thông thường những người học trường nghệ thuật, thời trang, mỹ thuật, những người có kinh nghiệm làm việc trong giới tổ chức biểu diễn hay chuyển sang làm nghề này.
Còn ở VN hiện mới chỉ có stylist về ảnh thời trang (bao gồm cả quảng cáo) nhưng cũng không ít kẻ thậm xưng danh hiệu này trong khi họ chỉ là người chụp ảnh thời trang, thậm chí là người mẫu hay chuyên viên trang điểm, hoặc có khi chỉ là người làm tóc.
Trong khi đó, một stylist ảnh thời trang ngoài ý tưởng cần phải am hiểu nhiều lĩnh vực chuyên môn khác như thời trang để đọc ý tưởng nhà thiết kế, hội họa để biết bố cục, nhiếp ảnh để biết ánh sáng, và cần biết cả về trang điểm, làm tóc để có cách nhìn phối hợp cho bộ sưu tập; cuối cùng là không thể thiếu kinh nghiệm sống.
Hoạ sĩ Từ Phương Thảo nói: “Kinh nghiệm sống là quan trọng nhất. Những người trẻ quá làm stylist không dễ thành công”. Thanh Hương khẳng định: “Stylist phải là người có khả năng sáng tạo ra cái lạ, độc đáo, có tính tiên phong; có khả năng phát hiện cái mới; và phải biết đánh giá đúng cái đẹp”. Và hầu hết những stylist đều đồng ý: “Stylist phải làm sao cho bức ảnh thời trang dự báo được xu hướng sắp tới về thời trang và cả xu hướng xã hội”.
Hiện chỉ có Sarah là ăn lương stylist chính thức của một tờ báo thông qua một công ty quảng cáo mà cô là nhân viên. Còn Thanh Hương, Từ Phương Thảo, giám đốc mỹ thuật của hai tờ báo, cho biết: “Làm stylist trước hết vì say mê, để thỏa mãn ý thích của bản thân”.
Trong số các stylist được coi là chuyên nghiệp hiện nay có Thanh Trúc, Việt kiều Pháp, stylist của tạp chí City Life, người tạo ra những hình ảnh mang phong cách trí thức, quý phái, cổ điển. Henry Hubert có phong cách hào hoa nhưng khá sexy, khiêu khích. Thanh Hương đậm chất nữ tính, sang trọng. Sarah lãng mạn, hiện đại, trẻ trung vui tươi. Còn Từ Phương Thảo độc đáo và gây sốc.
“Thời trang là chính hay hình ảnh là chính; phong cách stylist là chính hay phong cách nhà thiết kế là chính?”. Thanh Hương cho rằng: “Tinh thần của bức ảnh quan trọng hơn bộ trang phục. Nếu muốn giới thiệu quần áo thì đã có mục mua sắm và chỉ cần chụp ảnh bộ đồ”. Từ Phương Thảo cũng đồng tình.
Sarah bổ sung: “Có những bộ thời trang, bức ảnh thời trang đưa ra không nhằm giới thiệu quần áo để mặc cụ thể mà chỉ để cho người ta mơ, trải qua những phút giây thú vị; có khi ý tưởng mà stylist đưa ra cũng không cần phải hiểu, không phải để hiểu”. Nhưng, Henri Hubert lại dứt khoát: “Stylist phải tôn trọng hoàn toàn ý tưởng của nhà thiết kế. Nhiệm vụ của stylist là phải mang lại một phong cách đẹp nhất, hoàn hảo nhất cho người mẫu khi trình bày bộ sưu tập”.
Một tạp chí thời trang đăng bức ảnh người mẫu nam áo mỏng tang, ướt nhẹp dính vào người, phanh ngực, nửa nằm nửa ngồi kéo người mẫu nữ tư thế sắp nằm xuống, váy ngắn nửa đùi, lồ lộ từng đường cong, tóc tai rũ rượi, ánh mắt, vẻ mặt ngây dại...
Lại có một người mẫu nữ giới thiệu bộ vest đen của một thương hiệu thời trang cao cấp trong khi trên môi lại phì phèo thuốc lá trông rất sành điệu. Dù có bàn tay stylist dàn dựng nhưng những bức ảnh ấy lại rõ ràng không phù hợp với thẩm mỹ, cách nghĩ của số đông người Việt. Đẹp và hoàn hảo thôi chưa đủ.
(Theo Tuổi Trẻ)