Trước khi mất, nghệ sĩ Văn Hiệp cũng mang nhiều căn bệnh và sức khỏe không được tốt. Cuộc sống gia đình của ông cũng không hạnh phúc nên tâm tư trĩu nặng.
Lễ viếng nghệ sĩ Văn Hiệp bắt đầu từ 10h ngày 11/4, lễ truy điệu diễn ra vào 12h cùng ngày. Thi thể ông được hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Hà Nội.
Nghệ sĩ Văn Hiệp gắn liền với các vai diễn hài nhưng đời sống cá nhân của ông lại có nhiều bi kịch. |
Khi được tin ông mất, diễn viên Vượng Râu vô cùng đau buồn. Hơn 10 năm làm nghề và đi diễn cùng Văn Hiệp, anh luôn gọi ông là "bố" một cách thân thương bởi với anh, Văn Hiệp không chỉ như một người cha, mà còn như một người thầy, chỉ bảo cho anh nhiều điều hay, dở trong nghề diễn và cuộc sống. Anh chia sẻ trên facebook: "Sáng ra ngủ dậy, Nghe một tin đau đớn! Nghệ sĩ Văn Hiệp đã ra đi! Ôi dẫu biết rằng sinh tử là lẽ thường ở đời, nhưng sao nghe tin "Bố" ra đi mà lòng đau đến thế. Cả cuộc đời sống trọn vẹn với niềm vui sân khấu và điện ảnh, miệt mài cống hiến như con "giun" trong bài thơ Bố viết. Không quan tâm tới việc xét duyệt NSUT hay này nọ, cứ lặng lẽ cống hiến và đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Con mong Thầy về nơi đó sẽ sớm gặp hội tụ cùng nghệ sĩ Mạnh Tuấn, Dương Quảng, Trịnh Mai...". Vượng Râu chia sẻ: "Văn Hiệp luôn là người nghệ sĩ nhân dân. Tôi đau xót bởi 'bố' lao động như vậy mà lại chưa có bất cứ một danh hiệu gì. Có lẽ, 'bố' chả quan tâm đến điều đó. 'Bố' vẫn bảo đó là hữu danh vô thực, nhưng rõ ràng, 'bố' xứng đáng được tôn vinh".
Nghệ sĩ hài Trà My, người coi Văn Hiệp như anh trai ruột kể lại, sáng 8/4, chị vào viện thăm đã thấy ông khó thở và nói ngọng. "Anh Hiệp nằm viện từ trước Tết nên cứ có thời gian rảnh là tôi vào thăm. Hôm qua, không biết linh tính thế nào tôi lại điện thoại cho anh thì thấy anh nói không rõ ràng và bảo muốn gặp tôi. Lúc vào gặp anh, anh vẫn cứ hay đùa dù khó thở, miệng mở rộng. Anh còn đòi tôi thuê thợ lập cho anh ban thờ có đèn nhấp nháy vì anh bảo có thể anh sẽ ra đi. Sáng sớm nay, con trai anh gọi điện thông báo, tim anh không còn đập nữa, tôi rất sốc", Trà My nghẹn ngào. Chị đã đến cùng anh Thắng, con trai nghệ sĩ Văn Hiệp đưa thi hài ông ra viện 108 để chuẩn bị lo tang lễ.
Nghệ sĩ Văn Hiệp sinh năm 1942. Ông là thế hệ đầu tiên học tại trường Sân khấu điện ảnh. Là người Hà Nội gốc, nhưng ông không có cái vẻ công tử phong lưu, mà ngay từ thời trẻ ông đã tự nhận thấy những hạn chế của mình khi bước vào nghề diễn "mặt xấu xí, mắt híp, quần áo chẳng bao giờ là, đầu tóc chuyên một kiểu". Thời gian đầu ông công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam và tham gia diễn xuất trong các vở: cậu bé Sacca trong kịch Nila, Y tá Háp trong vở Đôi mắt, Phi Vân trong vở Hoa pháo, vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến…đã để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc. Rồi ông chuyển sang diễn hài và được đông đảo khán giả yêu mến. Biệt danh “Trưởng thôn Văn Hiệp” đã trở thành cái tên nhận được nhiều thiện cảm trong công chúng, qua seri hài “Gặp nhau cuối tuần” của Đài truyền hình Việt Nam.
Clip Nghệ sĩ Văn Hiệp chia sẻ chuyện diễn hài |
Ông từng chia sẻ những bất hạnh của mình trong cuộc sống riêng tư: "Tôi và vợ, gọi là ly thân cũng không quá nhưng ly dị lại thành dở hơi. Người ta vẫn bảo: “Có vợ mà để đi Tây, như xe không khóa để ngay bờ hồ” - tôi đùa lại họ rằng, không những bỏ quên xe mà còn để người ta cưỡi phi sang tận trời tây rồi. Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai. Nhiều người sau lưng hay cười tôi vì chuyện đó. Mà nếu bà ấy có ai khác thật, tôi cũng không nghĩ đó là sự phản bội. Đàn bà một mình vất vả, nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Mình có giữ cũng vô ích. 20 năm một mình nuôi con, kể cũng dài nhưng với tôi đó là giai đoạn đã qua rồi. Tôi không dám nhận mình là người vị tha, chỉ nhận mình là người cư xử đàng hoàng".
Trong những năm khó khăn, vợ ông đã đi lao động xuất khẩu ở Đức để lo cho gia đình. Ông đau đáu: "Nước mình nghèo, phụ nữ đi xuất khẩu lao động để lo cho chồng cho con. Riêng vợ tôi không kiếm được nhiều tiền nên thi thoảng tôi vẫn phải gom tiền gửi sang. Thế nhưng tôi khuyên về thì cô ấy không chịu. Vẫn biết về là hợp lý, nhưng người ta ngại thay đổi và di chuyển. Thôi thì mình già rồi, chẳng còn vặn vẹo nhau chuyện về hay ở làm gì nữa. Vợ hàng năm nếu dành dụm được tiền thì vẫn về nhưng tôi chẳng sang đấy làm gì. Sang đó có gì hay ho đâu. Con trai tôi trước đây cũng ở bên đấy, giờ tôi lại đón về rồi. Ngay cả sang tham quan du lịch tôi cũng chả thích. Mình 68 tuổi rồi, sức khỏe không được tốt, ở nhà túc tắc làm phim thôi. Tôi nhiều bệnh lắm, từng mổ dạ dày, cắt trĩ, lao phổi, đại tràng… Có lúc tuyệt vọng chẳng thiết gì nữa. Tôi từng nói với con, nếu bố có làm sao thì để thở oxi một hai buổi rồi rút ra nhé, vì nhà mình chẳng có tiền". Thời gian vừa rồi, ông ốm nặng, bà cũng về chăm sóc và khi bà vừa quay trở lại Đức thì ông qua đời.
Cuối đời ông có một bài thơ rất đúng với hoàn cảnh của mình.
Nghệ sĩ giun
Nơi nào có đất cằn
Nơi ấy có họ nhà giun
Hiền lành chẳng làm đau ai
Mềm oặt như sợi bún
Năm năm, ngày ngày, tháng tháng
Miệt mài thâu đêm suốt sáng
Giun xoắn mình nhọc nhằn nhích dần từng chút một
Và đất và giun tơi xốp
Đơm hoa nảy lộc đón gió lành cùng chim hót véo von
Đất và giun và rất nhiều giun
Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm
Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non
Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun.
N.S.