Nghệ sĩ Lê Bình xuất thân trong một gia đình có gốc miền Tây (quê ngoại ông ở miệt Sa Đéc, Đồng Tháp). Tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày buồn nhiều hơn vui bởi bố mẹ không sống với nhau từ khi ông còn nhỏ. Ngay từ bé, ông đã sớm hình thành cho mình tính tự lập. 16 tuổi, ông vừa đi học vừa đi chạy bàn cho nhà hàng để phụ giúp mẹ. Lớn lên, ông quyết định đi làm công nhân tại một công trình thuỷ lợi. Từ khi có việc làm ổn định, cuộc sống của ông đã vui hơn. Ông làm việc hăng say và nhiệt tình tham gia các phong trào văn hoá, văn nghệ tại địa phương.
Nghệ sĩ Lê Bình trong vai ông Bảy cô đơn phim Vùng đất không yên tĩnh. |
Đầu tiên, ông vào đội kịch của phường, sau đó tham gia vào đội kịch của nhà Văn hoá Thanh Niên. Khoảng năm 1982, ông lại được Hội Sân khấu mời về diễn tại Sân khấu kịch 5B và từ đó đến nay, ông đã gắn bó cùng với sân khấu. Lê Bình tâm sự rằng: “Ngay từ những lần tham gia phong trào văn nghệ quần chúng, tôi đã phát hiện ra mình có một niềm đam mê kỳ lạ với nghiệp diễn xuất. Tôi yêu không khí của những buổi tập dượt cùng anh em; yêu cảm giác hồi hợp, đợi chờ được ra sân khấu và yêu cả cái cảm giác được khán giả vỗ tay tán thưởng".
Tình yêu này đã mang đến cho Lê Bình một mối duyên với sân khấu, sàn tập... và đặc biệt là những phần thưởng dành cho ông sau gần 30 năm gắn bó cùng nghiệp diễn. Tháng 3 vừa qua, ông đã được nhận giải “Nam diễn viên phụ được yêu thích nhất” tại cuộc bầu chọn giải thưởng truyền hình HTV Award năm 2010.
Lê Bình được nhiều khán giả biết đến với những vai diễn “rất đời” trên sân khấu cũng như trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình. Ông thường hay được gọi vui là “Ông già Nam Bộ” bởi dù không cố tình định hình phong cách là những vai nông dân nghèo khổ, nhưng khi những đoàn phim cần dạng vai này thì họ sẽ nghĩ đến Lê Bình trước tiên. Ở ông toát lên một nét gì đó giản dị, hiền lành, thật thà nhưng đôi mắt thì lại cho thấy một sự cương nghị, cứng rắn.
Lê Bình tâm sự: “Hình như số tôi không thuộc về những vai diễn nhà giàu, ăn mặc đẹp. Mỗi lần tôi khoác những bộ đồ đẹp vào người thì dường như tôi không còn là tôi nữa. Ngày trước, tôi từng được tham gia vào phim Thám tử tư với vai diễn Phó giám đốc hay trong Blouse trắng với vai một doanh nhân Việt kiều gốc Hoa. Khi được mặc những bộ đồ sang trọng, tôi cảm thấy hơi ngài ngại. Cũng không hiểu vì lý do gì hay chỉ đơn giản một điều, những vai diễn mang số phận buồn, nghèo khổ đã ăn sâu vào trong máu thịt của tôi”.
Nhiều khán giả lầm tưởng Lê Bình là một người “nông dân chính hiệu” khi ông hoá thân vào những vai nông dân cam chịu, khắc khổ khá “ngọt”. Lý giải điều này, người đàn ông gần 30 năm gắn bó cùng sân khấu kịch, tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi có dịp được sống cùng với ông nội. Thuở đó, ông tôi hay mặc áo bà ba, quấn khăn rằn, hút thuốc rê. Những hình ảnh đó đã in vào trong tâm trí khiến tôi nhớ mãi. Thêm vào đó, trong những tháng năm đi thanh niên xung phong, tôi đã được sống với những người nông dân, cùng ăn ở và gắn bó với họ nên có được nhiều kinh nghiệm diễn xuất”.
Do phù hợp với những dạng vai “nông dân Nam bộ”, thời gian qua, nghệ sĩ Lê Bình đã được mời vào vai diễn ông Bảy cô đơn trong bộ phim Vùng đất không yên tĩnh. Đúng như tên gọi của vai diễn, Lê Bình hóa thân thành một ông nông dân từng là một chiến sĩ đặc công và một người Đảng viên chân chính. Sau giải phóng, ông xuất ngũ về sống tại khu vực sông Huỳnh với người con nuôi Năm Trần (diễn viên Ngọc Thảo). Ông Bảy cô đơn và một số tuyến nhân vật khác trong phim là những con người tiêu biểu cho công cuộc đấu tranh với cái ác, nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Họ đã vạch mặt, làm rõ việc cố ý làm ô nhiễm môi trường của Khu công nghiệp Khánh Ninh, nhà máy Sheng Min do Mã Văn (diễn viên Mai Sơn Lâm) làm đại diện...
Khán giả có thể theo dõi diễn biến số phận của ông Bảy cô đơn cũng như các nhân vật khác trong phim Vùng đất không yên tĩnh vào lúc 11h các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu trên HTV7. Phim do Đài Truyền hình TP HCM và Công ty TNHH Truyền thông Giải trí FPT (FPT Media) phối hợp sản xuất.
Vĩnh Khang