Sáng 14/9, tại cuộc họp về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, thiếu tướng Lê Tấn Tới đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cấm phim có tình tiết cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật. Trong phát biểu, thiếu tướng lấy ví dụ sau khi phim Người phán xử chiếu trên truyền hình, tình hình các băng nhóm tội phạm, xã hội đen xảy ra rất nhiều. Một số nghệ sĩ trao đổi với Ngoisao.net về quan điểm này.
'Không công bằng với 'Người phán xử'
NSND Trung Anh (vai Lương Bổng trong Người phán xử) cho biết phim đã cắt rất nhiều tình tiết bạo lực, tình dục, tội phạm so với kịch bản gốc của Israel để phù hợp văn hóa Việt Nam. Theo nghệ sĩ, phim phản ánh một phần góc khuất xã hội, những mánh khoé của giới xã hội đen mà người bình thường khó tưởng tượng. Đó cũng là cách giúp khán giả nhận ra cái xấu, cái ác và tránh được những sai lầm.
Ông chia sẻ thêm: "Được nhiều khán giả yêu thích nhưng Lương Bổng vẫn chết ở cuối phim. Tuy sống trong giới xã hội đen, Lương Bổng nhận thức được mặt trái của những việc mình làm nhưng không thể bước ra khỏi vòng xoáy ấy. Trước khi chết, nhân vật đưa cuốn sổ chứa nhiều tài liệu quan trọng cho cơ quan điều tra. Việc này cho thấy ông ta bế tắc và đó cũng là sự trả giá cho việc chọn lầm đường".
Diễn viên Việt Anh (vai Phan Hải trong Người phán xử) cho rằng phát biểu của thiếu tướng Lê Tấn Tới thiếu khách quan: "Nói tỷ lệ tội phạm tăng chỉ vì một bộ phim là quá đề cao vai trò của phim ảnh. Nếu hiểu theo nghĩa đó, đất nước nào có nhiều phim về đề tài tội phạm thì xã hội sẽ kinh khủng lắm. Mỗi kết luận cần dựa trên số liệu điều tra xã hội rõ ràng, cụ thể là tỷ lệ tội phạm trước và sau khi bộ phim lên sóng. Thực tế đâu có chuyện chỉ sau khi Người phán xử chiếu, xã hội mới có tội phạm hoạt động".
Diễn viên - đạo diễn - nhà sản xuất Hồng Ánh cũng cảm thấy việc lấy ví dụ của thiếu tướng không công bằng với phim Người phán xử. Cô chia sẻ: "Tại sao không nhìn vào mặt tích cực của bộ phim, không chú ý đến hình ảnh lực lượng công an phá án và đường dây tội phạm bị triệt phá trong phim? Tại sao chỉ nghĩ đến những cảnh đâm chém, giết chóc? Người trên 18 tuổi phải chịu trách nhiệm về hành vi mình làm, không có căn cứ nào xác thực hành vi phạm tội do các phim giang hồ ảnh hưởng. Tôi nghĩ không phải phim ảnh đen tối thì xã hội đen tối, phim ảnh màu hồng thì xã hội màu hồng. ".
Ngoài ra, Hồng Ánh cho rằng thiếu tướng Lê Tấn Tới đang nghĩ về phim chưa đầy đủ, bởi phim không chỉ có phim chiếu truyền hình mà còn có phim điện ảnh chiếu rạp. Phim chiếu rạp do Cục Điện ảnh kiểm duyệt, còn phim truyền hình do nhà đài tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, lấy Người phán xử làm đại diện cho cả ngành phim không hợp lý.
Lỗi không phải do thể loại phim
Theo quan điểm của Hồng Ánh, phim ảnh dù được dàn dựng chân thật, khốc liệt đến mấy cũng là sản phẩm của hư cấu, không phải là đời thực tuyệt đối. Cô chia sẻ: "Phim ảnh có thể phơi bày hiện thực kinh khủng nhưng với mục đích cảnh tỉnh khán giả, khiến mọi người sợ và tránh xa những thứ xấu. Đối với phim chiếu trên truyền hình, khán giả trưởng thành có quyền quyết định xem hoặc tắt tivi, khán giả nhỏ tuổi thì cần có cha mẹ giám sát. Phim điện ảnh thì phân loại độ tuổi. Tuy nhiên, tôi thấy bất công với phim điện ảnh vì phim điện ảnh bị kiểm soát quá chặt, còn phim truyền hình thì dễ thở hơn".
Diễn viên - nhà sản xuất Hứa Vĩ Văn cũng cho rằng nói Người phán xử và các phim về xã hội đen tác động đến tội phạm là vô lý. Anh giải thích: "Phim ảnh và truyền hình Việt Nam đi sau các quốc gia trong khu vực nhiều năm. Người Việt Nam đã xem thể loại phim xã hội đen của Hong Kong, Hàn Quốc từ rất lâu rồi. Phim giờ vàng trên truyền hình hướng đến đối tượng gia đình, dành cho bố mẹ và con cái cùng xem sau giờ cơm tối. Vì vậy, các bộ phim không thể quá nặng nề đến mức hướng người ta vi phạm pháp luật".
Theo quan sát của đạo diễn - NSƯT Phương Điền, vấn đề kiểm duyệt phim về giang hồ đã được đưa ra nhiều lần trong các cuộc họp, hội thảo. Anh cho rằng không nên cấm tuyệt đối thể loại phim về xã hội đen, nhưng người làm phim cần cân nhắc cách dàn dựng và hình thức phát hành. Lấy Người phán xử làm ví dụ, anh cho rằng bộ phim này remake từ phim của Israel, phải bám sát kịch bản gốc là đương nhiên, nhưng phim cũng đã lược bỏ các chi tiết quá nhạy cảm. Đối với phim truyền hình nói chung, các đài truyền hình cần xếp khung giờ phù hợp với đối tượng khán giả của mỗi tác phẩm. Còn phim chiếu rạp lâu nay vẫn được dán nhãn theo độ tuổi.
Đạo diễn Lý Minh Thắng cũng nhìn vấn đề một cách hai mặt. Anh phản đối quan điểm cấm đề tài phim về giang hồ, xã hội đen. Nhưng anh đề xuất các bộ phim cần gửi gắm thông điệp cụ thể và tốt đẹp phía sau mỗi cảnh đánh đấm thay vì chỉ để phô diễn tính bạo lực. Ngoài ra, anh cho rằng hình ảnh lực lượng chức năng khống chế các băng đảng cần được đưa vào phim hợp lý và dễ chịu thay vì mang tính hình thức gây gượng ép.
Phong Kiều - Nguyên An