Đi qua khu vực hành lang dài hun hút chạy qua những chuồng nuôi nhốt thú, có những chấn song sắt to bằng cổ tay nhốt những "ông ba mươi" đang gầm gừ vì thấy người lạ.
![]() |
"Chúa sơn lâm" trong vườn bách thú. |
Trong ánh sáng mờ mờ, tiếng người công nhân cất lên: "Bin Mi, lại đây nào, chóng ngoan". Chị công nhân bé nhỏ âu yếm vuốt ve hai chú hổ nặng đến cả tạ. Đó là Mai Quế Tiệp, người đã có thâm niên 30 năm chăm sóc thú dữ hiện là đội trưởng đội chăm sóc động vật vườn thú Hà Nội.
Phó giám đốc vườn thú Hà Nội Đặng Gia Tùng cho biết: ở đây hiện đang nuôi hơn 600 cá thể với 95 loài thú quý hiếm mà chỉ có hơn 80 cán bộ công nhân viên đội chăn nuôi động vật. Mỗi loài có một thực đơn riêng. Với loại thú dữ như hổ, báo, lượng thức ăn mỗi con một ngày 5-7 cân thịt bò. Riêng đàn gấu 10 con thuộc loại ăn tạp, nên phải nấu thành súp. Nặng nhọc nhất là cho hai con voi Krông và Phalan, một ngày hai con ngốn hết 300 kg cỏ voi, khoảng 60 quả chuối, 20 cân khoai, 15 cân bí đỏ, một nồi cơm với 10 cân gạo trộn 1 cân đường, "tráng miệng" 5 cân dưa hấu và uống 50 lít nước. Thức ăn cho thú là loại tươi ngon không đựơc dùng loại " rau già cá ươn". Ngay cả loại voi vốn to xác như vậy, nhưng khi cho ăn cũng phải kén chọn.
Trời rét, mấy con tinh tinh, hà mã có "tiêu chuẩn" sử dụng cả... điều hòa vì chúng vốn ở xứ nóng. Khu chuồng nhốt thú dữ những ngày nắng nóng cũng phải bật quạt suốt ngày. Cả tổ chăm sóc luôn thay nhau đưa lũ voi xuống hồ nước tắm rửa khi trời nóng bức. Mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ là phải đốt một đống củi để sưởi ấm và giữ nhiệt cho voi.
Theo Kinh Tế và Đô Thị, để có thể nuôi và chăm sóc thú khó nhất là phải làm thân để chúng "chấp nhận" mình. Đối với các chúa sơm lâm, anh em trong đội phải mất cả năm trời ngồi ngoài chuồng "nói chuyện", chăm sóc. Loại tinh tinh khi chăm sóc cũng phải theo dõi và dỗ dành chúng.
Anh Nguyễn Văn Quang, công nhân đội chăm sóc động vật kể: có lần con hổ Đen tinh nghịch thò "tay" qua song sắt vờn nhẹ vào đầu người công nhân để đùa, đã làm người công nhân này phải đi khâu mấy mũi. Ghê gớm nhất là loài gấu. Đến mùa động đực, chúng trở nên bẳn tính. Đã có công nhân bị gấu ôm chầm lấy vật ra đất, kéo lê ra hành lang. May mắn là khu vực đó có nuôi chim bồ câu, bọn chim thấy động bay lên, gấu liền bỏ người vồ chim, nhờ đó, người công nhân mới thoát chết. Có bác sĩ thú y bị voi quật đuôi vào mặt ê ẩm cả tuần khi đang tiêm cho nó.
Còn chị Bích thì không thể quên những kỷ niệm với đàn công tốt mã nhưng có thể tấn công người bất cứ lúc nào. Chỉ cần chị không chú ý quan sát cũng bị công mổ ngay vào mặt. Hươu, nai, ngựa rừng trông hiền lành nhưng đến mùa sinh đẻ, chúng sẵn sàng cắn, đá bất kể ai đến gần....
Vất vả, nguy hiểm là vậy, nhưng thu nhập của người công nhân vườn thú cũng chỉ 600.000-700.000 đồng/tháng, nhưng không có ai bỏ nghề. Có lẽ tình thương yêu và gắn bó với cái công việc hơi khác thường này đã khiến họ khó rời xa vườn thú.