Thứ bảy, 20/2/2021, 00:04 (GMT+7)

Nghề săn vẹm dưới đáy sông Yên

Thanh HóaAnh Phạm Văn Công và nhóm thợ dong bè tre ra giữa sông Yên, sau chừng năm giờ làm việc, họ thu về số hàu, vẹm xanh đem bán được 3-4 triệu đồng.

Sau hơn một tuần nghỉ Tết Nguyên đán, anh Công, 31 tuổi, ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và nhóm ngư dân cùng xã lên lịch đi lặn bắt hàu, ngao và vẹm xanh. Khúc sông Yên cuối nguồn trước làng được họ chọn để “xông nghề đầu năm”.

Giữa buổi sáng, lựa lúc nước sông trong nhất là thời điểm lên đường. Phương tiện hành nghề của tốp thợ là chiếc bè nhỏ kết bằng những cây tre uốn cong phần mũi, phần đuôi gắn chiếc máy phát công suất hơn hai mươi mã lực, khoang lái sơ sài gần như lộ thiên. Trên bè chất thêm vài bao lưới, cuộn ống thở xếp không ngay ngắn và vài dụng cụ đơn giản như tấm bạt, mấy chiếc rổ… là đồ nghề của nhóm thợ lặn sông Yên.

“Nghề lặn không có giờ giấc cụ thể mà đi theo con nước. Lúc nào trong thì làm, nếu nước đục thì không đi được”, anh Công chia sẻ.

Mất chừng non mười phút, chiếc bè mang tiếng nổ phành phạch, nặng nề đến giữa khúc sông sâu. Với kinh nghiệm gần 10 năm làm nghề, anh Công biết chắc vị trí này sẽ có nhiều hàu bám phía dưới vì có những bãi đá ngầm nằm nhấp nhô theo vỉa.

Chiếc bè giảm ga chầm chậm, anh Công mặc bộ đồ người nhái rồi ngậm ống dưỡng khí.

Đeo thêm kẹp chì nặng hơn 20kg quanh người rồi quăng mình xuống dòng nước lạnh giá chảy lững lờ.

Cứ 30-40 phút, người thợ lặn lại nhoi lên mạn thuyền. Đồng nghiệp Công trước đó vừa kéo một bao lưới nặng, đầy những con hàu, con vẹm to gần bằng lòng bàn tay. Trung bình mỗi lần lặn, người thợ như Công sẽ bắt được khoảng 30-50 kg đủ các loại ngao, hàu, vẹm xanh hay các loài nhuyền thể có thể bán được.

Đánh bệt trên bè, uống ngụm nước lọc, anh Công lại nhoài người đi lượt mới. Anh thường lặn sâu 6-10 m để cạy những con hàu lớn nhất đang bám vào vách đá hoặc chân cọc.

“Dịp đầu năm trời còn giá rét, ngâm mình làm việc dưới đáy sông quá lâu nên dù đã mặc áo lặn chuyên dụng giúp giữ ấm cơ thể nhưng có lúc mình vẫn run bần bật, đôi tay cóng đơ”, Công nói.

Ngoài đồ bảo hộ, kính lặn và dây dưỡng khí là đồ nghề không thể thiếu của thợ lặn sông Yên. Kính được chọn là loại phải ôm sát mặt, không có kẽ hở nhằm ngăn nước vào mắt và giúp thợ nhìn rõ các vật thể dưới đáy sông.

Còn cuộn dây dẫn khí dài hàng trăm mét đủ để người thợ bơi khắp lòng sông rộng mà không sợ thiếu oxy.

Những người thợ còn cần một máy nén khí giúp cung cấp oxy suốt buổi làm việc. Khi đồng nghiệp làm việc dưới nước, người trên bè ngoài việc trông máy còn phải quan sát mặt nước, bọt khí của thợ lặn để điều chỉnh công suất máy nén cho phù hợp, đảm bảo an toàn.

Buổi làm việc của nhóm thợ thường kết thúc sau khoảng năm giờ liên tục. Hôm nay, nhóm ba người của Công thu được hơn hai tạ cả hàu và vẹm. “Giá bán vẹm khoảng 20 nghìn đồng một kg, còn hàu khoảng 18 nghìn đồng, mỗi buổi lặn may mắn thu về từ 2-3 triệu đồng, có hôm trúng mánh được tới bốn triệu”, anh Phạm Văn Tuấn, 29 tuổi, thợ phụ chia sẻ. Trừ chi phí dầu mỡ, nhóm ngư dân thu về hơn một triệu mỗi người.

“Chuyến lặn đầu năm hôm nay gặp nhiều thuận lợi, hứa hẹn một năm làm nghề may mắn”, Tuấn vui vẻ nói, bên số hàng vừa lấy được. Anh cho hay, mùa lặn săn hàu, vẹm thường bắt đầu từ đầu năm đến tháng 10 âm lịch.

Vẹm xanh, hàu được đánh bắt nhiều ở dọc các cửa sông, vùng ven biển miền Trung. Các loài nhuyễn thể có thể chế biến được nhiều món ngon và bổ dưỡng như nướng mỡ hành, hấp, sốt tỏi ớt…

Ở Quảng Nham và các xã ven biển quanh đây, trước kia có nhiều nhóm ngư dân đi lặn bắt hàu nhưng hiện chỉ còn số ít theo nghề do thu nhập không ổn định và vất vả hơn công việc khác. Chỉ có nhóm anh Công duy trì công việc đều đặn.

Lê Hoàng

Đánh giá phiên bản mới