Cảnh trong phim Lưới trời.
- Bộ phim "Lưới trời" nhận giải thưởng Cánh diều vàng (Hội Điện ảnh VN năm 2003), mới đây lại nhận giải Bông sen bạc (Liên hoan phim VN 2004), anh nghĩ sao?- Cánh diều vàng 2003 là giải của Hội Điện ảnh thiên về hướng nghề nghiệp, Bông sen bạc 2004 là giải của ngành nên có giá trị rộng hơn, chính trị và phong trào hơn. Tôi vui vì ở đâu Lưới trời cũng được để ý tới.
- Điều lớn nhất mà anh tâm đắc khi bắt tay vào làm phim "Lưới trời"?
- Sự dũng cảm, trách nhiệm công dân của tác giả kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn. Lần đầu đọc kịch bản tôi đã muốn chia sẻ ngay với anh. Tôi sợ mất cơ hội. Nhiều vụ tham nhũng lớn cũng bị lãng quên, bị chìm xuồng, thì số phận một kịch bản chống tham nhũng mong manh lắm.
- Gia đình anh thế nào khi biết anh thực hiện phim có đề tài chống tham nhũng?
- Trước hết, phải nói là ban giám đốc Hãng Phim truyện I ủng hộ tôi hết lòng, mặc dù đã có hãng phim từ chối kịch bản này. Gia đình luôn ở phía sau tôi, sẵn sàng chịu đựng những thất bại cùng tôi.
- Theo dõi thời sự hằng ngày, chống tham nhũng, tiêu cực là một quốc sách. Từ góc độ một công dân, theo anh, cần phải như thế nào để quốc sách đạt hiệu quả cao?
- Dân chủ là vũ khí mạnh mẽ nhất, toàn diện nhất để chống tham nhũng, tiêu cực tận gốc. Mấy năm gần đây việc thực thi dân chủ ở nước ta có rõ nét hơn. Một số vụ lớn bị phanh phui. Trong tương lai, tôi tin các vị "hạ cánh an toàn" rồi vẫn bị pháp luật hỏi tới.
- Vậy đứng dưới góc độ một đạo diễn, anh sẽ phải làm gì?
- Làm mọi người nghĩ tới tương lai để hành động hôm nay.
- Điện ảnh phải gần gũi với công chúng, theo anh, là như thế nào?
- Lại nói tới quan hệ cá - nước. Cá không có nước hiển nhiên cá chết. Còn nước không có cá thì nước... buồn. Vấn đề là cá phải bơi kiểu gì để nước lao xao, nổi sóng thì càng tốt.
- Có ý kiến cho rằng thời gian qua điện ảnh VN không đến được với công chúng là vì lảng tránh những vấn đề nóng của xã hội. Anh suy nghĩ ra sao trước nhận xét này?
- Tôi nghĩ điện ảnh VN không lảng tránh những vấn đề đương đại. Nhưng... chúng ta xông vào mà chưa được. Chúng ta vẫn thiếu bản lĩnh và tài năng. Ngược lại, phim đề tài quá khứ làm nhiều nhưng hay ít. Điện ảnh chúng ta cũng nợ lịch sử nặng lắm.
- Giả sử cùng lúc anh đứng trước lời đề nghị làm một bộ phim giải trí với một bộ phim đi vào "điểm nóng xã hội", anh chọn làm phim nào?
- Tôi sẽ chọn con cá nào có khả năng làm nước lao xao.
- Làm cách nào để không chỉ mình anh mà có hẳn một nhóm đạo diễn đi vào làm phim những đề tài nóng của xã hội (tiêu cực, suy thoái đạo đức tràn lan...)?
- Nghệ sĩ thường háo danh. Nếu loại phim nào được tôn vinh, họ sẽ lao vào làm loại phim đó. Các nhà quản lý nên tận dụng... nhược điểm này.