Sáng 1/5, Lê Bình rời xa cõi tạm sau chuỗi ngày bị bệnh tật hành hạ. Những vai diễn với hình ảnh Lê Bình gầy gò, chất phác, nhiều tâm sự mãi là một phần di sản ông để lại. Sự nghiệp diễn viên của ông trải dài gần 40 năm, từ sân khấu kịch bước lên màn ảnh nhỏ, màn ảnh lớn.
Cha mẹ sớm ly dị, Lê Bình trưởng thành bên bà nội trong hoàn cảnh sống thiếu thốn. Ông bươn chải kiếm sống bằng nhiều công việc lao động từ khi mới là một cậu thiếu niên. Nghề diễn về sau này mang lại cho ông danh tiếng, nhưng không giúp ông cải thiện nhiều trong đời sống vật chất.
Đời thực vất vả dường như vận vào nghiệp phim ảnh của Lê Bình, đưa đẩy ông đến với nhiều vai diễn số phận nghiệt ngã, nội tâm gai góc. Dáng người gầy gò, gương mặt khắc khổ càng khiến nghệ sĩ nhập vai người nông dân nghèo hay ông bố hà khắc thêm trọn vẹn.
Ông già Nam Bộ lam lũ
Trong hơn 60 tác phẩm từng góp mặt, Lê Bình ghi dấu ấn đậm nét nhất với dạng vai người nông dân miền Tây. Bởi vậy, ông được mọi người yêu mến gọi là ông già Nam Bộ của màn ảnh Việt Nam. Lê Bình có lần tâm sự, ông quen giản dị ở ngoài đời và nghèo khổ ở trên phim. Mỗi khi đóng vai người giàu, mặc đồ đẹp, ông cảm thấy bối rối, không tự nhiên.
Trong phim Đất phương nam, ông vào vai anh Tư Tại sống đời phóng khoáng, cần cù, chân chất. Trong phim Vịt kêu đồng, ông hóa thân thành ông Năm đau đáu nỗi lo cho đàn vịt, cho kiếp mưu sinh của gia đình. Trong phim Vùng đất không yên tĩnh, ông khắc họa hình ảnh ông Bảy - một chiến sĩ cách mạng lạc lõng giữa nhịp sống mới...
Mỗi vai diễn một số phận mà Lê Bình đảm nhận ở những giai đoạn khác nhau của sự nghiệp, song cùng được nghệ sĩ xây dựng với nét mặt nhiều sương gió và điệu chau mày đầy trăn trở. Đây là những vai diễn mang về cho ông nhiều thành công trong sự nghiệp, nổi bật trong đó là hai giải Nam diễn viên phụ được yêu thích nhất tại Giải thưởng HTV với phim Vùng đất không yên tĩnh (năm 2010) và Vịt kêu đồng (năm 2011).
Người cha nghiêm khắc nhưng hết mực thương con
Bên cạnh chủ đề sông nước miền Tây, Lê Bình còn có duyên với dòng phim gia đình. Ông thể hiện xuất sắc nhân vật ông bố cổ hủ và khó tính của Huyền Diệu (NSƯT Ngọc Hiệp đóng), trở thành một điểm nhấn vừa mang đến tiếng cười, vừa để lại nhiều suy ngẫm, đồng cảm trong sitcom Cô gái xấu xí.
Với phim Có căn nhà nằm nghe nắng mưa ra rạp năm 2017, Lê Bình khiến người xem bực và giận ở phần đầu, nhưng xót xa khi câu chuyện thầm kín của nhân vật ông Phát được lật mở ở cuối phim. Đau khổ vì con trai chết đột ngột và khó hiểu, ông Phát vùi mình trong men rượu, ngày ngày chửi bới người hàng xóm bởi họ nghi ngờ con trai ông là thủ phạm gây ra cái chết cho con trai họ.
Đóng phim này, nghệ sĩ Lê Bình có nhiều cảnh uống rượu, còm cõi một mình trong căn nhà trống, nhiều lần nghẹn giọng vì khóc, buông lời cay nghiệt về mình, về người, về kiếp nhân sinh.
Trong những ngày cuối đời chống chọi với bạo bệnh, nghệ sĩ Lê Bình vẫn tái ngộ khán giả qua chân dung người cha của Hai Phượng (Ngô Thanh Vân đóng) trong bộ phim cùng tên. Ông xuất hiện thoáng qua trong một cảnh ngắn, song bộc lộ khí chất hào sảng của một võ sư, cũng như tính cách khắt khe của một người cha.
Ngoài những vai nhiều đất diễn, ông còn được yêu mến qua một vài tuyến vai nhỏ trong các phim Người đẹp Tây Đô, Blouse trắng, Mùa len trâu, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh...
Phong Kiều